PV GAS cần phát triển thị trường khí cụ thể theo từng khu vực, giai đoạn
Đó là yêu cầu của Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng tại buổi làm việc với Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) về chiến lược phát triển thị trường khí. Cụ thể, Tổng Giám đốc đề nghị PV GAS tiếp tục đánh giá, nghiên cứu số liệu thực trạng, trao đổi cụ thể với các ban chuyên môn để có cơ sở tính toán phù hợp cho chiến lược phát triển thị trường khí cụ thể theo từng khu vực, theo từng giai đoạn.
Đồng bộ các chiến lược phát triển thị trường khí
Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong cho biết, hiện nay nguồn cung của PV GAS hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn khí nội địa, hiện đang suy giảm rất nhanh, trong khi nguồn khí mới có giá thành cao, có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai kéo theo ảnh hưởng đến cả chuỗi trung và hạ nguồn.
Bên cạnh đó, đầu ra của PV GAS phụ thuộc phần lớn vào thị trường tiêu thụ khí cho phát điện và hiện có xu hướng đang giảm dần dẫn đến quy mô của PV GAS đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp đáng kể với tốc độ sụt giảm nhanh và biên độ ngay càng sâu qua từng năm. Cùng với việc chuyển dịch năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, cơ cấu nguồn khí từ năm 2023 có sự thay đổi khi bổ sung thêm nguồn LNG dẫn đến việc cần thiết phải triển khai chiến lược phát triển thị trường khí của PV GAS một cách hiệu quả, đồng bộ với chiến lược phát triển của PV GAS trong giai đoạn tới.
Mục tiêu của chiến lược phát triển thị trường khí nhằm đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm khí nội địa do Petrovietnam khai thác. Đồng thời ngăn chặn đà suy giảm, giữ vững và phát triển quy mô sản lượng tiêu thụ khí hằng năm của PV GAS trong giai đoạn 2023 - 2032 với trung bình sản lượng tối thiểu 9,4 tỷ m3. Trong đó tăng dần tỷ trọng tiêu thụ khí của thị trường ngoài điện, ưu tiên chế biến khí để gia tăng giá trị sản phẩm, phấn đấu sản lượng đạt khoảng 1 tỷ m3 vào năm 2030.
Bên cạnh đó, chiến lược phát triển thị trường khí cũng tập trung vào mục tiêu mở rộng thị trường cho LNG nhập khẩu, phấn đấu đạt khoảng 3,0 triệu tấn LNG cung cấp cho các nhà máy điện vào năm 2030. Cùng với đó, nghiên cứu sản xuất, vận chuyển và tàng trữ hydro; triển khai thí điểm và xây dựng cơ chế để phát triển các dự án sản xuất hydro trên cơ sở tận dụng tối đa các lợi thế về hạ tầng sẵn có đảm bảo mục tiêu đến 2030 Tập đoàn/PV GAS có thể triển khai được các dự án thí điểm.
Để thực hiện các mục tiêu trên, PV GAS sẽ tập trung vào các giải pháp trụ cột, trong đó tập trung nguồn lực cho đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác hạ tầng kỹ thuật quốc gia về điện khí LNG theo mô hình "Kho cảng LNG trung tâm" (LNG Hub) cung cấp nguồn khí tái hóa cho các trung tâm nhiệt điện khí vệ tinh trên toàn quốc với 3 khu vực trọng yếu trong hệ thống năng lượng quốc gia bao gồm Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Bắc Bộ. Đồng thời, kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm từ cấu tử khí để nâng cao giá trị sản phẩm khí, trong đó ưu tiên tập trung nghiên cứu, đầu tư vào các dự án chế biến/chế biến sâu và cung cấp nguyên liệu để phát triển nhóm khách hàng hóa dầu; Tập trung nghiên cứu triển khai các dự án sản xuất hydro xanh, amoniac xanh... để cung cấp cho khách hàng nội địa và xuất khẩu phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Vì mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực khí
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Petrovietnam, đại diện các ban chuyên môn của Tập đoàn và lãnh đạo PV GAS đã cùng trao đổi, thảo luận làm rõ các nội dung trong báo cáo chiến lược phát triển thị trường khí, giải đáp một số kiến nghị đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể để chiến lược có thể triển khai hiệu quả trong thời gian tới.
Sau khi nghe các trao đổi, ý kiến phát biểu của lãnh đạo Tập đoàn, các ban chuyên môn và PV GAS, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh chiến lược phát triển thị trường khí phải phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của PV GAS nói riêng, cho sự phát triển của lĩnh vực khí của Tập đoàn nói chung. Tổng Giám đốc đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng chiến lược phát triển thị trường khí của PV GAS trong thời gian qua; đồng thời đề nghị PV GAS tiếp tục đánh giá, nghiên cứu số liệu thực trạng, trao đổi cụ thể với các ban chuyên môn để có cơ sở tính toán phù hợp cho chiến lược phát triển thị trường khí cụ thể theo từng khu vực, theo từng giai đoạn. Dựa trên cơ sở đó, PV GAS sẽ có giải pháp cụ thể triển khai, đặt ra mục tiêu để tăng tốc phù hợp và đồng bộ với chiến lược phát triển chung của PV GAS trong giai đoạn tới.
Nhấn mạnh Petrovietnam đang hướng tới trở thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho rằng bên cạnh 5 lĩnh vực chính, Petrovietnam sẽ phát triển thêm lĩnh vực công nghiệp năng lượng mới trong đó việc đầu tư sở hữu, vận hành, cung cấp dịch vụ năng lượng và mua bán sản phẩm từ khí của Tập đoàn sẽ thông qua PV GAS. Để làm được điều này, cần phải có sự nhất quán trong chính sách và định hướng phát triển cho từng lĩnh vực, đồng thời các cơ chế, hệ thống quản trị từ Tập đoàn đến đơn vị phải rõ ràng, phân cấp triệt để cho các đơn vị để triển khai làm căn cứ thực hiện, tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực tại các đơn vị để triển khai thực hiện chiến lược phát triển một cách hiệu quả. "Tập đoàn cần tạo cơ chế linh hoạt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị" - Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng chia sẻ.
Lãnh đạo Tập đoàn cơ bản thống nhất với các nội dung trong chiến lược phát triển thị trường khí và lưu ý cần phải lựa chọn mục tiêu cụ thể trong từng thời kỳ, giải pháp cụ thể cũng như đặt ra các mục tiêu phát triển phù hợp. Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng giao PV GAS chủ trì nghiên cứu, tận dụng thế mạnh, nguồn lực, cơ hội để triển khai phát triển hệ sinh thái LNG. Tập đoàn cũng cam kết, hỗ trợ, đồng hành cùng PV GAS trong việc giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển đã đặt ra trong chiến lược.