PV Drilling tập trung vào kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro
Đó là yêu cầu của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng tại buổi làm việc về chiến lược/kế hoạch phát triển trung, dài hạn và thực hiện kế hoạch năm 2024 của Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling).
Báo cáo tại buổi họp, ông Nguyễn Xuân Cường - Tổng Giám đốc PV Drilling cho biết hiện tất cả các giàn sở hữu đã có hợp đồng dài hạn ở nước ngoài, PV Driling đang tích cực đầu tư và thuê thêm giàn khoan; song song, tăng cường quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính, đào tạo nhân lực, tích cực triển khai chuyển đổi số, dữ liệu an toàn; hiệu suất sử dụng, chất lượng dịch vụ của các giàn khoan và các cam kết với khách hàng được Tổng công ty kiểm soát tốt. Đồng thời, PV Drilling tập trung vào dịch vụ kỹ thuật cao, nâng cấp các giàn khoan để tăng tính cạnh tranh…
Về kết quả sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm của PV Drilling, doanh thu ước thực hiện 2.436 tỷ đồng (tăng 20% so với KH), LNTT ước thực hiện 279 tỷ đồng (tăng 97% so với KH) và LNST ước thực hiện 190 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm, doanh thu Công ty mẹ tăng 17% so với KH và lợi nhuận trước thuế tăng 102% so với KH. Về kế hoạch cho cả năm, PV Drilling đang kiểm soát tốt so với kế hoạch quản trị, kỳ vọng đạt doanh thu khoảng 8.005 tỷ đồng.
Đánh giá về kết quả thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 so với kế hoạch 5 năm Tập đoàn duyệt, PV Drilling đang triển khai tốt, đảm bảo mục tiêu và tự tin hoàn thành kế hoạch 5 năm đã đề ra. Với những dự báo về thị trường cộng năng lực nội tại, PV Drilling cũng chỉ ra các cơ hội, thách thức trong dài hạn, đưa ra nhiều kế hoạch cụ thể, kiên định mục tiêu phát triển dịch vụ cốt lõi cho khối E&P (thăm dò và khai thác), trong đó là dịch vụ khoan, dịch vụ kỹ thuật cho giếng khoan, ưu tiên công nghệ kỹ thuật cao và chuyển giao công nghệ. Trong xu thế chuyển dịch năng lượng, PV Drilling cũng xác định rõ hướng đi bằng việc tận dụng tất cả kinh nghiệm, nguồn lực, cơ sở vật chất hạ tầng là thế mạnh vốn có để nắm bắt cơ hội tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành năng lượng mới.
Từ những phân tích, góp ý của các Ban chuyên môn, theo đánh giá của Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn, nhìn chung PV Drilling là một trong những đơn vị thực hiện tốt kế hoạch quản trị 529 (Quyết định 529/QĐ-DKVN ngày 15/02/2024 về giao chỉ tiêu, giải pháp triển khai nhiệm vụ kế hoạch quản trị năm 2024 của Tập đoàn).
Trong bối cảnh hiện nay, đơn vị cần chú trọng công tác dự báo cung cầu, giá dầu, thị trường trong khu vực. Mục tiêu dài hạn có thể thấy PV Drilling cũng chịu tác động rất lớn về chuyển dịch năng lượng, do đó công tác quản trị rất quan trọng. Trên cơ sở đó, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn đề nghị PV Drilling khẩn trương triển khai kế hoạch đầu tư giàn khoan; đồng thời cũng lưu ý việc rà soát, phân cấp nhiệm vụ rõ ràng cho PV Drilling; tích cực triển khai đề án tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình kinh doanh dịch vụ, mô hình công ty liên doanh.
Về chiến lược sắp tới, Tổng Giám đốc Petrovietnam đề nghị PV Drilling tập trung vào dịch vụ thu dọn mỏ/giếng, các dịch vụ liên quan đến chuyển dịch năng lượng, đồng thời chú trọng ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả, giảm giá thành, sớm triển khai áp dụng vào các dự án trọng tâm như Lô B - Ô Môn...
Phát biểu kết luận, chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá PV Drilling là đơn vị liên quan đến hoạt động lõi của Tập đoàn, đồng thời ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của PV Drilling trong việc phục hồi năng lực SXKD thời gian qua.
Trên cơ sở các báo cáo, thảo luận tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đề nghị PV Drilling tập trung vào công tác quản trị rủi ro, phân kỳ giai đoạn chiến lược phát triển 2025 - 2035 để có quyết sách đúng về mặt mục tiêu, giải pháp. Về giai đoạn 2020 - 2025, chú trọng các giải pháp đồng bộ với khối E&P để chủ động nắm bắt cơ hội, phân tích, dự báo dựa vào cung cầu giá dầu; trong chuyển dịch năng lượng cần tập trung nghiên cứu về năng lượng biển, khoáng sản đáy biển...
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn cũng chỉ đạo việc xây dựng cơ chế phân cấp đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ; tập trung vào kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro; phát huy chuỗi giá trị; đồng thời chú trọng về vấn đề công nghệ và chuyển đổi số, tái cấu trúc, cân đối tài chính, tập trung thị trường trong nước với các dự án như: Lô B – Ô Môn, Đại Hùng, Lạc Đà, Kình Ngư Trắng,…