Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội): Chính quyền cấp "nhầm" sổ đỏ vào đất nhà thờ tổ họ Nguyễn

17/08/2017 00:00

(TN&MT) – Mặc dù khu vực đất nhà thờ tổ họ Nguyễn được di chúc để làm nơi thờ tự muôn đời cho con cháu và được đăng ký đứng tên bởi tập thể gồm 3 người (là các ông Nguyễn Trọng Khoát, Nguyễn Đình Nhàn, Nguyễn Đình Mẫn) từ năm 1939 nhưng năm 2009, UBND quận Hai Bà Trưng lại cấp sổ đỏ cho một cá nhân vào phần đất nêu trên.

Biến của chung thành của riêng?

 Vừa qua, báo TN&MT nhận được đơn khiếu nại của tập thể con cháu dòng họ Nguyễn (hiện sinh sống tại số nhà 20, ngõ 31, phố Yên Bái II, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh thông tin về việc UBND quận Hai Bà Trưng cấp “nhầm” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực nhà thờ tổ họ Nguyễn cho một cá nhân.

Theo đó, vào năm 1939, cụ tổ dòng họ Nguyễn là cụ ông Nguyễn Đình Giảng và cụ bà Nguyễn Thị Tích đã có di chúc phân chia tài sản cho con cháu, trong đó có một mảnh đất được đánh ký hiệu số 464 (4). Trong giấy phân sản ghi rõ: “mảnh đất 464 (4) trên có sẵn một ngôi nhà thờ tổ xây gạch, lợp mái ngói, làm được mấy năm nay để làm đất chung nhà thờ tổ họ, vì kế vĩnh viễn thì thửa đất ấy để đứng tên chung ba người con trai là ông Nguyễn Trọng Khoát, ông Nguyễn Đình Nhàn và ông Nguyễn Đình Mẫn”.

Khu vực nhà thờ tổ họ Nguyễn hiện nay ở số nhà 20, ngõ 31, phố Yên Bái II, phường Phố Huế
Khu vực nhà thờ tổ họ Nguyễn hiện nay ở số nhà 20, ngõ 31, phố Yên Bái II, phường Phố Huế

Thửa đất số 464 (4) đã được chính quyền thời bấy giờ là Sở Bảo thủ điền thổ Hà Nội xác nhận thuộc quyền sở hữu của cả ba ông trên. Bất động sản này cũng được đăng ký vào sổ điền thổ Hà Nội quyển 6, tờ 140 số 1138 và Bằng khoán điền thổ tương ứng số 1138 ký ngày 27/8/1939 thuộc phố Thịnh Yên, Hà Nội (nay có địa chỉ là số nhà 20, ngõ 31, phố Yên Bái II, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Trải qua những biến thiên lịch sử, từ năm 1948, thửa đất nêu trên được chi nhà ông Nguyễn Đình Mẫn cùng vợ là bà Nguyễn Thị Chắt trông coi và bảo quản. Gia đình ông Mẫn lại có ba người con trai lần lượt là các ông Nguyễn Trọng Khải, Nguyễn Trọng Huy và Nguyễn Trọng Tiến. Từ đó cho tới nay, con cháu dòng họ Nguyễn đều tin tưởng giao cho ba ông này trông nom, quản lý. Ấy thế nhưng, năm 2009, con cháu dòng họ Nguyễn mới té ngửa phát hiện ra rằng, ông Nguyễn Trọng Khải và vợ là bà Trần Kim Oanh đã âm thầm làm giả hồ sơ để đứng tên chính chủ mảnh đất sân nhà thờ tổ theo thửa đất số 119, tờ bản đồ số 6H-IV-06 và ngôi nhà thờ tổ họ Nguyễn theo thửa số 118, tờ bản đồ số 6H-IV-06.

Không những vậy, vợ chồng ông Nguyễn Trọng Khải còn tự ý cho con gái là bà Nguyễn Kim Yến thửa đất số 119 khi bà này đi lấy chồng. Bà Yến sau đó tiếp tục bán lại một phần của thửa đất cho vợ chồng ông Nguyễn Đình Phương (trú ở phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Hiện nay gia đình ông Phương đang cho xây dựng nhà ở kiên cố trên đó.

Cán bộ chính quyền có tiếp tay cho sai phạm?

Nhằm làm rõ hơn vấn đề, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Trọng Huỳnh, thành viên dòng họ Nguyễn đang sinh sống tại số nhà 20, ngõ 31, phố Yên Bái II, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng. Ông Huỳnh cho hay: “Sau khi phát hiện ra sự việc nêu trên, con cháu trong dòng họ chúng tôi vô cùng bức xúc. Chúng tôi đã làm đơn khiếu nại lên UBND phường Phố Huế và UBND quận Hai Bà Trưng. Sau khi làm việc với các cơ quan hữu quan, chúng tôi nhận thấy tính pháp lý trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Trọng Khải và bà Trần Kim Oanh có rất nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ”.

Văn bản của Sở Bảo thủ điền thổ Hà Nội xác nhận tính pháp lý của mảnh đất nhà thờ tổ họ Nguyễn năm 1939
Văn bản của Sở Bảo thủ điền thổ Hà Nội xác nhận tính pháp lý của mảnh đất nhà thờ tổ họ Nguyễn năm 1939

Theo ông Huỳnh, đầu tiên là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Nguyễn Trọng Khải đối với hai thửa 118 và 119 là không đúng quy trình. Cụ thể ở đây là không có sự xác nhận của tổ trưởng dân phố và các hộ liền kề mảnh đất được cấp giấy chứng nhận. Tiếp đến là trong hồ sơ chứng nhận quyền sử dụng đất, tất cả các chữ ký xác nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Nguyễn Trọng Khải của anh chị em trong dòng họ Nguyễn và của các hộ liền kề đều là chữ ký giả mạo. “Ngày 19/10/2010, đại diện Phòng Tài nguyên & Môi trường quận Hai Bà Trưng đã cùng chúng tôi lập biên bản xác nhận sự việc này” – ông Huỳnh nói.

Khi được hỏi về thời điểm con cháu dòng họ Nguyễn phát hiện ra sự việc nêu trên, ông Nguyễn Trọng Tiến, một thành viên khác của dòng họ cho biết: “Năm 2010, khi vợ chồng ông Nguyễn Đình Phương mua lại một phần thửa đất số 119 và chuẩn bị tiến hành xây nhà thì chúng tôi mới phát hiện ra. Ngay sau đó, chúng tôi đã làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng. Ngày 31/8/2011, nhận thấy sai lầm của mình nên vợ chồng ông Nguyễn Trọng Khải và con gái là Nguyễn Kim Yến đã cùng chúng tôi lập Biên bản tự thỏa thuận liên quan tới hai thửa đất 118 và 119. Một trong những nội dung ghi trong đó là: Để thuận tiện cho việc sở hữu và sử dụng diện tích nhà thờ và sân trước nhà thờ thì chúng tôi thống nhất từ nay về sau vĩnh viễn thuộc quyền sở hữu và sử dụng chung của cả ba ông Nguyễn Trọng Khải, Nguyễn Trọng Huy và Nguyễn Trọng Tiến. Nếu sau này phát sinh tranh chấp thì lấy văn bản này làm cơ sở để toà án giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Thế nhưng, từ thời điểm đó cho tới nay, dù thành phố Hà Nội nhiều lần có văn bản chỉ đạo UBND quận Hai Bà Trưng giải quyết sự việc nhưng mọi chuyện vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Để làm rõ những khúc mắc trong câu chuyện nêu trên, PV báo TN&MT đã tới UBND phường Phố Huế và UBND quận Hai Bà Trưng để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên đã hơn 1 tuần trôi qua, các cơ quan công quyền vẫn "im hơi băt tiếng".

PV báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.

Phạm Thiệu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội): Chính quyền cấp "nhầm" sổ đỏ vào đất nhà thờ tổ họ Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO