Quan Hóa (Thanh Hóa): Xây dựng phương án di dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét
(TN&MT) - Thanh Hóa là một tỉnh thường xuyên đối mặt với thiên tai, đặc biệt là ở các huyện miền núi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy việc rà soát, xây dựng phương án, tổ chức di dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét luôn được chú trọng, đặc biệt tại huyện miền núi Quan Hóa.
Theo thống kê của Sở Nông Nghiệp tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 83 xã/12 huyện với 2.778 hộ/11.897 khẩu đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, một số huyện có số lượng lớn như: Thường Xuân, Thạch Thành, Quan Sơn, Cẩm Thủy, Quan Hóa. Đối với khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất: Toàn tỉnh có 129 xã, phường, thị trấn/17 huyện, thị xã với 5.725 hộ/23.868 khẩu đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, một số huyện có số lượng lớn như: Hà Trung, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Bá Thước...,
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Văn bản số 9676/UBND-NN về việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng khu tái định cư bản Co Me, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa để phục vụ di dời khẩn cấp các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét và sạt lở đất theo lệnh khẩn cấp.
Là một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, Quan Hóa đã xây dựng dựng phương án tìm kiếm cứu nạn, di dân khỏi vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét theo phương châm “4 tại chỗ”.
Cụ thể theo số liệu thống kê cần bố trí lực lượng hỗ trợ khi có thiên tai xảy ra gồm: 01 Thị trấn và 13 xã, 892 hộ/3.955 khẩu tại 93 điểm của 71 bản, khu phố, cụ thể các loại hình ảnh hưởng thiên tai gồm: Loại hình thiên tai đối với dân sống ven sông có nguy cơ ngập lụt: 11 điểm, 43 hộ = 234 khẩu. Loại hình thiên tai đối với dân sống ở vùng trũng có nguy cơ ngập lụt: 6 điểm, 85 hộ = 353 khẩu. Loại hình có nguy cơ xảy ra lũ quét: 25 điểm, 121 hộ = 535 hộ. Loại hình có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá: 51 điểm, 640 hộ = 2.833 hộ.
UBND huyện Quan Hóa cũng đã xây dựng phương án ứng phó cụ thể đối với từng đơn vị. Cụ thể:
Đối với UBND các xã, thị trấn: Chỉ đạo, tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến của thiên tai, bố trí lãnh đạo chủ chốt thường trực để xử lý các tình huống. Dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác, nhất là đối với những vùng dễ bị chia cắt, vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn. Cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng chốt chặn ở những đoạn đường bị ngập sâu, những ngầm tràn, cấm người, phương tiện qua lại ở những nơi có dòng nước chảy xiết và các khu vực nguy hiểm; Tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực trọng điểm, các khu vực sơ tán đi và đến. Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống bão cho các công trình đang thi công và các công trình trọng điểm…
Đối với các đơn vị quản lý hồ chứa nước Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố.
Khi chưa xảy ra thiên tai: Tuyên truyền, vận động các hộ di chuyển nhà đến những vùng an toàn, có thể xen ghép tại chỗ hoặc tập trung.
Khi xảy ra thiên tai: Trên cơ sở mức báo động thiên tai, phát lệnh sơ tán và chỉ huy công tác sơ tán; Lực lượng hỗ trợ sơ tán nhân dân là lực lượng vũ trang như quân đội, công an… Rà soát lại số người sơ tán, kiểm tra an toàn nơi sơ tán. Hình thức sơ tán, người dân tự sơ tán là chính, ưu tiên sơ tán cho người già, trẻ em, phụ nữ, người bệnh, sơ tán tạm thời vào những nhà an toàn, kiên cố. Đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân không chịu sơ tán, cố thủ thì tổ chức cưỡng chế sơ tán.