Năm 2022, Việt Nam đã và đang từng bước mở cửa trở lại để giao thương và phát triển kinh tế; bởi chống dịch không phải chỉ để sống sót, mà còn phải được sống mạnh khỏe trong hạnh phúc, thịnh vượng. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường với nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới,… vẫn tiềm ẩn những rủi ro dẫn tới thiếu hụt nhân viên trực tiếp sản xuất vận hành, thi công các dự án và sức khỏe NLĐ. Một số CBCNV khỏi bệnh sau nhiễm Covid-19 có xuất hiện Hội chứng hậu Covid, ảnh hưởng tới sức lao động.
Bên cạnh đó, việc PV GAS đưa vào vận hành các dự án trọng điểm như kho LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải, xe bồn LNG và đường dẫn khí Thị Vải - Phú Mỹ vào vận hành/khai thác sẽ làm phát sinh những rủi ro mới do sản phẩm LNG lần đầu tiên được đưa vào sử dụng tại Việt Nam cũng như tăng thêm khối lượng công việc vận hành và BDSC trong sản xuất kinh doanh.
Đặc thù về quy mô sản xuất kinh doanh, khoảng cách địa lý ngày càng mở rộng; hệ thống công trình khí được đầu tư theo nhiều giai đoạn, đấu nối nhiều dự án có đặc thù khác nhau mang tới nhiều thách thức trong công tác quản lý, vận hành cũng như công tác kiểm soát an ninh, an toàn.
Trước tình hình đó, PV GAS đặt mục tiêu tiếp tục tập trung tối đa mọi nguồn lực, thi đua hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra, duy trì thực hiện vận hành an toàn, hiệu quả và đảm bảo an ninh các công trình khí; Tổ chức kinh doanh hiệu quả, linh hoạt, nhạy bén với những biến động của thị trường; Thi đua lao động sáng tạo, hợp lý hóa sản xuất; kiểm soát chi phí, nâng cao năng suất lao động. Trong đó, an toàn lao động luôn được đặt lên hàng đầu, song song cùng nhiệm vụ SXKD.
Ngày 09/01/2022, TCT đã ban hành Mục tiêu An toàn - Chất lượng - Môi trường năm 2021 bao gồm 06 mục tiêu với nhiều chỉ tiêu quan trọng, có định lượng và phân công cụ thể cho các Ban, đơn vị thực hiện. Ngày 21/01/2021 Tổng Giám đốc TCT ban hành chỉ thị 03/CT-KVN phân giao thực hiện nhiệm vụ trọng tâm kế hoạch 2022 của Tổng công ty Khí Việt Nam.
Với quyết tâm hành động như trên, cùng với những khó khăn, thách thức trong công tác an toàn trong năm 2022, PV GAS quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao công tác an toàn, trong đó có 3 giải pháp chủ yếu: Ứng phó linh hoạt thích ứng với dịch bệnh Covid-19; các giải pháp về quản lý và các giải pháp về kỹ thuật.
Để ứng phó linh hoạt và thích ứng với dịch bệnh Covid-19, PV GAS tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà Tổng công ty và đơn vị trong TCT đã thực hiện trong thời gian qua; Tiếp tục cập nhật các phương án, kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 nhằm thích ứng với tình hình mới; Theo dõi chặt chẽ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan ban ngành liên quan để kịp thời triển khai áp dụng hiệu quả trong toàn Tổng công ty; Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của toàn thể CBCNV trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; Phát triển nhiều kênh truyền thông khác nhau, xây dựng thông điệp truyền thông phù hợp cho từng nhóm đối tượng, đa dạng hóa nguồn lực tham gia công tác truyền thông; Xác định dịch bệnh Covid-19 có thể diễn tiến lâu dài, thích ứng với trạng thái bình thường mới, không chủ quan nhưng cũng không sợ hãi.
Bên cạnh đó, PV GAS tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine các mũi tăng cường, nhắc lại theo các khuyến cáo của Bộ Y tế cho CBCNV; Tăng cường khả năng thích nghi với trạng thái làm việc mới như chế độ làm việc linh hoạt từ xa tại nhà và tại văn phòng, phù hợp với hoàn cảnh; Kiểm soát stress, nhận thức ứng xử phù hợp với điều kiện mới; Thúc đẩy động lực, thái độ làm việc tích cực cho toàn thể CBCNV; Rà soát, trang bị dự phòng các vật tư, trang thiết bị y tế trong công tác PCD để sẵn sàng cho các tình huống xảy ra để đảm bảo mục tiêu kép là đảm bảo an toàn cho người lao động và duy trì quá trình sản xuất liên tục, hiệu quả; Nâng cao năng lực phòng, chống dịch của các đơn vị, đẩy mạnh vai trò của các tổ an toàn Covid, mạng lưới An toàn – vệ sinh viên; Tăng cường phối hợp với các cơ quan ban ngành, các cơ quan y tế địa phương,…
Về công tác quản lý an toàn, chất lượng, môi trường, PV GAS tiếp tục duy trì áp dụng và liên tục cải tiến Hệ thống quản lý An toàn - Chất lượng - Môi trường trong toàn TCT, đồng thời triển khai áp dụng hệ thống quản lý an toàn công nghệ PSM tại các đơn vị vận hành công trình khí phức tạp về công nghệ (KVT, KĐN, KCM, KHP) nhằm góp phần nâng cao công tác quản lý an toàn trong hoạt động của TCT năm 2022 và các năm tiếp theo; Duy trì việc vận hành an toàn, hiệu quả và đảm bảo công tác an ninh, an toàn các công trình khí hiện hữu, công trình/dự án mới đưa vào vận hành; Tiêu thụ, cung cấp khí và các sản phẩm khí tối đa cho khách hàng; Tăng cường phát triển, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ khí/LNG và các sản phẩm khí.
Với dự án Kho chứa LNG 1 triệu tấn Thị Vải, PV GAS sẽ tăng cường phối hợp với các bên liên quan để đảm bảo tiến độ thi công lắp đặt, chạy thử Dự án an toàn; Chuẩn bị các thủ tục liên quan, các quy định an toàn; quy trình vận hành để tiếp nhận vận hành an toàn, hiệu quả dự án. Bên cạnh đó, TCT sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực LNG làm cơ sở trong việc triển khai, quản lý, đảm bảo an toàn cho các công trình khí của PV GAS trong tương lai.
PV GAS cũng sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi/bổ sung và hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định, quy trình nội bộ phù hợp với các văn bản của nhà nước, Tập đoàn và thực tiễn tại TCT; Ban hành quy định quản lý an toàn trong TCT, trong đó quy định trách nhiệm, tăng cường phân cấp cho các đơn vị chủ động và tự chịu trách nhiệm trong công tác an toàn; Tham khảo các quy trình, quy định của các đơn vị khác trong ngành để cập nhật, bổ sung.
Nhằm góp phần đảm bảo vận hành an toàn, ổn định và tin cậy trong các hoạt động cốt lõi, TCT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá bổ sung theo chuyên đề tại các đơn vị, cơ sở có yếu tố rủi ro cao như các dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị làm việc theo dự án, có tính thời vụ,… có sự tham gia của các kỹ sư đầu ngành trong TCT; Tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo nội bộ, hội thảo giữa các đơn vị trong TCT về hệ thống quản lý an toàn để các đơn vị thành viên có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; Hoàn thiện việc xây dựng và triển khai văn hoá an toàn trong toàn PV GAS.
Đối với các giải pháp về kỹ thuật, trong năm 2022, PV GAS sẽ hoàn thành việc trình và phê duyệt sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đường ống dẫn khí đốt cố định bằng kim loại QCVN 01:2016/BCT; Hoàn thiện dự thảo trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy chuẩn xe bồn LNG; Rà soát ban hành các quy định cụ thể cho các công việc rủi ro cao như: tải cẩu cho phép, tiêu chuẩn thiết bị điện sử dụng trong công trình khí; Hoàn thành cập nhật tọa độ các đường ống dẫn khí dưới biển vào Phần mềm giám sát tàu cá của Tổng cục thủy sản và cấp quyền sử dụng phần mềm này để kiểm soát hành lang an toàn đường ống biển.
Bên cạnh đó, các buổi tập huấn chuyên đề về công tác an toàn, môi trường, PCCC, kiểm soát an toàn trong thi công các dự án; Hội thảo quản lý an toàn trong các hoạt động dừng khí và bảo dưỡng sửa chữa, Hội thảo về phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động dầu khí… cũng sẽ được chú trọng triển khai cùng với việc kiểm soát, quản lý tốt chất lượng khí, sản phẩm khí từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn để giảm thiểu ảnh hưởng của chất lượng khí đến vận hành an toàn liên tục và tuổi thọ của thiết bị;...
Phát huy những thành công của 32 năm qua, tập thể Lãnh đạo và cán bộ công nhân viên trong toàn PV GAS quyết liệt hành động với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm cao để đảm bảo tốt công tác An toàn – Chất lượng – Môi trường, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ được giao.