Xã hội

Phước Sơn (Quảng Nam): Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để giảm nghèo bền vững

Võ Hà 27/06/2024 - 18:46

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, bà con ở Phước Sơn (Quảng Nam) đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ giảm nghèo tăng dần qua các năm, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao.

Để hiểu rõ hơn về các giải pháp giảm nghèo bền vững tại huyện miền núi Phước Sơn, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn (Quảng Nam):

le-quang-trung-1.jpg
Ông Lê Quang Trung – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn (Quảng Nam)

PV: Thưa ông với đặc điểm là một huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam, địa phương đã có những giải pháp gì để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân?

Ông Lê Quang Trung: Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 4/5/2021 về đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, Huyện ủy Phước Sơn đã ban hành Chương trình số 08-CTr/HU về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy trên địa bàn huyện; đặc biệt là đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/HU ngày 09/02/2023 về triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025.

UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình số 08-CTr/HU của Huyện ủy và phân công các cơ quan đơn vị giúp đỡ các xã trong việc triển khai thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2025; kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn và hàng năm; đặc biệt là kế hoạch triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” giai đoạn 2023-2030. Đây là kim chỉ nam xuyên suốt cho hành trình đồng hành cùng nhân dân thoát nghèo của Phước Sơn.

Có thể nói, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm” đã loại bỏ dần những phong tục tập quán lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số biết cách tổ chức lao động sản xuất, tự vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện đề ra.

Song song địa phương cũng triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, tập trung hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất hộ gia đình, nhóm cộng đồng dân cư, cải thiện nâng cao chất lượng nhà ở… Đồng thời, xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, kết hợp giải quyết tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.

Năm 2022, địa phương đã giảm được 466 hộ nghèo và cận nghèo (giảm 7,7% so với năm 2021). Năm 2023, giảm 505 hộ nghèo và cận nghèo (giảm 7,47% so với năm 2022).

img_6337.jpg
Đời sống của người dân huyện Phước Sơn ngày càng được cải thiện nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo

PV: Được biết, huyện Phước Sơn đang phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều để đến cuối năm 2025 thoát huyện nghèo. Đến nay, địa phương đã đạt được những kết quả gì thưa ông?

Ông Lê Quang Trung: Mặc dù còn nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo nhưng Phước Sơn vẫn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Phước Sơn sẽ là một trong 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh trong toàn quốc phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo.

Chúng tôi đặt mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 6-7%/năm, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 55,15% (cuối năm 2021) xuống còn 22,06% (cuối năm 2025), trong đó: tỷ lệ hộ nghèo là 16,98%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,08%; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm; phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (gồm các xã: Phước Năng, Phước Chánh, Phước Công và Phước Hiệp); số đơn vị cấp xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn còn 6/12 xã, chiếm tỷ lệ 50%. Đến cuối năm 2025, tổng điểm đánh giá theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Phước Sơn là 29 điểm, khả năng thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 8 Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg.

Đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều của địa phương hàng năm giảm trên 7%, vượt chỉ tiêu đề ra; số hộ nghèo giảm hàng năm cũng đã vượt chỉ tiêu; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/ năm. Theo đánh giá của địa phương, mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo tại Phước Sơn đến nay đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra, với đà này mục tiêu đến năm 2025 thoát khỏi huyện nghèo là khả thi.

PV: Từ thế mạnh và lợi thế của vùng, Phước Sơn đã có những giải pháp gì để trở thành địa phương điểm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở miền núi, tạo sinh kế và giảm nghèo bền vững, thưa ông?

Ông Lê Quang Trung: Toàn huyện Phước Sơn hiện có trên 67.000 ha rừng tự nhiên và 14.000 ha rừng trồng. Đây được xem là một trong những tiềm năng kinh tế rất lớn, tạo nguồn thu nhập bền vững góp phần nâng cao đời sống của người dân và gắn bó với rừng. Hiện tại, huyện triển khai nhiều chủ trương để cùng thực hiện, ngoài các chính sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững của Trung ương và địa phương.

Trong bối cảnh rừng ngày càng đóng vai trò quan trọng cả về phương diện môi trường lẫn kinh tế, thì Phước Sơn cũng như các địa phương khác trong cả nước, đang được hưởng những chính sách ưu đãi lớn từ nhà nước như: hỗ trợ về giao khoán rừng; chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn vốn đầu tư của các tổ chức phi Chính phủ… Đây là điều kiện rất thuận lợi để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng cũng như phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Trên địa bàn huyện có gần 74.000 ha rừng, trong đó, diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng là hơn 47.000 ha do lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý RPH huyện và Vườn Quốc Gia Sông Thanh thực hiện, diện tích còn lại thuộc các chương trình, dự án, chính sách khác của Nhà nước với định mức hỗ trợ 600.000 đồng/ha/năm giao cho 18 cộng đồng thuộc 5 xã với 766 người dân tham gia bảo vệ rừng, kinh phí hỗ trợ các cộng đồng khoảng trên 13 tỷ đồng/năm, bình quân mỗi người dân tham gia được hỗ trợ từ 1-2 triệu đồng/tháng.

Để nâng cao độ che phủ rừng, huyện chỉ đạo quyết liệt thực hiện phát triển trữ lượng diện tích rừng trồng hiện có, giảm thiểu tới mức thấp nhất việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng; tập trung trồng rừng mới. Hàng năm khai thác trên 100.000 m3 gỗ rừng trồng, giá trị doanh thu ước đạt 99 tỷ đồng. Chú trọng công tác phát triển trồng rừng gỗ lớn theo hướng bền vững, từng bước cải thiện chất lượng rừng trồng thông qua trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC và coi đây là một định hướng quan trọng để phát triển rừng trồng, trong năm 2023 huyện có 500 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC; dự kiến đến năm 2030 đạt 1.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC và có 20% rừng trồng theo hướng trồng rừng gỗ lớn. Đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và trồng cây phân tán, huyện khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia, đảm bảo theo hướng các bên đều có lợi cho người dân tiếp cận để phát triển kinh tế, đồng thời huy động và có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển trồng rừng trên địa bàn huyện.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phước Sơn (Quảng Nam): Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO