PV GAS đã sẵn sàng để đón chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam
Ngày 10/7/2023 tới đây, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) sẽ đón tàu Maran Gas Achilles chở theo 70.000 tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cập cảng Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đến nay các công tác chuẩn bị cho sự kiện chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam đã sẵn sàng.
Được giao nhiệm vụ “chỉ huy trưởng” chương trình tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên, Phó Tổng Giám đốc PV GAS Trần Nhật Huy cho biết: “Hiện tại toàn bộ hệ thống thiết bị công nghệ của chúng tôi từ cầu cảng cho đến các bồn lạnh, quy trình công nghệ tại khu vực dự án LNG 1 triệu tấn Thị Vải đã sẵn sàng tiếp nhận chuyến tàu đầu tiên”.
Cùng với đó, PV GAS đã hoàn thành cơ khí chế tạo để thực hiện công tác tiền chạy thử, với việc chạy thử thành công tuyến ống từ Hội Bài đến Thị Vải, dài 6,1 cây số, cũng như đã chạy thử thành công Trạm giảm áp Thị Vải, kết nối với Kho cảng LNG Thị Vải nhằm giảm áp suất tuyến ống Nam Côn Sơn 2 để cung cấp LNG tái hóa khí ở áp suất thấp (25 barg) cho các khách hàng trong KCN Cái Mép, KCN Phú Mỹ 3 và khu vực lân cận. Ngoài ra, PV GAS đã được Cục Hàng hải của Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt phương án đảm bảo an toàn hàng hải.
“PV GAS đã có 10 năm kinh nghiệm vận hành kho LPG lạnh Thị Vải 60.000 tấn, với các tàu từ 60.000 - 100.000 tấn, chúng tôi tự tin với kinh nghiệm của mình cùng sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành địa phương, đặc biệt là sự hỗ trợ của các lực lượng Cảng vụ Hàng hải, Biên phòng, Hải quan,… chúng tôi đã sẵn sàng trong việc tiếp nhận con tàu LNG đầu tiên”.
Ông Trần Nhật Huy - Phó Tổng Giám đốc PV GAS
Với việc PV GAS phát hành Hồ sơ chào mua LNG, bên cạnh Shell, các nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới chào bán cũng đã đến đánh giá rất kỹ lưỡng điều kiện tiếp nhận dựa trên các tiêu chuẩn của quốc tế với hàng trăm tiêu chí, trong đó có cả các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý, cũng như hệ thống nhân sự và cảng PV GAS được các nhà cung cấp đánh giá rất cao. Trải qua quá trình đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp và các vòng đàm phán, thương thảo hợp đồng, Shell đã được lựa chọn là nhà cung cấp chuyến hàng LNG nhập khẩu đầu tiên đến Thị Vải.
Lãnh đạo PV GAS nhận định, thuận lợi là cảng tiếp nhận đã được nâng cấp sau khi nhận bàn giao cầu cảng số 1 của Bến cảng xăng dầu PETEC Cái Mép từ Tổng Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC). Đây là hạng mục hết sức quan trọng của Kho cảng LNG Thị Vải, được PV GAS đầu tư, nâng cấp để tiếp nhận tàu LNG trọng tải lên đến 100.000 tấn.
Về mặt kỹ thuật, đội ngũ kỹ thuật của PV GAS cũng hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu và rất tự tin với việc tiếp nhận con tàu LNG đầu tiên tại PV GAS cũng như tại Việt Nam.
Được biết, tối ngày 9/7, tàu Maran Gas Achilles sẽ cập vào phao số 0. Sáng ngày 10/7 lực lượng hoa tiêu, hàng hải, biên phòng,… sẽ lên tàu và từ 7 giờ đến 9 giờ con tàu sẽ đến cảng Thị Vải với cano, tàu hộ tống. Khi đến trước cảng Thị Vải thì tàu Maran Gas Achilles sẽ tắt máy và toàn bộ việc dịch chuyển từ giữa luồng vào trong cảng sẽ được thực hiện bởi 4 tàu lai dắt với công suất trên 4.000 mã lực.
Tất cả các phương án ứng cứu khẩn cấp đến ứng cứu sự cố tràn dầu từ khu vực mặt nước cho đến khu vực trong bờ đều đã được PV GAS cũng như các đơn vị nhà thầu phổ biến và diễn tập.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm vận hành các công trình khí, kể cả các công trình khí có nhiệt độ âm (âm đến 80 độ C) và đã có rất nhiều kinh nghiệm vận hành các kho chứa và hệ thống quản lý về an toàn sức khỏe môi trường, PV GAS tin tưởng rằng khoảng 25 ngày sau khi tiếp nhận, PV GAS sẽ hoàn thành việc chạy thử khí LNG.
Lãnh đạo PV GAS cũng chia sẻ thêm, PV GAS đã có kinh nghiệm chạy thử linh động 72 giờ với yêu cầu có nhiều giờ phải cung cấp lưu lượng khí tối đa. Vì chưa có hộ tiêu thụ, PV GAS cung cấp vào hệ thống đường ống đang có là hệ thống đường ống Nam Côn Sơn 1 và Nam Côn Sơn 2 một ngày 3,8 triệu m3 thì 2 hệ thống đường ống dẫn khí của PV GAS với áp suất có thể chứa đến gần 20 triệu m3 khí trong đường ống với áp suất cao hoàn toàn có thể đáp ứng được. Hiện tại ở Việt Nam chỉ có PV GAS mới có thể làm được với cơ sở vật chất hoàn chỉnh từ hệ thống đường ống cho đến các khách hàng. Chính vì vậy, mặc dù chưa có hợp đồng nào rõ ràng về cung cấp LNG với các hộ tiêu thụ điện nhưng PV GAS sẵn sàng chạy thử thành công kho LNG 1 triệu tấn.
Ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc PV GAS cho biết, để đưa được chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam là cả một hành trình dài với sự nỗ lực và cố gắng rất lớn của tất cả CBCNV PV GAS.
Với việc xác định nhiệm vụ hàng đầu của PV GAS là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như cam kết là người tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh sạch cho môi trường, góp phần thực hiện cam kết về giảm phát thải CO2 của Chính phủ tại COP26, PV GAS đã vượt qua rất nhiều những khó khăn, thách thức, trở ngại để đưa chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam. Cùng với đó, PV GAS mong muốn các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan, tạo cơ chế cho ngành công nghiệp LNG có thể phát triển tại Việt Nam.
PV GAS hy vọng, sự kiện tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên sẽ là dấu ấn để nối tiếp sau đó sẽ là những chuyến tàu tiếp theo mang nguồn năng lượng mới về phục vụ cho phát triển đất nước, thúc đẩy phát triển xanh, phát triển bền vững.