Doanh nghiệp - doanh nhân

PVCFC - Nỗ lực hướng tới trung hòa carbon

Nguyễn Hiển 18/08/2024 - 23:13

Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, nhiều doanh nghiệp đã và đang chủ động thực hiện các chính sách giảm phát thải để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường. Trong đó, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, hành động cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu chung của quốc gia.

Xây dựng lộ trình giảm phát thải đến năm 2050

Chuẩn bị cho lộ trình giảm phát thải, Phân bón Cà Mau đã thành lập ban chỉ đạo chuyển dịch năng lượng và đặt ra mục tiêu cụ thể trong lộ trình. PVCFC đặt mục tiêu giai đoạn 2023-2030 sẽ giảm khoảng 60 nghìn tấn CO2/năm bằng các giải pháp: Tiết giảm tiêu hao năng lượng theo tải hiện tại 115%; ứng dụng công nghệ ORC để phát điện từ các nguồn nhiệt thừa; lắp đặt Membrane tách và thu hồi CO2 từ dòng fuel; sử dụng điện năng lượng mặt trời sản xuất hydro xanh. Từ năm 2012, PVCFC đã áp dụng nhiều biện pháp giảm tiêu hao năng lượng và nâng cao hiệu quả vận hành của nhà máy với mức công suất 115-116%.

img_6352.jpeg
Nhà máy Đạm Cà Mau xuất bán sản phẩm

Năm 2022, nhà bản quyền hàng đầu châu Âu - Haldor Topsoe công nhận Nhà máy Đạm Cà Mau thuộc “Top 10% nhà máy có mức tiêu hao năng lượng thấp nhất thế giới” và là nhóm 10% các nhà máy có công suất cao toàn cầu. Đây là một minh chứng cho cam kết phát triển bền vững và trách nhiệm môi trường của PVCFC.

Năm 2023, Nhà máy Đạm Cà Mau chính thức được trao Chứng nhận kỷ lục vận hành an toàn, ổn định hơn 350 ngày ở công suất cao từ Haldor Topsoe. Đây là lần thứ hai Nhà máy Đạm Cà Mau liên tiếp nhận chứng chỉ kỷ lục từ Nhà bản quyền hàng đầu châu Âu. Ông Văn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc PVCFC cho biết Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành an toàn, ổn định với công suất tối ưu đặt thêm một mốc son quan trọng trên hành trình chinh phục những đỉnh cao vì một nền nông nghiệp bền vững của PVCFC. Trong suốt 12 năm vận hành, đội ngũ kỹ thuật của công ty đã không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động để tối ưu công nghệ tạo hạt của Nhà máy Đạm Cà Mau.

Giải pháp hướng tới mục tiêu kép

Một trong những giải pháp quan trọng PVCFC đang thực hiện là tận dụng và thu hồi tối đa nguồn CO2 dư thừa để gia tăng sản lượng urea và sản xuất CO2 thực phẩm. Hệ thống thu hồi và tinh chế khí giàu carbon này không chỉ giúp giảm chi phí nhiên liệu mà còn giúp giảm lượng phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, Phân bón Cà Mau còn có dự án sản xuất CO2 thực phẩm ứng dụng trong các lĩnh vực như sản xuất nước giải khát, đóng gói chế biến thịt và cấp đông làm lạnh đang chuẩn bị được đưa vào vận hành. Dự án này có khả năng cung cấp 100 tấn CO2 thực phẩm mỗi ngày, dự kiến mang lại giá trị kinh tế 3-4 triệu USD mỗi năm.

img_6353.jpeg
Kỹ sư Phân bón Cà Mau hỗ trợ bà con sử dụng sản phẩm cho cây trồng

Vì một Việt Nam xanh

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng chính phủ chương trình “Triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh”, năm 2023 Phân bón Cà Mau đã triển khai chương trình Vì một Việt Nam xanh, cụ thể trồng 300.000 cây xanh giai đoạn 2023-2025 góp phần cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ môi trường. Hoạt động này đã có hỗ trợ trong mục tiêu chung giảm phát thải carbon của Phân bón Cà Mau.

Phân bón Cà Mau mang sứ mệnh nông nghiệp xanh bền vững, thể hiện qua chuỗi cung ứng phân bón - giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng, an toàn với đất và môi trường. Liên kết trong trách nhiệm cộng đồng là nỗ lực ươm mầm, vun dưỡng hệ thực vật, cùng gìn giữ bầu không khí sinh sống an toàn xanh sạch cho thế hệ hiện tại và tương lai.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, Phân bón Cà Mau luôn nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, nhiệt liệt hưởng ứng mọi phong trào, đề án tạo giá trị bền vững cho cộng đồng. Mỗi một mầm xanh được trồng hôm nay sẽ góp phần tái tạo mảng xanh bị phá hủy thời gian qua. Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, để lại giá trị bền vững.

Dự kiến thời gian tới, PVCFC sẽ cùng với một số địa phương trồng thêm 200.000 cây rừng phòng hộ và 100.000 cây xanh đô thị, phân bố đều tại các huyện, thành phố của tỉnh Cà Mau. Việc gia tăng diện tích rừng phòng hộ là rất cần thiết và cấp bách, mang ý nghĩa lớn, toàn diện. Thiết thực bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường và hạn chế xâm nhập mặn.

img_6354.jpeg
Phòng điều hành Nhà máy Đạm Cà Mau

Cùng nông dân phát triển bền vững

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về về thực phẩm sạch, an toàn, Phân bón Cà Mau mang đến bộ giải pháp cung cấp dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng với các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đó là Urea Cà Mau hạt đục phân giải chậm giúp cây hấp thụ hết chất dinh dưỡng, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu tác động đến môi trường; nhóm phân NPK Cà Mau, sử dụng công nghệ Poly Phosphate hàng đầu châu Âu với tỷ lệ lân hữu hiệu cao, giúp cây hấp thụ nhanh chóng, hiệu quả và không kết tủa trong đất như lân thông thường. Các sản phẩm khác như DAP Cà Mau, Kali Cà Mau và các loại đạm bổ sung hoạt chất biostimulant hoặc vi sinh có lợi giúp tăng năng suất và giảm thiểu lượng phân bón trên đồng ruộng. Nhóm phân bón hữu cơ OM CAMAU, sản xuất từ nguyên liệu cao cấp chứa hàm lượng hữu cơ hữu hiệu cao, giúp cây trồng gia tăng hấp thụ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng.

Không chỉ tập trung vào giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, Phân bón Cà Mau còn tích cực xây dựng cộng đồng nông dân phát triển bền vững. Năm 2024, công ty đã thực hiện chuỗi phóng sự “Thức giấc với Mùa Vàng”, phát sóng trên kênh VTV1. Chương trình chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong canh tác mùa vụ, bí quyết gặt hái mùa vàng của các nông dân tiên tiến, nhằm lan tỏa tinh thần phát triển nông nghiệp bền vững trong cộng đồng. Ngoài ra, Phân Bón Cà Mau còn rất nhiều chương trình hỗ trợ cung cấp kiến thức canh tác cho bà con nông dân như bí kíp vàng, hội thảo chia sẻ kiến thức tại nhiều địa phương.

Bằng những hành động cụ thể, thiết thực và mạnh mẽ, Phân bón Cà Mau với những nỗ lực và chiến lược rõ ràng, không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về trung hòa carbon mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong ngành công nghiệp phân bón bền vững, hiện thực lời hứa cùng nông dân phát triển bền vững.

PVCFC đặt mục tiêu giai đoạn 2023-2030 sẽ giảm khoảng 60 nghìn tấn CO2/năm. Một trong những giải pháp quan trọng PVCFC đang thực hiện là tận dụng và thu hồi tối đa nguồn CO2 dư thừa để gia tăng sản lượng urea và sản xuất CO2 thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PVCFC - Nỗ lực hướng tới trung hòa carbon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO