Vùng biển ven bờ vịnh Quy Nhơn nằm trong địa bàn hành chính của 03 xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng thuộc thành phố Quy Nhơn, có diện tích 36.537ha mặt biển, có điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển các hệ sinh thái, có tiềm năng đa dạng sinh học cao với sự hiện diện của các hệ sinh thái điển hình quan trọng (thảm cỏ biển, rạn san hô, vùng triều và đáy mềm lân cận).
Vùng biển ven bờ vịnh Quy Nhơn |
Theo kết quả khảo sát, đánh giá đa dạng sinh học tại vịnh Quy Nhơn của Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện năm 2016-2017 cho thấy: Về đa dạng loài, vịnh Quy Nhơn có 720 loài thuộc 353 giống và 161 họ của 07 nhóm sinh vật chính. Thảm cỏ biển có tổng diện tích tại vùng ven bờ vịnh Quy Nhơn ước tính là 5,02ha, phân bố tại 03 khu vực: 2.67ha ở Bãi Nam của Hòn Đất (phường Ghềnh Ráng); 1,37ha tại Mũi Đìa (Tây Nam Hòn Khô Nhỏ - xã Nhơn Hải); 1,37ha và 0.98ha tại Bãi Làng-xã Nhơn Châu. Rạn san hô, toàn vùng vịnh Quy Nhơn có khoảng 152,35ha rạn san hô phân bố ven bờ và ven các đảo của 03 xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng.
Quanh các rạn san hô trong vịnh Quy Nhơn còn có 16 bãi giống thủy sản, trong đó có 3 bãi đẻ của mực lá và ốc gai và 13 bãi ương giống của ghẹ, tôm hùm giống, hải sâm, cá giò và cá mú. Hàng năm, tổng sản lượng thủy sản khai thác trong vùng biển vịnh Quy Nhơn đạt khoảng 3.735 tấn và 936.450 con giống thủy sản (chủ yếu là cá mú giống, tôm hùm giống).
So sánh với một số khu vực trọng điểm khác ven bờ phía Nam Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng đa dạng sinh học cao thì khu hệ sinh vật rạn san hô của vịnh Quy Nhơn có mức độ đa dạng loài của các nhóm sinh vật chủ yếu cao hơn nhiều so với vùng ven bờ Cồn Cỏ, Hải Vân - Sơn Trà, ven bờ Đà Nẵng, Lý Sơn.
Xây dựng các khu du lịch và tổ chức các hoạt động du lịch ở vùng bờ biển và các đảo nhỏ có rạn san hô |
Việc sử dụng các tài nguyên vùng ven bờ phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hoạt động du lịch biển đang phát triển nhanh ở Quy Nhơn từ năm 2015 đến nay đã và đang mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho địa phương. Song tài nguyên đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản trong vịnh và lân cận cũng đang phải đối mặt với hàng loạt các tác động bất lợi từ tự nhiên và con người, trong đó đáng báo động là tình trạng xây dựng các khu du lịch và tổ chức các hoạt động du lịch ở vùng bờ biển và các đảo nhỏ có rạn san hô làm gia tăng nhanh chóng lượng tàu thuyền chở khách du lịch biển trên vịnh Quy Nhơn, chủ yếu là du khách đi lặn ngắm san hô.
Mô hình sân khấu hóa về bảo vệ rạn san hô |
Mặc dù chính quyền địa phương luôn tăng cường quản lý hoạt động du lịch nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng ô nhiễm rác thải ra môi trường trên bờ và dưới biển, du khách giẫm đạp lên rạn san hô, tàu thuyền thả neo lên rạn. Điều này làm suy giảm chất lượng các hệ sinh thái và nguồn lợi sinh vật biển, trong đó có nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt đối với các rạn san hô, ảnh hưởng của các hoạt động nói trên làm cho rạn san hô bị phá hủy nhanh chóng.
Thực trạng này đòi hỏi phải có những hành động cấp thiết nhằm bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, bảo vệ đa dạng sinh học của vùng biển ven bờ vịnh Quy Nhơn. Ngày 24/10/2016, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 3470 phê duyệt Đề án thành lập Khu vực biển vịnh Quy Nhơn do cộng đồng địa phương quản lý với diện tích 36.357ha, trong đó có 152,35ha rạn san hô.
Sinh hoạt động đồng tuyên truyền cho người dân bảo vệ rạn san hô |
Về phía Hiệp Hội thủy sản, từ tháng 9/2015-12/2017, với sự hỗ trợ của Chương trình GEF/SGP Quỹ Môi trường Toàn cầu, Hiệp Hội đã phối hợp với chính quyền và cộng đồng xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn thực hiện dự án “Quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định”. Dự án đã xây dựng thành công mô hình thí điểm cộng đồng quản lý bảo vệ rạn san hô gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, tạo sinh kế và thu nhập cho cộng đồng xã Nhơn Hải.
Chương trình đổi nhựa lấy chai thủy tinh để bảo vệ môi trường biển không rác thải nhựa |
Hiện nay 04 xã, phường ven biển Vịnh Quy Nhơn đã có các Tổ chức cộng đồng ngư dân có tên là Tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ với sự tham gia của ngư dân và các hộ làm dịch vụ hậu cần nghề cá sinh sống tại địa phương. Bởi vậy, Hiệp hội Thủy sản Bình Định thực hiện dự án “Nâng cao năng lực của các tổ chức cộng đồng địa phương gắn với giao quyền quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ Vịnh Quy Nhơn, tỉnh Bình Định”. Kết quả của dự án sẽ hỗ trợ và góp phần thúc đẩy sự quan tâm của chính quyền và cộng đồng địa phương đối với công tác bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên biển để phát triển kinh tế bền vững, cải thiện đời sống cho ngư dân và cộng đồng ven biển.
Hoạt cảnh chung tay chống rác thải nhựa bảo vệ rạn san hô |