PV GAS về đích sớm lợi nhuận và nộp ngân sách
Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) cho biết, trong 10 tháng năm 2023, vượt qua những khó khăn và thử thách, PV GAS đã duy trì toàn bộ các hệ thống công trình khí vận hành an toàn, hiệu quả, mọi hoạt động diễn ra liên tục; đặc biệt các chỉ tiêu tài chính đều hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó lợi nhuận và nộp ngân sách đã về đích trước 4-6 tháng.
Cụ thể, tính đến hết tháng 10, doanh thu toàn Tổng công ty đạt trên 95 nghìn tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch 10 tháng; Doanh thu hợp nhất đạt trên 77 nghìn tỷ đồng, bằng 121% kế hoạch 10 tháng; Lợi nhuận trước thuế đạt trên 12 nghìn tỷ đồng, bằng 178% kế hoạch 10 tháng; Nộp ngân sách Nhà nước trên 5 nghìn tỷ đồng, bằng 162% kế hoạch 10 tháng (trong đó, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách đã về đích trước 4-6 tháng).
Cũng trong 10 tháng đầu năm, PV GAS đã cung cấp trên 6,1 tỷ m3 khí khô, bằng 97% kế hoạch 10 tháng, góp phần giải quyết đáng kể các khó khăn cho nhu cầu tiêu thụ điện giai đoạn cao điểm mùa khô; sản xuất và cung cấp trên 71 nghìn tấn condensate, bằng 112% kế hoạch 10 tháng; sản xuất và kinh doanh trên 2 triệu tấn LPG (xuất khẩu, kinh doanh quốc tế trên 700 nghìn tấn), bằng 138% kế hoạch 10 tháng (về đích trước kế hoạch năm là 3 tháng). PV GAS tiếp tục duy trì lượng khí cung cấp để sản xuất gần 10% sản lượng điện, 70% sản lượng phân đạm và đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước.
Theo đại diện của PV GAS, đạt được kết quả trên là nhờ PV GAS đã triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp trên tất cả các mặt hoạt động. Trong đó, công tác quản trị hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động và dịch chuyển mô hình kinh doanh được lãnh đạo PV GAS đặc biệt chú trọng, phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc triển khai hệ thống quản trị nguồn nhân lực, chuyển đổi số; thực hiện việc rà soát, cập nhật sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy chế, quy định nội bộ để phù hợp với qui định hiện hành;…
Việc hoàn thành công tác chạy thử chuỗi dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải trong tháng 7/2023, cùng các hoạt động BDSC hệ thống công trình khí được thực hiện theo qui trình, có chất lượng và đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định; công tác ấn định, điều độ khí linh hoạt, hiệu quả; thực hiện chế độ vận hành tối ưu, gia tăng sản lượng sản phẩm lỏng từ các nhà máy xử lý khí (hoàn thành thử nghiệm nâng công suất vận hành GPP Dinh Cố từ 5,8 lên 6,8 triệu m3/ngày từ 11/8/2023);… đã đóng góp tích cực vào hiệu quả SXKD chung của Tổng công ty.
Các vấn đề liên quan cước phí/giá khí, cơ chế chính sách được PV GAS tích cực triển khai: Đã ký kết hầu hết các hợp đồng/sửa đổi các phụ lục hợp đồng mua bán khí/dịch vụ với các bên liên quan, các hợp đồng mua bán khí tái hóa/LNG với các khách hàng; hoàn thiện các thủ tục, tiêu chuẩn/quy chuẩn, quy trình để vận hành/kinh doanh LNG; hoàn thành thu xếp nguồn cung LNG với giá cạnh tranh cho chạy thử kho chứa LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải; tận dụng và đẩy mạnh công tác xuất khẩu và kinh doanh LPG quốc tế (tăng 132% so với kế hoạch) để góp phần gia tăng doanh thu;…
Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu theo Nghị quyết Tập đoàn phê duyệt tiếp tục được triển khai tích cực. PV GAS đang hoàn thiện phương án thành lập Công ty tại nước ngoài (Singapore), chuẩn bị trình Tập đoàn trong tháng 11/2023; thoái một phần hoặc tối đa đến toàn bộ phần vốn góp của PV GAS tại PV Pipe; tiếp tục thực hiện công tác giải thể LNG VN; Đang triển khai thực hiện các thủ tục và dự kiến hoàn thành tăng vốn điều lệ của PV GAS trong Quý IV/2023; triển khai đầu tư vào PETEC;….
PV GAS cũng đã tích cực triển khai đầu tư xây dựng, tập trung giám sát, kiểm soát tiến độ thực hiện các công trình/ dự án quan trọng như: Kho chứa LNG 1 MMTPA tại Thị Vải, Kho LNG Sơn Mỹ, tách Ethane tại Dinh Cố, bồn chứa LPG Thị Vải, kho LPG lạnh/LNG tại Bắc Bộ, mở rộng/nâng công suất kho chứa LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm,…; tiếp tục thực hiện/tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư thông qua các BCC, liên kết chuỗi; tích cực tìm kiếm địa điểm để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư kho LNG/LPG khu vực Bắc Bộ/ Bắc Trung Bộ; đẩy nhanh quyết toán dự án Đường ống thu gom vận chuyển khí Sao Vàng - Đại Nguyệt, Đường ống dẫn khí NCS2 - giai đoạn 2. Tổng giá trị giải ngân cho công tác đầu tư xây dựng Công ty mẹ 1.243 tỷ đồng, bằng 121% kế hoạch 10 tháng (chưa bao gồm Dự án đường đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn).
Để phù hợp với tình hình mới (chuyển dịch năng lượng, Quy hoạch Điện VIII), PV GAS cũng đang tích cực cập nhật Chiến lược phát triển PV GAS đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể là bên cạnh các hoạt động như hiện nay, PV GAS sẽ phát triển mạnh việc đầu tư hạ tầng kinh doanh LNG, các kho LNG trung tâm (LNG Hub), phát triển hoạt động cung cấp khí làm nguyên liệu cũng như sản xuất/kinh doanh Hydro và Amonia xanh.
Công tác tài chính/thu xếp tín dụng/vốn được triển khai với nhiều nỗ lực; PV GAS cũng đã hoàn thành làm việc với Kiểm toán Nhà nước - Chuyên ngành V, VI; được Fitch Ratings công bố xếp hạng tín nhiệm quốc tế lần đầu đối với PV GAS là 'BB'; triển khai mạnh mẽ tiết giảm chi phí trong mọi hoạt động, đã tiết giảm được trên 200 tỷ đồng; triển khai các giải pháp phù hợp và hiệu quả trong việc xử lý các khoản nợ quá hạn; Công tác kiểm tra giám sát được duy trì; Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, thực hiện đúng đối tượng, thiết thực, với tổng số tiền giải ngân khoảng trên 50 tỷ đồng;…
Trong 2 tháng cuối năm, trên cơ sở những nhận định, dự báo và kết quả đạt được trong 10 tháng đầu năm, PV GAS tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, những “điểm nghẽn” trong hoạt động SXKD quan trọng của Tổng công ty, nhất là về cơ chế chính sách, phát triển thị trường khí; triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm về SXKD, đầu tư xây dựng cũng như các công tác quản trị, tái cấu trúc Tổng công ty;… tiếp tục thực hiện hiệu quả vai trò chủ đạo, dẫn dắt ngành công nghiệp khí Việt Nam phát triển nhanh chóng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hội nhập quốc tế.