Hiện trạng quản lý, xử lý rác thải kém hiệu quả khu vực nông thôn đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với nhiều cấp, ngành, đặc biệt, ngành TN&MT. Để giải quyết vấn đề này, không thể trong một sớm một chiều, bởi hiện nay, công tác quản lý môi trường nông thôn còn đan xen, thiếu đơn vị đầu mối quản lý…
Nhiều Bộ, ngành cùng tham gia quản lý
Theo quy định hiện hành, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nông thôn nói riêng không được giao cho một cơ quan mà được Chính phủ đã phân công cho nhiều Bộ, ngành.
Ở cấp Trung ương, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Đối với chất thải rắn sinh hoạt nông thôn nói riêng, Bộ có trách nhiệm xây dựng hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quản lý trong việc phân loại, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải; tổ chức quản lý, kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch được phê duyệt; phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn các vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch chất thải rắn các lưu vực sông và quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng liên tỉnh; các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn theo thẩm quyền. Bộ NN&PTNT được giao trách nhiệm quản lý các ngành nghề nông thôn, trong đó, có thành lập các đơn vị chuyên trách về môi trường. Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý hoạt động của các cụm công nghiệp; Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý chất thải từ các cơ sở y tế…
Ở cấp địa phương, Sở TN&MT là đơn vị được giao trách nhiệm quản lý môi trường của địa phương, trong đó, bao gồm trách nhiệm quản lý hoạt động bảo vệ môi trường của khu vực nông thôn; Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương, trách nhiệm này còn được quy định phân cấp quản lý đến cấp huyện, xã.
Nội dung còn chồng chéo
Mặc dù, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT là đơn vị đầu mối quản lý môi trường nói chung, nhưng ngay trong quy định về chức năng nhiệm vụ cũng chưa nêu rõ trách nhiệm về quản lý môi trường nông thôn. Bên cạnh đó, theo phân công của Chính phủ tại Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT, Bộ TN&MT hướng dẫn, tổ chức thực hiện thẩm định, kiểm tra, đánh giá công nghệ xử lý chất thải. Trong khi đó Bộ KH&CN cũng được giao chủ trì đánh giá, thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam.
Mặt khác, đều là chất thải nông nghiệp nhưng chất thải rắn (CTR) từ hoạt động nông nghiệp được giao cho Bộ NN&PTNT quản lý, còn chất thải nguy hại (từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và làng nghề) lại do Bộ TN&MT quản lý. Chính sự đan xen trong phân công trách nhiệm quản lý CTR khiến công tác quản lý thiếu sự thống nhất, không rõ trách nhiệm của đơn vị đầu mối.
Đối với công tác quản lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), việc sử dụng, thu gom, lưu giữ thuốc BVTV thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Tuy vậy, việc xử lý, tiêu hủy các bao bì thuốc BVTV, xử lý các kho hóa chất, thuốc BVTV tồn lưu lại thuộc trách nhiệm Bộ TN&MT theo quy định về quản lý chất thải nguy hại. Đối với công tác quản lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp, việc quản lý môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp được giao các Tổng cục và Cục quản lý chuyên ngành thuộc Bộ NN&PTNT quản lý. Theo đó, Tổng cục Thủy lợi phụ trách môi trường nước trong hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước sạch; Tổng cục Thủy sản phụ trách môi trường trong hoạt động sản xuất thủy sản (khai thác, chế biến, đóng tàu cá) và bảo tồn nguồn lợi thủy sản; Tổng cục Lâm nghiệp phụ trách các khu bảo tồn, các vườn quốc gia, bảo tồn đa dạng sinh học; Cục Trồng trọt phụ trách việc sử dụng phân bón, kiểm soát sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen làm giống cây trồng; Cục Bảo vệ thực vật quản lý việc sử dụng hóa chất phòng, trị bệnh cây trồng…
Ở cấp địa phương, các Sở NN&PTNT được giao chủ trì thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn cấp tỉnh, cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn nhưng hiện nay, ở hầu hết các địa phương, Sở NN&PTNT chưa có bộ phận chuyên trách về quản lý môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên đơn vị này chỉ tham gia phối hợp với Sở TN&MT trong các vấn đề liên quan đến quản lý môi trường nông thôn. Đây cũng là vấn đề bất cập khi không có những quy định thống nhất về hệ thống tổ chức quản lý môi trường nông thôn.
Thiết nghĩ, để xử lý hiệu quả rác thải nông thôn, trước mắt, cần phân định rõ hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước về CTR theo đúng quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019; sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời nên giao cho Bộ TN&MT chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước về CTR theo quy trình rút gọn.
Đến nay, đã có khoảng 27 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó, có một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh...). Thông qua chương trình nông thôn mới, nhiều cách làm hay, nhiều mô hình điểm về xử lý môi trường đã được các địa phương áp dụng hiệu quả (mô hình “Công viên - Bãi xử lý rác thải” tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Đặc biệt, một số doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được công nghệ để từng bước điều chỉnh phù hợp với điều kiện của Việt Nam, như: mô hình xử lý chất thải chăn nuôi của Công ty VietFarm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai...; mô hình xử lý rác thải sinh hoạt của Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam; mô hình tự chủ động xây dựng hệ thống lò đốt rác quy mô cấp xã (Nam Định) bước đầu cơ bản xử lý được các khí thải độc hại với chi phí phù hợp. |