Quản lý bền vững đất đai Đồng bằng Sông Cửu Long

02/12/2018 15:16

(TN&MT) - Có diện tích đất tự nhiên gần 4 triệu ha, đất phù sa vùng đồng bằng sông Cửu Long đã tạo nên thế mạnh nông nghiệp cho Việt Nam mà ít quốc gia có được. Tuy nhiên, chất lượng đất của đồng bằng này đang có biến động, cần những giải pháp lâu dài để gìn giữ chất phù sa màu mỡ, đảm bảo cho nông nghiệp phát triển bền vững tại đây.

image001
Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc nhiều vào đất đai. Ảnh: Bạch Thanh

Theo các chuyên gia, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng là mối đe dọa lớn cho tài nguyên đất. Sự thay đổi chế độ thủy văn, dòng chảy nguồn nước, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn... đã làm cho tính chất đất đai ở nhiều nơi trong vùng thay đổi so với trước đây.

Những tác động cụ thể được nhìn thấy như: Đất vườn cây ăn trái lâu năm đã có những biểu hiện suy thoái như chất hữu cơ trong đất thấp, làm suy thoái hệ sinh vật đất. Đất bị nén dẽ, lớp đất mặt bị rửa trôi, đất có pH thấp và cạn dần dưỡng chất, bị mặn hóa do sử dụng phân bón hóa học thiếu cân đối, nấm bệnh trong đất phát triển mạnh.

Trong khi đó, vấn đề sử dụng đất hiện còn tồn tại nhiều bất cập. Bất cập ngay từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ở một số tỉnh việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp xã, cấp huyện tại một số tỉnh, thành còn chậm; quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chi tiết của các ngành, quy hoạch không gian đô thị của thành phố thiếu đồng bộ. Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm cũng chưa sát với kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Thêm vào đó là các thách thức từ việc sử dụng nguồn nước ngọt chưa hợp lý, xử lý các chất sau thu hoạch của ngành trồng trọt, chăn nuôi…

Trước những nguy cơ hiện hữu việc sử dụng nguồn lực đất đai Đồng bằng sông Cửu Long cần được nghiên cứu, cảnh báo và có giải pháp ngăn chặn. Ngoài việc bảo vệ quỹ đất quốc gia, còn phải quản lý đất đai hợp lý.

Theo các nhà khoa học, vấn đề cấp bách là xác định từng quy mô sử dụng đất thích hợp cho đất canh tác nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất lâm nghiệp, đất ở đô thị, nông thôn, đất khu công nghiệp... để có chiến lược sử dụng tài nguyên đất bền vững, nhất là trong điều kiện chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Đối với nông nghiệp cần có biện pháp làm chậm tiến trình suy thoái đất cho vườn cây ăn trái, duy trì năng suất và phẩm chất trái cây.

GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ hiến kế, tùy theo nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương có thể tự làm phân hữu cơ bón cho vườn cây ăn trái, bón từ 1-2 kg/m2 vào đầu mùa nắng. Không nên tiêu diệt cỏ vườn, chỉ cắt thấp khi cỏ phát triển quá cao. Bên cạnh đó, cần có biện pháp nuôi dưỡng giúp đất thông thoáng và xáo trộn chất hữu cơ vào đất; tưới nhỏ giọt hạn chế nước dư thừa làm giảm sự rửa trôi lớp đất mặt; bón vôi cho đất, bón bùn đáy mương...

“Đây là bài tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam năm 2018”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý bền vững đất đai Đồng bằng Sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO