Nước thải làm ô nhiễm dòng suối
Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT tại hiện trường, chị Vũ Thị H, nhà ở xóm My Kỳ, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên bức xúc cho biết: Trước đây dòng suối rất trong xanh, ngay cả mùa cạn vẫn trong lành, mát rượi. Cá tôm và các loại thủy sinh khác đều sinh sống. Nhưng khoáng gần 1 năm nay, sự trong lành đó đã biến mất, thay vào đó là sự ô nhiễm nặng nề.
Chị H cho biết, bây giờ, dòng suối này đã bị ô nhiễm quá nặng nề. Nước thải từ điểm sàng tuyển cát của một chủ doanh nghiệp có tên là Tám (nhà ở TP Vĩnh Yên) đang ngày đêm cấp tập chở cát sạn ở đâu đó về, rồi sàng tuyển ở đây, đánh đống, phân loại rồi mang đi tiêu thụ khắp các nơi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Cũng theo phản ánh chị H, mặc dù cùng sinh sống trên một khu vực, nhưng là ranh giới giữa 2 địa phương khác nhau, 1 bên là xã Ngọc Thanh, 1 bên là xã Bá Hiến nên cũng khó nói được. Hậu quả là bên doanh nghiệp bên xã Ngọc Thanh cứ xả nước xuống suối, và nước thải cứ chảy theo dòng, gây ô nhiễm nặng. Suốt một thời gian dài, mà không thấy có cơ quan chức năng nào ngăn chặn - chị H bức xúc.
Hiện trường máy móc, dàn sàng |
Đi dọc theo dòng suối tại vùng giáp ranh giữa 2 xã, phóng viên Báo TN&MT nhận thấy, những tố cáo của người dân địa phương là có cơ sở. Khi được hỏi, hầu hết người dân đều bất bình vì những bất cập đang diễn ra trên địa bàn.
Trong vai một người cần mua cát cho công trình, phóng viên đã vào điểm mỏ này. Một đại công trường sàng tuyền được lắp đặt. 5 – 6 chiếc máy bơm cỡ lớn hoạt động hết công xuất, hút nước từ dưới suối lên, rồi lại bơm và bãi, bơm vào dàn sàng để đẩy, tẩy các loại tạp chất và phân các loại cát, đá, sỏi, dăm vào các máng chuyền khác nhau. Và cuối cùng là từ những dàn sàng này, các loại vật liệu xây dựng đó được đổ vào bãi. Nước thải trong quá trình sảng tuyển hết vòng tuần hoàn thì cứ thế đổ ra phía hạ lưu của bãi rồi chảy xuống dòng suối và trôi sang địa phận xã Bá Hiến.
Hiện trường xả thải, gây ô nhiễm cả đoạn cầu Tràn, giáp ranh giữa xã Bá Hiến và xã Ngọc Thanh – tỉnh Vĩnh Phúc |
Cát, cao lanh chở về từ đâu?
Qua điều tra, phóng viên được biết: Mỗi ngày, điểm sàng tuyển này chở đến và chở đi cả mấy chục xe tải hạng nặng loại 3, 4 chân Howo. Xe tải nào cũng cơi thùng, chở đầy ắp các loại vật liệu xây dựng để mang bán khắp nơi. Khu đất mà đối tượng có tên Tám này thuê, là đất trồng trọt của gia đình nhà ông bà Tư - Tơ, xã Ngọc Thanh (TP Phúc Yên). Khu đất này trước đây chỉ trồng cây lâm nghiệp. Sau đó, được người thuê đất có tên Tám cho máy xúc san gạt tạo mặt bằng để làm nơi chế biến vật liệu xây dựng.
Người dân địa phương bức xúc vì vẫn nạn ô nhiễm đã lâu, mà không ai ngăn chặn |
Trao đổi với ông Nguyễn Văn T, nhà ở ngay đầu xã Ngọc Thanh, ông T cho biết: điểm sàng tuyển này gây ô nhiễm là rất rõ. Nhưng không thấy chính quyền xã hay thành phố kiểm tra, chấn chỉnh, hậu quả là người dân gánh đủ. Theo chân ông T chỉ dẫn, phóng viên đi dọc tuyến suối chảy, đúng là dòng nước từ hồ Đại Lải chảy ra, nước từ các khe đồi suối mương xung quanh, đều gom nước về đây. Vậy mà khi đến đoạn gần cơ sở sàng tuyển cát lại đục ngầu, ô nhiễm trầm trọng.
Tiếp tục điều tra, phóng viên được người dân địa phương tố cáo, không chỉ có cát, đá sỏi chở về đây, cả cao lanh cũng chở về rồi lại chở đến một số nhà máy gạch đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Sự việc này diễn ra liên tục trong một thời gian dài, mà không ai hay biết?
Rộng đường dư luận, phóng viên Báo TN&MT đã đến UBND xã Ngọc Thanh để tìm hiểu sự việc. Nhưng, xã viện lý đủ lý do, họ hẹn sẽ trả lời cụ thể sau.
Về những bất cập đang diễn ra tại đây, luật sư Ngụy Thành Thắng (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) phân tích: Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải điều tra, làm rõ nguồn gốc của việc chở cát, cao lanh ở đâu về đây? Có phải từ mỏ có được cấp giấy phép hay không? Hay lấy ở đâu đó, rồi tập kết ở đây sàng tuyển và hợp thức hóa? Việc các doanh nghiệp vận hành cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng phải được sự chấp thuận của các cấp, các ngành chức năng có thẩm quyền. Không phải cứ có mảnh đất là mang đi chứa được, nhất là đối với nhóm đất nông nghiệp. Nếu làm trái các quy định về Bảo vệ môi trường, thì trách nhiệm ngăn chặn, bảo vệ là của Công an, mà cụ thể là Cảnh sát môi trường và Chi cục Bảo vệ môi trường. Chứ không thể phó mặc cho…dân hứng chịu. Đã đến lúc UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị này, tùy theo mức độ mà xử lý. Có thế, mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, trả lại môi trường sống trong sạch cho người dân.
Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục phản ánh khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.