Phục hồi hệ sinh thái nguy cấp, trọng điểm - Xây dựng mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên

Lan Anh (thực hiện)| 22/09/2022 10:18

(TN&MT) - Bên cạnh nâng cao nhận thức cộng đồng, đòi hỏi cần có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên để bảo đảm ĐDSH. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã trao đổi với GS.TS Nguyễn Quảng Trường - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật.

PV: ĐDSH đang có xu hướng suy giảm trên toàn cầu. Tại Việt Nam cũng như khu vực miền Trung, ĐDSH đang đứng trước những cảnh báo đỏ như thế nào, thưa ông?

89-3-.jpg

GS.TS Nguyễn Quảng Trường - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật

Ông Nguyễn Quảng Trường: Các hệ sinh thái tự nhiên của Việt Nam tiếp tục bị thu hẹp về diện tích và xuống cấp về chất lượng. Cụ thể, hệ sinh thái rừng bị suy giảm cả số lượng và chất lượng như diện tích rừng tự nhiên, độ che phủ rừng. Theo báo cáo của Bộ TN&MT, mức độ che phủ rừng năm 1943 là gần 43%, tuy nhiên, đến 1990 chỉ còn 28,2%. Mặc dù Chính phủ đang hướng tới nâng mức độ che phủ cũng như nâng cao chất lượng hệ sinh thái tự nhiên, nhưng rõ ràng, rừng tự nhiên đã mất đi rồi, phần chúng ta bù đắp lại chủ yếu là rừng trồng nên chất lượng không được như mong muốn. Hệ sinh thái biển, các rạn san hô cũng đang chịu thách thức bởi ô nhiễm của rác thải, ô nhiễm từ các hoạt động du lịch và khó có khả năng phục hồi.

Trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, tổng số các loài động, thực vật hoang dã tự nhiên đang bị đe dọa là 882 loài. Các nhà khoa học Việt Nam đã đề xuất đưa vào Sách đỏ Việt Nam giai đoạn tới 1.211 loài, gồm 600 loài thực vật và 611 loài động vật. Trong đó, nhiều loài thực vật trước đây chỉ ở mức sắp nguy cấp thì nay bị xếp ở mức rất nguy cấp như hoàng đàn, bách vàng, sâm vũ điệp, tam thất hoang… Ngoài ra, trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều loài động vật bị tuyệt chủng như tê giác hay những loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như voi, rùa, sao la…

Khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, các nghiên cứu cũng chỉ ra, tại đây có tới 36 khu vực ĐDSH trọng yếu, hơn 3,76 triệu ha rừng tự nhiên, nhiều trung tâm đặc hữu thực vật, chim, bò sát, ếch nhái với nhiều loài đặc hữu.

PV: Đâu là những mối nguy hiểm, đe dọa trực tiếp, làm suy giảm ĐDSH, gia tăng các vùng sinh học trọng yếu tại nước ta và khu vực miền Trung hiện nay?

Ông Nguyễn Quảng Trường: Nước ta có tiềm năng ĐDSH lớn nhưng các áp lực đe dọa như: khai thác tài nguyên không hợp lý, mất rừng và suy thoái sinh cảnh sống, suy giảm quần thể, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch, biến đổi khí hậu, loài ngoại lai, săn bắn, bẫy bắt… đã làm suy giảm số lượng loài.

Theo một nghiên cứu,tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) bên cạnh việc người dân đào, xới liên tục trong thảm cỏ biển bằng cuốc để khai thác các nguồn lợi ngao, sò thì sự phát triển của một số khu kinh tế, cụ thể như việc xây dựng cảng và hoạt động sửa chữa tàu biển của nhà máy Hyundai Vinashin đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của cỏ biển. Đây có thể được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của 275,8ha thảm cỏ biển trong vòng 9 năm.

Có thể nói, do áp lực phát triển kinh tế để nâng cao đời sống người dân, việc phải khai thác tài nguyên để phục vụ phát triển đã tác động lớn đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia vừa thoát khỏi nước thu nhập thấp nên nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn ĐDSH còn tương đối hạn chế.

89-2-.jpg

Việc sử dụng tài nguyên không hợp lý đã đe dọa đến 58,5% loài thực vật và 86,1% loài động vật; hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đe dọa đến 52% loài thực vật và 39,3% loài động vật; phát triển khu dân cư và cơ sở hạ tầng đã đe dọa đến 49,3% loài động vật.

PV: Cùng với những giải pháp mang tính toàn cầu, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp gì để bảo đảm sự ĐDSH và phát triển bền vững, đặc biệt là ở các hệ sinh thái nguy cấp, trọng điểm, thưa ông?

Ông Nguyễn Quảng Trường: Bộ TN&MT đã rất nỗ lực nhằm bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên, ĐDSH, tạo cơ sở cho phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Vừa qua Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 tầm nhìn 2050 do Bộ TN&MT xây dựng, chủ trì đã được Chính phủ phê duyệt.

Chiến lược đã thể hiện được ý tưởng, mục tiêu và kế hoạch bảo vệ ĐDSH, phục hồi các giá trị sinh thái thông qua công tác nghiên cứu, giám sát, hoạt động cụ thể. Vấn đề tiếp theo là thực thi như thế nào, triển khai làm sao để đạt được hiệu quả, không chỉ có Bộ TN&MT mà còn cần sự đồng lòng của các địa phương và từng người dân. Ví dụ như vấn đề sử dụng sản phẩm động vật hoang dã, nếu chúng ta chỉ kêu gọi suông thì rất khó, cần phải triển khai hiệu quả việc thực thi pháp luật, xử lý nghiêm việc săn bắt, buôn bán trái phép. Về phía các địa phương, cần theo dõi tốt các vi phạm phá hoại, xử lý ô nhiễm môi trường và có chế tài xử phạt.

Chúng ta cũng cần ưu tiên các cơ chế khuyến khích, thiết lập, thúc đẩy xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Ngoài nội lực trong nước, chúng ta cần hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ để có thể thực thi được các hoạt động đó, cùng với nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, và ngay bản thân chúng ta cũng cần có ý thức bảo vệ môi trường như không sử dụng sản phẩm động vật hoang dã, tiết kiệm năng lượng, giảm sử dụng rác thải khó phân hủy để tạo ra môi trường sống lành mạnh, bảo vệ thiên nhiên và các hệ sinh thái.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phục hồi hệ sinh thái nguy cấp, trọng điểm - Xây dựng mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO