Đất đai

Phước Sơn (Quảng Nam): Phát huy giá trị nguồn lực đất đai và khoáng sản trong công tác giảm nghèo

Võ Hà 21/05/2024 - 14:05

Những năm qua, tận dụng nguồn lực từ đất đai và nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Nhờ đó, đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Để hiểu rõ hơn về cách làm hiệu quả của huyện miền núi Phước Sơn trong công tác giảm nghèo bền vững, báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn:

le-quang-trung-1.jpg
Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn

PV: Xin ông cho biết, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện? Các chương trình hành động, Nghị quyết đã được triển khai như thế nào để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) giảm nghèo, thoát nghèo bền vững?

Ông Lê Quang Trung: Phước Sơn đang được đầu tư bởi 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gồm giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới. Ba chương trình này cùng hướng tới một điểm đích, chính là góp phần phát triển miền núi, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Để thực hiện thành công các chương trình MTQG, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và Văn phòng các chương trình MTQG, Hội đồng thẩm định các dự án hỗ trợ phát triển và tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định. Đồng thời, chỉ đạo kiện toàn các Ban quản lý cấp xã, Ban phát triển thôn đảm bảo số lượng theo quy định; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công các thành viên theo dõi, phụ trách các địa bàn; xây dựng, ban hành các kế hoạch triển khai giai đoạn 2021-2025 và hằng năm; tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy văn bản chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện trên địa bàn huyện.

Việc lồng ghép nguồn vốn khi triển khai các chương trình là điều cần thiết và đang được huyện Phước Sơn thực hiện. Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cả giai đoạn 2021-2025 là hơn 325 tỷ đồng (đã bao gồm đối ứng của huyện) thực hiện đầu tư 14 công trình trọng điểm theo đúng mục tiêu Chương trình; nguồn vốn sự nghiệp đã được tỉnh phân bổ từ 2022 đến nay gần 80 tỷ đồng để thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần liên quan.

Tính đến nay, toàn huyện đã có hơn 60 dự án với các mô hình nuôi bò 3B; trâu, bò sinh sản; gà thả vườn, dê sinh sản, heo đen địa phương,… bước đầu đã tạo được sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân.

Đối với chuyện an cư của người dân, đến nay huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cụ thể, năm 2023 đã thực hiện hỗ trợ cho 270 nhà (126 nhà xây mới và 145 nhà sửa chữa) với tổng kinh phí 11,91 tỷ đồng; kế hoạch năm 2024 sẽ thực hiện hỗ trợ cho hơn 600 nhà với tổng nhu cầu kinh phí trên 30 tỷ đồng.

Năm 2022, toàn huyện đã giảm được 466 hộ nghèo và cận nghèo (giảm 7,7% so với năm 2021). Năm 2023, giảm 505 hộ nghèo và cận nghèo (giảm 7,47% so với năm 2022).

h2(2).jpg
Người dân Phước Sơn cần nhiều nỗ lực để giảm nghèo bền vững

PV: Đất đai và tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng giúp Phước Sơn giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, địa phương đã có những giải pháp khai thác nguồn lực này như thế nào thưa ông?

Ông Lê Quang Trung: Toàn huyện Phước Sơn hiện có trên 67.000 ha rừng tự nhiên và 14.000 ha rừng trồng. Đây được xem là một trong những tiềm năng kinh tế rất lớn, tạo nguồn thu nhập bền vững góp phần nâng cao đời sống của người dân và gắn bó với rừng. Hiện tại, huyện triển khai nhiều chủ trương để cùng thực hiện, ngoài các chính sách bảo vệ và phát triển rừng của Trung ương và tỉnh với với nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ tốt các diện tích rừng tự nhiên hiện có, duy trì và tăng độ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 75%, trồng rừng sản xuất hàng năm đạt 1.000 ha (chủ yếu trồng lại sau khai thác), trồng 3.750.000 cây xanh theo Chương trình trồng mới 01 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, phát triển các loài dược liệu phù hợp với địa phương, bảo tồn và phát triển cây quế Trà My.

Trong bối cảnh rừng ngày càng đóng vai trò quan trọng cả về phương diện môi trường lẫn kinh tế, thì Phước Sơn cũng như các địa phương khác trong cả nước, đang được hưởng những chính sách ưu đãi lớn từ nhà nước như: hỗ trợ về giao khoán rừng; chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn vốn đầu tư của các tổ chức phi Chính phủ… Đây là điều kiện rất thuận lợi để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng cũng như phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Địa phương cũng chú trọng công tác phát triển trồng rừng gỗ lớn theo hướng bền vững, từng bước cải thiện chất lượng rừng trồng thông qua trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC và coi đây là một định hướng quan trọng để phát triển rừng trồng, tăng thu nhập bền vững cho người dân.

Hiện nay trên địa bàn huyện có 15 điểm mỏ được quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản vàng, đến nay có 12 điểm mỏ được cấp phép khai thác cho 10 doanh nghiệp (trong đó có Công ty TNHH vàng Phước Sơn do Bộ TN&MT cấp phép. Trong những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản đã góp phần giải quyết việc làm cho Nhân dân trên địa bàn huyện, trong đó Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đã giải quyết việc làm cho gần 500 người lao động của huyện nhà; ngoài ra, các doanh nghiệp khoáng sản đã nộp vào ngân sách nhà nước một nguồn thu đáng kể, năm 2023 đã tổng thu hơn 120 tỷ đồng, điều tiết ngân sách huyện hơn 20 tỷ đồng; huyện sử dụng nguồn thu được điều tiết đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình an sinh xã hội phục vụ phát triển KT-XH và nhu cầu đời sống Nhân dân trên địa bàn.

img_6370.jpg
Địa phương đã triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để an cư cho người dân

PV: Để tiếp tục quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai, trồng rừng và khai thác khoáng sản phục vụ giảm nghèo, địa phương có những định hướng và giải pháp như thế nào trong thời gian tới thưa ông?

Ông Lê Quang Trung: Huyện đang tập trung xây dựng các vùng, khu sản xuất tập trung như: Vùng trồng cây ăn quả, cây dược liệu tập trung kết hợp sắp xếp, bố trí dân cư tại xã Phước Chánh và Phước Năng quy mô 590 ha; khu chăn nuôi tập trung xã Phước Hiệp, Phước Hòa, với diện tích mỗi khu khoảng 40ha,... Tập trung rà soát, thực hiện tốt công tác bố trí sắp xếp dân cư hầu hết tại các xã trên đị bàn huyện..., lồng ghép các chương trình để bố trí đất ở, đất sản xuất cho nhân dân như: di dân vùng sạt lở, thực hiện bố trí đất ở và nhà ở theo các chính sách của Trung ương, của tỉnh.

Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục khai thác tiềm năng thế mạnh đất đai gắn liền với loài cây lâm nghiệp để trồng rừng phù hợp với điều kiện sinh thái theo từng vùng, phát triển trồng cây nguyên liệu (keo) ở các xã vùng trung và vùng thấp; phát triển trồng Quế, cây Dổi lấy hạt và các loài cây lâm nghiệp có giá trị cao khác ở vùng cao để hỗ trợ người dân phát triển trồng rừng theo hướng thâm canh, xem canh để sử dụng có hiệu quả diện tích đất. Ưu tiên gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hướng tới giảm nghèo bền vững. Chú trọng các giải pháp nâng cao giá trị trồng rừng như: Đẩy mạnh chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC; hỗ trợ chuyển đổi trồng cây keo sang trồng các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao theo Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 12/7/2022 của HDNĐ huyện.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phước Sơn (Quảng Nam): Phát huy giá trị nguồn lực đất đai và khoáng sản trong công tác giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO