Quản lý khoáng sản làm VLXD tại Thanh Hóa: Đáp ứng tốt các công trình trọng điểm
(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương, chính sách hợp lý, nên việc cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường đáp ứng kịp thời phục vụ thi công các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh, đồng thời, góp phần rất lớn giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách cho địa phương...
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hoành - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa.
PV: Những năm qua, việc quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản bền vững để phục vụ các dự án giao thông, công trình trọng điểm của tỉnh thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Hoành: Để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ các dự án giao thông, công trình trọng điểm của quốc gia, của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Xây dựng lập Quy hoạch các mỏ khoáng sản đất, đá, cát làm VLXD thông thường và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023. Theo đó, nguồn khoáng sản được quy hoạch cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu VLXD cho các dự án, công trình trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo.
Căn cứ vào Quy hoạch khoáng sản được phê duyệt, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép khai thác 218 mỏ đá, 31 mỏ cát, 40 mỏ đất san lấp đang còn thời hạn khai thác. Đặc biệt, đối với dự án đường cao tốc Bắc - Nam đã cấp 4 giấy phép khai thác mỏ đất áp dụng theo cơ chế đặc thù của Chính phủ. Đối với các dự án trọng điểm của tỉnh, như dự án đường từ KCN Bỉm Sơn đến đường ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; đường ven biển Nga Sơn - Hoằng Hóa, Sở đã tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh nâng công suất mỏ và phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để làm VLXD thông thường tại Hà Trung.
Đồng thời, Sở đã phối hợp với các ngành, địa phương liên quan rà soát đưa các mỏ khoáng sản vào Kế hoạch đấu giá từ đầu năm 2023 đến nay; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch đấu giá và đấu giá thành công đối với 46 mỏ khoáng sản, đã được UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá gồm: 22 mỏ đất san lấp, 23 mỏ đá và 1 mỏ cát với trữ lượng khoảng 43 triệu m3 đất san lấp, 48 triệu m3 đá (một phần trữ lượng để sản xuất cát nghiền), 60.000m3 cát xây dựng, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, tránh tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu, hạn chế được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Hiện nay, Sở đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan, hoàn thiện các thủ tục để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ khoáng sản trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 đảm bảo theo quy định nhằm đáp ứng đủ nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ động bổ sung, cập nhật thông tin các mỏ khoáng sản được cấp phép còn hạn trên Website của Sở để các chủ đầu tư có cơ sở kiểm tra, rà soát, lựa chọn các mỏ có trữ lượng, chất lượng và đơn giá phù hợp nhất, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các mỏ trong Quy hoạch tỉnh vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để cấp phép khai thác khi các chủ đầu tư/nhà thầu thi công dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đề xuất theo quy định.
PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội và những khó khăn gì trong công tác quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản?
Ông Phạm Văn Hoành: Hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu về sử dụng khoáng sản của tỉnh, đặc biệt là nhóm khoáng sản làm VLXD thông thường đã kịp thời đáp ứng nhu cầu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam và một số dự án trọng điểm của tỉnh, giải quyết việc làm cho khoảng 11.000 lao động tại địa phương, nguồn thu từ khoáng sản đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng năm từ 800 - 900 tỷ đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, 4 nhà máy xi măng có nguồn vật liệu ổn định duy trì sản xuất. Việc cấp phép khoáng sản làm VLXD thông thường đáp ứng kịp thời phục vụ thi công các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường ven biển; các dự án trong khu kinh tế Nghi Sơn...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn đang còn những khó khăn trong công tác quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, như: Các quy định pháp luật về khoáng sản (Luật Khoáng sản năm 2010, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn) chưa được điều chỉnh, sửa đổi kịp thời, phù hợp với thực tiễn công tác quản lý nhà nước. Hiện nay, Trung ương đang xây dựng Luật Khoáng sản mới thay thế Luật khoáng sản năm 2010 để khắc phục những hạn chế, vướng mắc.
Việc triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhưng thực tế tại một số nơi thực hiện chưa tốt, chưa đồng bộ, kịp thời dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn một số huyện chưa được xử lý triệt để. Việc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ đối với các cơ quan, đơn vị cấp huyện, xã còn chưa thường xuyên. Trình độ, năng lực quản lý nhà nước về khoáng sản tại cấp huyện, cấp xã còn nhiều hạn chế.
Trình tự, thủ tục cấp phép khai thác mỏ liên quan đến nhiều luật, gồm nhiều thủ tục như: đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò, đánh giá trữ lượng, lập dự án đầu tư, cấp quyết định chủ trương đầu tư, lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ thuê đất... nên 1 mỏ khoáng sản từ khi đấu giá đến lúc khai thác được thường kéo dài từ 12 đến 24 tháng, cũng là một khó khăn dẫn đến không đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu cho các công trình, dự án.
PV: Để đảm bảo tiến độ các dự án giao thông, các công trình trọng điểm của tỉnh về đích vượt và đúng thời gian, năm 2024, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh cần giải quyết những khó khăn gì, thưa ông?
Ông Phạm Văn Hoành: UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo về quản lý hoạt động khoáng sản VLXD nhằm đáp ứng nguồn vật liệu cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm của tỉnh như: Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 17/4/2023 về việc thực hiện Phương án đảm bảo nguồn VLXD thông thường phục vụ thi công các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh; Công văn số 14848/UBND-CN ngày 04/10/2023 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Công văn số 18702/UBND-CN ngày 11/12/2023 về việc tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh...
Đồng thời, Sở sẽ tiếp tục xây dựng trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đấu giá quyền khai thác các mỏ khoáng sản, tập trung vào các mỏ đất san lấp, cát, đá xây dựng đã có trong Quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất của các huyện.
Theo đó, trong năm 2024 sẽ tổ chức đấu giá từ 30 - 40 mỏ khoáng sản với trữ lượng khoảng 50 triệu m3 đất san lấp, 20 triệu m3 đá (một phần trữ lượng để sản xuất cát nghiền), 2 triệu m3 cát để đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu cho các dự án, tăng nguồn thu ngân sách, minh bạch hoạt động khoáng sản. Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trúng đấu giá đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ và đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, chấp thuận các dự án đã trúng đấu giá, đồng thời chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định, rút ngắn các thủ tục hành chính để sớm cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!