Quản lý tài nguyên nước ở địa phương: Chưa mạnh do đâu?

27/02/2017 00:00

(TN&MT) - Nước là tài nguyên chiến lược, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên nước đang gặp những thách thức khiến suy giảm cả chất và lượng. Một trong những lý do ấy là công tác quản lý tài nguyên nước ở địa phương còn bất cập, chưa thực sự được quan tâm.

Chưa đáp ứng yêu cầu thực tế

Trong nhiều lần trao đổi với các nhà quản lý tài nguyên nước, hầu hết đều cho rằng công tác quản lý tài nguyên nước tại Bộ TN&MT là hoàn toàn tốt. Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên nước tại địa phương lại chưa được các Sở TN&MT thực sự quan tâm. Nhiều Sở TN&MT chưa có cán bộ chuyên trách về tài nguyên nước mà cán bộ làm công tác khí tượng thủy văn kiêm quản lý tài nguyên nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phú Thọ là một tỉnh cách Hà Nội khoảng 80km, có ba con sông lớn chảy qua là sông Đà, sông Thao, sông Lô nên được tiếp cận với nguồn nước mặt rất lớn với 119 tỷ m3/năm. Đó là chưa kể, 130 con sông, suối nhỏ cùng hàng nghìn ao, hồ phân bố  khắp trên địa bàn tỉnh. Theo tính toán, nếu cả ba con sông nói trên cùng thời gian xảy ra cạn nhất lịch sử thì lưu lượng nước chảy qua địa bàn tỉnh vẫn đạt trên 300m3/s, tương đương gần 26 triệu m3 nước/ngày đêm, đáp ứng được cho yêu cầu sinh hoạt và sản xuất. Nguồn nước mặt khá phong phú là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch các công trình cấp nước sạch sinh hoạt. Tài nguyên nước ngầm toàn tỉnh ước đạt 3,5 triệu m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước có tính chất liên tỉnh. Ô nhiễm nước Ngòi Lao vào thời điểm năm 2012, 2013 ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như nguồn nước sinh hoạt của người dân là một ví dụ. Qua kiểm tra, các thông số đều vượt quá mức độ cho phép.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo đánh giá của cơ quan chức năng là do bộ máy tổ chức, năng lực quản lý tài nguyên nước chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước chưa thực sự sâu rộng. Sự quan tâm về lĩnh vực quản lý tài nguyên nước đối với cấp huyện, cấp xã chưa đúng mức và chưa thực sự chú trọng. Trên thực tế, quản lý bền vững tài nguyên nước chỉ có thể thực hiện được khi nắm rõ các thông tin về xu hướng, tính định lượng, chất lượng và trữ lượng nước của khu vực theo thời gian trong khi công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước và thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh còn thiếu dẫn đến thiếu thông tin, số liệu phục vụ công tác quản lý về tài nguyên nước. Song chế độ báo cáo, cung cấp dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước, sử dụng nước của các ngành, các địa phương và tổ chức, cá nhân chưa được coi trọng. Với công trình đã được cấp phép, do phạm vi phân bố rộng trong khi lực lượng cán bộ quản lý còn mỏng nên việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước sau cấp phép còn hạn chế, vì vậy chưa phát huy được hiệu lực của công cụ giấy phép trong việc kiểm soát việc thực hiện các yêu cầu về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo quy định.

Một buổi tập huấn tuyên truyền Luật Tài nguyên nước tại địa phương
Một buổi tập huấn tuyên truyền Luật Tài nguyên nước tại địa phương

Trong công tác quản lý Nhà nước, việc phối hợp giữa các sở, ngành, giữa các cấp và ngành chưa thực sự chặt chẽ nên công tác quản lý hoạt động tài nguyên nước nói chung và các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan khai thác nước còn những khó khăn nhất định.

Theo kiến nghị của cán bộ làm công tác quản lý tài nguyên nước, cần xây dựng và triển khai quản lý tổng hợp tài nguyên nước; hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý chuyên ngành, đồng thời nâng cao năng lực cán bộ để thực hiện tốt vai trò quản lý tài nguyên nước; thường xuyên thực hiện công tác quan trắc tài nguyên nước để theo dõi diễn biến về số lượng, chất lượng nguồn nước.

Hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan Trung ương

Để đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên nước ở địa phương, năm 2016, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) đã tổ chức Hội nghị tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước cho các cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước thuộc các Sở Tài nguyên và Môi trường khu vực Bắc, Trung, Nam và các công ty tư vấn. Phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ và các chuyến công tác, làm việc tại một số địa phương, tổ chức hoặc tham gia tổ chức các lớp hội thảo, tập huấn, phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành 61 văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, nhất là trong việc thống kê, kiểm kê công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hoạt động xả nước thải vào nguồn nước; cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ nước dưới đất.

Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, 85% các Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh trong cả nước đã tổ chức Hội nghị phổ biến, hướng dẫn Luật Tài nguyên nước 2012, Nghị định 201/2013/NĐ-CP của Chính Phủ, Thông tư 27/2014/TT-BTNMT và Thông tư số 56/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra còn tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật về tài nguyên môi trường nói chung và bảo vệ tài nguyên nước nói riêng cho nhân dân qua các chuyên mục trên đài phát thanh, truyền hình, các phóng sự, bản tin thời sự…

Các Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác cấp phép tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Thống kê sơ bộ 61 tỉnh thành, năm 2016 các địa phương đã cấp được 3126 giấy phép tài nguyên nước các loại (cấp mới 88,6%, gia hạn 11,4%), trong đó cấp phép xả nước thải chiếm 45%, khai thác sử dụng nước mặt chiếm 5%, thăm dò nước dưới đất chiếm 11%, khai thác sử dụng nước dưới đất 35%, hành nghề khoan nước dưới đất chiếm 4%. Công tác cấp phép tại địa phương đã có bước tiến mạnh mẽ.

Nhiều địa phương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước với tổng số 270 đoàn kiểm tra, với gần 2074 cơ sở được thanh kiểm tra. Tổng số tiền phạt thu về cho ngân sách nhà nước gần 10 tỷ đồng. Một số tỉnh đã triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra như: Thành phố Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hoá, Tây Ninh, Tiền Giang.

Mong rằng, với sự hỗ trợ tích cực từ cấp Trung ương mà trực tiếp là Cục Quản lý Tài nguyên nước, tới đây công tác quản lý tài nguyên nước tại địa phương sẽ được đẩy mạnh và có chuyển biến rõ nét.

Xuân Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tài nguyên nước ở địa phương: Chưa mạnh do đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO