Đây là hành động thiết thực nhằm góp phần thực hiện lộ trình cam kết của Việt Nam tại COP26, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh
Trong xu hướng chuyển dịch năng lượng, khí thiên nhiên được xem là dạng năng lượng có khả năng sử dụng linh hoạt ở nhiều lĩnh vực và ít phát thải khí nhà kính. Tất yếu đây sẽ là nguồn nguyên liệu, năng lượng có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai. Nghị quyết số 55-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, giải pháp liên quan đến ngành công nghiệp khí là “ưu tiên khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng sạch”, “ưu tiên phát triển điện khí” đã vạch ra hướng đi và tạo hành lang thúc đẩy ngành công nghiệp khí nhanh chóng phát triển thành nguồn năng lượng quan trọng của quốc gia. Cụ thể, nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 8 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỉ m3 vào năm 2045.
Do đó, với vai trò là doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, ngoài việc tích cực triển khai các dự án khí trọng điểm quốc gia (Lô B, Cá Voi Xanh…) để khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên trong nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam/PV GAS tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong việc triển khai các dự án nhập khẩu LNG nhằm góp phần đa dạng nguồn cung cho thị trường khí tại Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia trong tương lai.
Đến nay, PV GAS đã xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng ngành công nghiệp khí Việt Nam lớn mạnh, tương đối hoàn chỉnh gồm 4 hệ thống khí, trên 1.200km đường ống khí, 3 nhà máy xử lý khí, 13 kho chứa LPG công suất gần 100 nghìn tấn, hệ thống phân phối khí/sản phẩm khí trên toàn quốc…
PV GAS luôn tích cực đi đầu trong việc thực hiện chiến lược, định hướng về LNG, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. PV GAS cũng chính là “Người tiên phong” nhập khẩu LNG để thay thế dần nhiên liệu ô nhiễm hơn như than, dầu,… tại các nhà máy nhiệt điện trong hệ thống điện Việt Nam, chuyển đổi hỗn hợp năng lượng sang trạng thái “xanh hơn”.
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, chuẩn bị cho việc nhập khẩu LNG, PV GAS đã, đang và cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng tham gia tư vấn, xây dựng các cơ chế chính sách cho Chính phủ để giải quyết các vấn đề về xây dựng khung pháp lý. Tại Việt Nam, thị trường khí đã được hình thành và vận hành thành công an toàn trong nhiều năm qua, đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững trong việc nhập khẩu LNG.
Có thể nói, dưới sự chỉ đạo sát sao của Petrovietnam, PV GAS đã có sự chủ động, chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi năng lượng. PV GAS nhanh chóng hoàn thiện hệ thống hạ tầng LNG để nhập khẩu từ năm 2023 và từng bước đưa LNG trở thành giải pháp quan trọng trong Chiến lược năng lượng quốc gia. Đây cũng là mục tiêu, nhằm bù đắp cho nguồn khí trong nước đang suy giảm, chủ động nguồn cung, thúc đẩy phát triển thị trường khí/LNG tại Việt Nam. Song song đó, PV GAS cũng xây dựng Chiến lược cụ thể về việc phát triển thị trường khí/LNG, đa dạng hóa đối tượng khách hàng, cũng như chủ động nghiên cứu làm việc với các hộ tiêu thụ khí/LNG tiềm năng trong tương lai, trong đó, các nhà máy nhiệt điện khí là trọng tâm với tỉ trọng khoảng trên 70%.
Với tầm nhìn xa, hoài bão lớn, quyết tâm cao, PV GAS đã định hướng kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh, do đó đã sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải… Đồng thời, PV GAS thể hiện trách nhiệm đối với xã hội thông qua việc tham gia, ủng hộ các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Chung tay lan tỏa thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”
Từ nhiều năm nay, PV GAS đã thông qua việc tham gia Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi năng lượng hướng đến mục tiêu Net Zero. Đồng thời, chung tay lan tỏa những thông điệp và hành động mạnh mẽ như: Chống rác thải nhựa; Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần; Làm sạch biển; Chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; Vì một Việt Nam xanh… Hành động này thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm xã hội của Tổng Công ty trong công tác sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, chung tay cùng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu… là những chủ đề tuyên truyền ý nghĩa, thiết thực. Năm 2023, Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức diễn đàn với chủ đề “Chuyển đổi xanh”, Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VII cho thấy, tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu với các nhiệm vụ xuyên suốt là chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây cũng được coi là “chìa khóa” đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; đồng thời, góp phần thực hiện lộ trình cam kết của Việt Nam tại COP26, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.
Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng. Các gương điển hình, sáng tạo hay, mô hình tốt, cách làm hiệu quả, trong đó có sự góp sức không nhỏ của PV GAS cùng các doanh nghiệp trong nước đã tạo sức lan tỏa, thắp sáng nỗ lực để công cuộc chuyển đổi xanh cùng các phong trào bảo vệ môi trường ngày càng được nhân rộng.
Diễn đàn là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp tham mưu, đưa ra các kiến nghị, các giải pháp nhằm xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách liên quan đến chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.