Khoáng sản

Quản lý dữ liệu địa chất công trình để sử dụng thông tin hiệu quả

Lan Chi - Đình Tiệp - Lê Hùng (ghi) 17/10/2023 - 13:09

(TN&MT) - Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất công trình là một trong những nội dung điều tra địa chất công trình được đưa vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Đây là một trong những quy định trong quản lý nhà nước về thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản quốc gia đảm bảo tính tập trung, thống nhất.

Sau hơn 10 năm thi hành Luật Khoáng sản, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, quản lý hoạt động khoáng sản đã đạt được một số thành tựu nhất định. Trong đó, công tác lập bản đồ địa chất đã thực hiện được một số chuyên đề chuyên sâu, trong đó có những chuyên đề về cấu trúc kiến tạo, địa hóa vỏ phong hóa, tai biến địa chất, di sản địa chất đã cung cấp những dữ liệu cơ bản cho quy hoạch của nhiều địa phương, nhiều ngành kinh tế khác nhau.

anh-2-cac-nha-dia-chat-khoan-bien.jpg
Các nhà địa chất khoan biển phục vụ đánh giá địa chất công trình ven biển

Tuy nhiên, công tác quản lý các hoạt động điều tra địa chất mới chú ý đến quản lý sự nghiệp các nhiệm vụ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản khu vực, đánh giá khoáng sản. Các nội dung điều tra về địa chất môi trường, địa chất công trình, di sản địa chất… hầu như chưa có sự quản lý nhà nước thống nhất.

Tình trạng nhiều ngành thực hiện điều tra địa chất công trình, nước ngầm, địa chất môi trường, địa chất đô thị, địa hóa đất và thổ nhưỡng… nhưng chất lượng, cơ sở dữ liệu, sản phẩm không được quản lý thống nhất làm giảm tính hiệu quả sử dụng, gây lãng phí.

Bên cạnh đó, trong thực tế, công tác điều tra địa chất, khảo sát địa chất không trực tiếp tạo ra của cải vật chất, mà chủ yếu tạo ra các sản phẩm dưới dạng tri thức, đó là những thông tin, dữ liệu địa chất có giá trị thu được. Việc thẩm định, thu thập, chuẩn hóa, thống nhất quản lý dữ liệu địa chất là tiền đề quan trọng cho việc phục vụ nhu cầu của xã hội, đồng thời cung cấp thông tin, dữ liệu tin cậy đảm bảo tính khả thi, giảm những hạng mục công việc trùng lặp do sử dụng dữ liệu đã có, giảm chi phí đầu tư cho công tác điều tra địa chất.

Kết quả của công tác điều tra địa chất thời gian qua được sử dụng trong nhiều ngành kinh tế như: Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khí tượng thủy văn, Du lịch, Quốc phòng - An ninh nhưng chưa có các chế định pháp lý quy định cụ thể trong Luật Khoáng sản năm 2010, nhất là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất phục vụ xây dựng các công trình thuộc các ngành kinh tế khác.

Khi khảo sát địa chất để xây dựng công trình thuộc các lĩnh vực theo Luật Xây dựng như: Giao thông, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp... đã làm rõ thông tin, dữ liệu địa chất công trình thuộc phạm vi dự án, có giá trị về địa chất, là cơ sở để tổng hợp, xây dựng tài liệu địa chất chuyên đề (địa chất công trình, địa chất thủy văn) định hướng quy hoạch các ngành khác và thiết kế xây dựng công trình tương tự nhưng chưa được lưu trữ, quản lý tập trung, thống nhất mà do chủ đầu tư, cơ quan thẩm định quản lý phân tán, chưa hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực.

Do đó, cần khắc phục theo hướng, quy định nghĩa vụ của các chủ đầu tư công trình xây dựng phải nộp vào lưu trữ địa chất kết quả khảo sát địa chất, đồng thời quy định trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về địa chất cũng như tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý, tổng hợp, cung cấp, khai thác thông tin, dữ liệu này.

Để khắc phục những tồn tại trên, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng “Quản lý tập trung, thống nhất cơ sở dữ liệu địa chất quốc gia về địa chất, khoáng sản phục vụ đa mục tiêu”.

Để thực hiện được định hướng trên, trước tiên, cần xây dựng các quy định quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản quốc gia đảm bảo tính tập trung, thống nhất nhằm phục vụ, cung cấp kịp thời, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ thuật TN&MT:

Điều tra Địa chất công trình mang lại lợi ích kinh tế và giảm thiểu tác động môi trường

giam-doc.png

Theo khoản 1, Điều 20 của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có đưa nội dung điều tra cơ bản địa chất. Đó là: Điều tra, xác lập quy luật phân bố, dự báo các cấu trúc có triển vọng tài nguyên địa chất để lập bản đồ địa chất quốc gia các tỷ lệ đến 1:50.000, bao gồm các bộ bản đồ: địa chất; các trường địa vật lý; địa hóa; địa mạo; vỏ phong hóa; tai biến địa chất; di sản địa chất; địa chất môi trường; địa chất thủy văn; địa chất công trình; địa chất đô thị.

Trong thực tế hoạt động xây dựng, công tác khảo sát địa chất công trình đã đáp ứng nhu cầu phục vụ quy hoạch, thiết kế xây dựng theo đúng quy trình và quy phạm hiện hành mà Luật Xây dựng quy định. Nó đã giúp ích nhà quy hoạch, nhà thiết kế chọn lựa địa điểm quy hoạch, giải pháp móng cho các hạng mục công trình hợp lý. Nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật .

Công tác nghiên cứu, đánh giá điều kiện địa chất công trình với nhiều nội dung: Xác định cấu trúc phân bố các lớp đất (đá), tính chất cơ lý của đất (đá). Đánh giá đặc điểm địa chất thủy văn như quan trắc mực nước ngầm và phân tích thành phần hóa học của nước. Ngoài ra còn đánh giá các hiện tượng địa chất động lực có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến công trình.

Với đầy đủ những nội dung của khảo sát địa chất công trình như trên sẽ giúp cho các nhà chuyên môn có cơ sở đánh giá quá trình hoạt động địa chất - địa mạo khu vực. Xác định rõ ràng hơn nguồn gốc, điều kiện hình thành các lớp đất, đá, phân tích hóa thạch, sa khoáng. Đánh giá nguồn gốc, trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước và cũng như các loại tài nguyên khoáng sản khác.

Số liệu điều tra địa chất công trình là cơ sở dữ liệu thông tin quan trọng hiệu quả và cần thiết trong các lĩnh vực hoạt động địa chất và tài nguyên khoáng sản nhằm mang lại lợi ích kinh tế và giảm thiểu tác động môi trường.

Vì thế, việc đưa nội dung khảo sát địa chất công trình vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản là rất cần thiết và quan trọng nhằm “Luật hóa” những nội dung liên quan đến địa chất công trình như đã nêu ở trên.

Ông Tô Hoàng Môn - Phó Giám đốc Sở TN&MT An Giang:

Hy vọng gỡ khó về khoáng sản làm vật liệu xây dựng

a-ong-to-hoang-mon.jpg

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng về cơ bản tiếp tục duy trì kế thừa các chính sách đã có trong Luật Khoáng sản năm 2010 và cập nhật bổ sung một số chính sách mới; một số nội dung quy định tại Nghị định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn cũng được cân nhắc bổ sung vào Dự thảo Luật, đặc biệt, Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở phân tích những vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn của các địa phương nói chung và An Giang nói riêng.

Vì vậy, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền thông qua và có hiệu lực thi hành sẽ góp phần giúp địa phương giải quyết được một số khó khăn hiện nay về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nhất là cát sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải để phục vụ cho các dự án quan trọng của quốc gia hoặc dự án đầu tư công; khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm khi khai thác khoáng sản chính; kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản cát sông theo từng giấy phép khai thác; quy định thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản quy mô nhỏ, lẻ hộ gia đình.

Đồng thời, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cũng đã bổ sung quy định điều tra địa chất thông qua việc làm rõ thông tin dữ liệu địa chất như: di sản; các cấu trúc địa chất thuận lợi để lưu trữ nước, chôn lấp chất thải độc hại; về tai biến địa chất và cảnh báo thiên tai địa chất công trình… phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực. Việc bổ sung nội dung quản lý nhà nước về địa chất vào Dự thảo Luật đáp ứng yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý dữ liệu địa chất công trình để sử dụng thông tin hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO