Quản lý sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, môi trường sinh thái các lăng tẩm và thượng nguồn sông Hương

20/03/2018 13:22

(TN&MT) - Ngày 20/3, tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái lịch sử tại các lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương”...

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo


Hội thảo do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì và phối hợp với Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng- Đại học Waseda, Nhật Bản (WIURS) tổ chức; nhằm báo cáo và đánh giá kết quả chương trình hợp tác nghiên cứu về cảnh quan văn hóa và môi trường sinh thái lịch sử tại các lăng mộ Hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với lưu vực thượng nguồn sông Hương, giai đoạn 2014-2018.

Theo đó, khu vực nghiên cứu tập trung chủ yếu vào 4 cụm lăng tẩm hoàng gia đầu triều Nguyễn (lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức), trong đó đặc biệt tập trung vào khu vực lăng Gia Long và vùng phụ cận cùng khu vực thượng nguồn sông Hương.

Ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, theo quan niệm của người xưa, vị trí địa lý của Huế không chỉ mang tầm quan trọng về mặt giao thông và phòng thủ mà còn mang ý nghĩa đặc biệt về phong thủy. Các cụm công trình kiến trúc quan trọng của Huế được quy hoạch dưới thời Nguyễn đều được thiết kế gắn liền với yếu tố cảnh quan phong thủy, đặc biệt là hồ nước (hoặc sông, suối..), núi án, núi chầu...

Khu vực thượng nguồn sông Hương (ảnh) chứa đựng nhiều giá trị cảnh quan văn hóa, sinh thái- lịch sử và môi trường...
Khu vực thượng nguồn sông Hương (ảnh) chứa đựng nhiều giá trị cảnh quan văn hóa, sinh thái- lịch sử và môi trường...

“Những hình ảnh và địa danh nổi tiếng của Huế đã đi vào thơ ca, nhạc họa cũng chính là những yếu tố phong thủy của kiến trúc cung đình Huế như sông Hương, núi Ngự Bình, cồn Hến, cồn Dã Viên... Những yếu tố phong thủy như: đồi, núi, sông, hồ, hệ thống thủy đạo của mỗi khu lăng tẩm như một mạch nối những yếu tố phong thủy này, tạo thành cảnh quan văn hóa và hệ sinh thái đặc trưng của khu vực lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn và các công trình di tích lăng mộ gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương...”- ông Hải nói.

Hội thảo quốc tế này nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu của hai bên về những giá trị, đặc điểm và tiềm năng của cảnh quan văn hóa và môi trường lịch sử - sinh thái tại khu vực lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương. Thảo luận, trao đổi ý kiến giữa các chuyên gia với các nhà quản lý, các học giả, các nhà nghiên cứu về quan điểm bảo vệ vùng đệm cảnh quan văn hóa nhằm mục đích bảo vệ tính toàn vẹn, duy trì và phát triển bền vững các giá trị văn hóa – lịch sử, cảnh quan, môi trường của các lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với khu vực thượng nguồn sông Hương nhằm xây dựng phương án thích hợp bảo tồn cảnh quan di sản cho khu vực. Thiết lập mô hình du lịch sinh thái tại lăng Gia Long (một trong những kết quả nghiên cứu hợp tác giữa HMCC và WIURS trong giai đoạn 2014-2018)...

Ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Cố đô Huế trình bày tham luận
Ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Cố đô Huế trình bày tham luận

Sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, môi trường sinh thái - lịch sử...

Mở đầu cho phần trình bày là tham luận của Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với chủ đề: “Bảo vệ cảnh quan hai bên bờ sông Hương gắn liền với hệ thống di tích thời Nguyễn”. Nội dung tham luận khái quát lịch sử hình thành hệ thống di tích lịch sử và các di sản gắn liền với dòng sông Hương huyền thoại, giá trị phong phú đặc biệt của cảnh quan và di sản vùng thượng nguồn sông Hương; chỉ ra những khó khăn thách thức cho công tác bảo tồn trong bối cảnh đương đại.

“Cảnh quan thiên nhiên luôn được xem là thành tố quan trọng trong cơ cấu không gian kiến trúc nói chung và trong không gian một di sản (vật thể) nói riêng. Đối với Quần thể Di tích Huế thì yếu tố cảnh quan thiên nhiên lại càng có ý nghĩa quan trọng. Ngay từ khi mới hình thành đến khi trở thành một quần thế hoàn chỉnh, các di tích kiến trúc của Huế luôn gắn bó mật thiết với cảnh quan thiên nhiên rộng lớn bao quanh; trong đó dòng sông Hương đã trở thành một nhân tố đặc biệt mang tính kết nối của cả hệ thống. Bởi vậy việc bảo tồn bền vững di sản văn hóa Cố đô Huế không thể tách rời bảo tồn cảnh quan thiên nhiên gắn liền vói dòng Hương. Bảo tồn hệ thống di tích thời Nguyễn mang tính bền vững chỉ khi cảnh quan môi trường thiên nhiên được quản lý, khai thác một cách hợp lí và được bảo vệ một cách triệt để dựa trên pháp luật Việt Nam và các Công ước di sản thế giới...”- ông Phan Thanh Hải nhận định.

“Cát tặc” lộng hành khiến sông Hương đang dần mất đi giá trị, môi trường xung quanh bị đe dọa nghiêm trọng...
“Cát tặc” lộng hành khiến sông Hương đang dần mất đi giá trị, môi trường xung quanh bị đe dọa nghiêm trọng...

Tham luận cũng đã đề xuất một số định hướng và giải pháp để bảo tồn bền vững hệ thống di tích di sản gắn liền với môi trường cảnh quan vùng thượng nguồn sông Hương. Đặc biệt, vấn đề “cát tặc” và sạt lở đôi bờ sông Hương trong thời gian gần đây đang đe dọa dòng sông di sản được đề cập một cách chi tiết...

PGS-TS Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đã có buổi trao đổi vấn đề qua tham luận “Vai trò của cảnh quan sinh thái đôi bờ sông Hương- đô thị sinh thái thành phố di sản Cố đô Huế”; nhằm đưa ra phương pháp tiếp cận tổng thể trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, đề xuất các giải pháp linh hoạt và sáng tạo trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích cũng như cung cấp các loại hình dịch vụ du lịch thích hợp để biến tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa của Khu di sản Huế thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn...

“Khu Di sản Huế đòi hỏi phải xử lý một cách linh hoạt mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố tự nhiên và nhân tạo, giữa yếu tố văn hóa bác học và văn hóa ngoại sinh. Vì thế vấn đề bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên cần được hết sức coi trọng trong quy hoạch tổng thể và kế hoạch quản lý khu di sản văn hóa Cố đô Huế...”, trích tham luận của PGS-TS Đặng Văn Bài.

Kết quả của hội thảo sẽ được xem xét bổ sung vào hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Huế với tiêu chí mới là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới
Kết quả của hội thảo sẽ được xem xét bổ sung vào hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Huế với tiêu chí mới là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới

Hội thảo cũng nhận được rất nhiều tham luận của các chuyên gia Nhật Bản như GS-TS Satoh Shigeru- Viện nghiên cứu Đô thị và Vùng; GS Hirai Yukihiro- Đại học Komazawa; ông Furukawa Naoaki- Đại học Tokyo Metropolitan...

‘Huế đã đưa ra một loạt các kĩ thuật về môi trường, làm hồi sinh hệ thống thủy đạo và thân thiện với mọi khí hậu, vào mùa mưa cũng như mùa khô. Các kĩ thuật như vậy có chức năng để bảo tồn và phục hồi môi trường lịch sử...  Nên ứng dụng xây dựng kỹ thuật xây dựng thành phố từ thời Trung Hoa cổ đại, sau đó kết hợp với các kỹ thuật Trung Hoa với môi trường bản địa độc đáo...”, GS-TS Satoh Shigeru chia sẻ trong tham luận của mình.

Kết quả của hội thảo này sẽ được xem xét bổ sung vào hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Huế với tiêu chí mới là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới; một bước tiến nhằm bảo vệ toàn diện hơn các giá trị của di sản vắn hóa Huế. Đây cũng là nỗ lực của của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung trong việc xây dựng hồ sơ tái đề cử nhằm vinh danh một lần nữa Quần thể Di tích Huế là Di sản Cảnh quan Văn hóa Thế giới theo khuyến nghị của UNESCO và Bộ VHTT&DL trong những năm gần đây...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, môi trường sinh thái các lăng tẩm và thượng nguồn sông Hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO