Tham dự Hội nghị có Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an; đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.
Hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2022
Phát biểu tại Hội nghị, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, năm 2022 với sự diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tình hình kinh tế của đất nước. Điều đó có tác động không nhỏ tới ngành TN&MT nói chung và lĩnh vực tài nguyên nước nói riêng. Trong bối cảnh hết sức khó khăn đó, tập thể cán bộ, viên chức và người lao động đã đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả vừa tập trung khẩn trương hoàn thành tốt, xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm được giao, góp phần phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, năm 2022, với 8 nhiệm vụ Chính phủ, 6 đề án Chính phủ giao đến nay, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đã nỗ lực tập trung hoàn thành. Trong đó, đã xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án tổng kết thi hành Luật tài nguyên nước trình Bộ để Bộ trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023) về Luật Tài nguyên nước sửa đổi; hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐCP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước; hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022.
Hoàn thành toàn bộ các dạng công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, hoàn thành thi công 118 lỗ khoan tại 47 vùng thuộc 10 tỉnh với lưu lượng nước đạt và vượt yêu cầu. Đồng thời, đã bàn giao toàn bộ công trình và hồ sơ công trình cho các địa phương để lập kế hoạch khai dẫn, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các địa phương, với lưu lượng nước có thể khai thác là 14.207 m3/ngày, có khả năng đáp ứng được cho 177.000 người dân.
Hoàn thiện và báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách của Việt Nam đối với việc các nước phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Trên cơ kết luận của Bộ Chính trị, Bộ TN&MTđã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện về chủ trương, chính sách của Việt Nam đối với việc các nước phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.
Cùng với đó, các đơn vị quản lý tài nguyên nước cũng đã hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật quan trắc, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước; xây dựng, hoàn thiện báo cáo tài nguyên nước quốc gia (lần đầu) trình Bộ TN&MT phê duyệt, công bố; trình Bộ TN&MT công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện đối với 642 hồ chứa, đập dâng của 582 công trình thủy lợi, thủy điện.
Bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự đảng Bộ TN&MT về việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị định số 68/2022/NĐ-CP, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đã thực hiện việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị và các đơn vị trực thuộc; xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị theo quy định. Các đơn vị đã hoàn thành kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy của đơn vị theo đúng chỉ đạo của Bộ.
Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước được đẩy mạnh. Trong năm 2022, Cục Quản lý tài nguyên nước đã lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển Thanh tra Bộ ban hành 51 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 11.400.000.000 đồng, thu lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra đối với 2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Công tác tiếp nhận, trả kết quả các thủ tục hành chính; tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; tiếp nhận và trả lời ý kiến công dân cũng được tích cực triển khai hiệu quả. Năm 2022, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đã tiếp nhận, thẩm định 242 thủ tục hành chính; thẩm định, trình Bộ phê duyệt cho 107 công trình khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất;...
Điểm nhấn trong hợp tác quốc tế
Công tác hợp tác quốc tế tiếp tục là điểm nhấn nổi bật của lĩnh vực tài nguyên nước năm 2022. Theo đó, năm qua, công tác hợp tác quốc tế của lĩnh vực tài nguyên nước đã được thúc đẩy mạnh mẽ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ hợp tác và hội nhập quốc tế, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao và theo các quy định về hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương. Từ đầu năm đến nay, công tác hợp tác quốc tế của lĩnh vực tập trung vào những hỗ trợ của các đối tác phát triển trong việc xây dựng Luật tài nguyên nước sửa đổi; đã tích cực trao đổi hợp tác và nhận được nhiều hỗ trợ kỹ thuật và ý kiến đóng góp của nhiều đối tác phát triển.
Trong khuôn khổ hợp tác Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã giúp Bộ trưởng hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệm kỳ 2022 và chủ trì Phiên họp lần thứ 29 Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế vào tháng 11/2022 tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Các quốc gia thành viên Ủy hội và các Đối tác đánh giá cao kết quả hợp tác Mê Công đã đạt được trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam.
Mặt khác, nhiều dự án hợp tác quốc tế về tài nguyên nước được các đơn vị thúc đẩy triển khai thực hiện như: Hợp tác kỹ thuật với Hà Lan về vấn đề trữ nước ở đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ thực hiện Ý định thư kí kết với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan; thúc đẩy trao đổi các hoạt động trong các biên bản ghi nhớ đã kí kết về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý tổng hợp và bền vững thủy lợi và tài nguyên nước với Viện Thủy lợi Quốc gia CuBa; đẩy mạnh hợp tác cùng Trường đại học Gent, Vương quốc Bỉ trong nghiên cứu về tài nguyên nước, giám sát và cảnh báo sớm hạn;...
Nhiều dấu ấn quản lý tài nguyên nước ở địa phương
Năm 2022, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 1000 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý tài nguyên nước, trách nhiệm của chủ giấy phép tài nguyên nước. Trong đó có hơn 6 văn bản đôn đốc trách nghiệm của các Bộ ngành địa phương như: lập hành lang bảo vệ nguồn nước; công bố danh nguồn nước sông nội tỉnh; công bố danh mục hồ ao không san lấp lấn chiếm; vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; nội dung quy hoạch tỉnh; báo cáo tình hình sử dụng nước; kết nối hệ thống giám sát khai thác tài nguyên nước; vận hành liên hồ chứa; đôn đốc thực hiện trách nhiệm của chủ giấy phép tài nguyên nước;…
Kết quả đã có chuyển biến rõ rệt có 43 tỉnh đã phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; 40 tỉnh đã công bố danh mục hồ ao không san lấp; 25 tỉnh công bố danh mục nguồn nước nội tỉnh; có 18 tỉnh đã ban hành kế hoạch điều tra cơ bản; hầu hết các Bộ, địa phương đã gửi báo cáo sử dụng nước; các chủ giấy phép khai thác tài nguyên nước chấp hành các quy định pháp luật ngày càng chuyển biến tích cực. Cục đã tích cực, chủ động trong việc phối hợp công tác với các đơn vị thuộc lĩnh vực tài nguyên nước trong Bộ; phối hợp, đẩy mạnh, nâng cao vai trò, vị thế của lĩnh vực tài nguyên nước tại địa phương.
Trên cơ sở đó, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành 114 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành để tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn, chủ yếu phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh; Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh; Phê duyệt vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và Danh mục các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất; công tác quy hoạch tài nguyên nước; cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ nước dưới đất; phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh,...
Năm 2023, tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm
Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2023, các đơn vị quản lý tài nguyên nước đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Trong đó đặc biệt tập trung hoàn thành xây dựng, trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Hoàn thành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và Thông tư hướng dẫn.
Cùng với đó, xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Lưu vực sông Đồng Nai, Hương, Mã). Đồng thời tổ chức triển khai Quy hoạch tài nguyên nước (quốc gia), các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông đã được phê duyệt; cụ thể hoá và triển khai Kết luận Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc theo dõi, giám sát trực tuyến khai thác sử dụng nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nghiên cứu phương án hiện đại hoá mạng quang trắc tài nguyên nước quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu giám sát tài nguyên nước cho các địa phương; giám sát trực tuyến nguồn nước xuyên biên giới quan trong như sông Mê Công, sông Đà, Lô.
Tổ chức thực hiện Chương trình công tác của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, tập trung vào thực hiện hiệu quả các quy chế, thủ tục sử dụng nước. Đồng thời đẩy mạnh triển khai các hoạt động của tổ chức lưu vực sông Cửu Long và Sê San - Srêpốk, theo dõi giám sát các hoạt động phát triển thượng lưu sông Mê Công và các nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ giao cho Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam.
Đồng thời tiếp tục thực hiện tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia; đề án Điều tra tìm kiếm nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước thuộc Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được của các đơn vị quản lý tài nguyên nước của Bộ trong thời gian qua. Thứ trưởng cho rằng, năm 2022, lĩnh vực tài nguyên nước đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ giao như: Sửa đổi Luật tài nguyên nước; hoàn thiện các văn bản pháp lý; hoàn thành quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch trên các lưu vực sông lớn, quan trọng; xây dựng định hướng chiến lược, đưa ra chủ trương, chính sách trong hợp tác quốc tế lĩnh vực tài nguyên nước.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, trong bối cảnh nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, trong khi nguồn nước là hữu hạn, khả năng phát triển tài nguyên nước còn hạn chế, yêu cầu quản lý bền vững, hiệu quả tài nguyên nước là rất cần thiết để có thể đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp. Vì vậy, mặc dù đã đạt được một số thành công nhất định trong năm 2022, tuy nhiên thời gian trước mắt còn rất nhiều khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực tài nguyên nước.
Bước sang năm 2023, năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2025, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị quản lý tài nguyên nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, “chung sức, chung lòng” cùng nhau tập trung hoàn thành dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội; song song với đó, cần chủ động xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tổ chức triển khai Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông đã được phê duyệt; tiếp tục xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trong Chương trình công tác.
Đồng thời cần triển khai thực hiện tốt Kết luận của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung vào các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác chia sẻ hài hòa nguồn nước xuyên biên giới. Tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế điều phối, giám sát liên ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước lưu vực sông.
Thứ trưởng lưu ý, các đơn vị quản lý tài nguyên nước cần đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực trong lĩnh vực tài nguyên nước. Tổ chức theo dõi, giám sát trực tuyến vận hành các hồ chứa thủy điện lớn; biến động về dòng chảy, chất lượng nước đối với các nguồn nước liên quốc gia; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng nguồn nước xuyên biên giới. Quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Cũng tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an đã trao Bằng khen của Bộ Công an cho tập thể cán bộ, nhân viên cơ quan Cục Quản lý tài nguyên đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2020; trao Bằng khen của Cục trưởng Cục An ninh kinh tế cho ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước và bà Lê Thị Việt Hoa, Trưởng phòng Phòng Quản lý lưu vực sông và Bảo vệ tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước đã có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2020.