Theo Quyết định số 1592/QĐ-UBND của UBND tỉnh Sơn La, phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Phù Yên, về phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, toàn huyện có tổng diện tích 123.272,87ha, gồm 27 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn; trong đó, đất nông nghiệp chiếm trên 91%; đất phi nông nghiệp 6,4%; còn lại là đất chưa sử dụng.
Diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp là hơn 554ha; đất phi nông nghiệp không phải đất ở chuyển sang đất ở là 1,97ha. Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng hơn 12.600ha.
Về kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của Phù Yên, dự kiến, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp là gần 74ha; đất phi nông nghiệp không phải đất ở chuyển sang đất ở là 0,23ha. Kế hoạch thu hồi đất nông nghiệp hơn 73ha; đất phi nông nghiệp hơn 12ha. Đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng hơn 294ha.
Lãnh đạo UBND huyện Phù Yên cho biết: Những năm qua, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung các nguồn lực đẩy mạnh công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở cho công tác quản lý, sử dụng đất đai theo quy hoạch, kế hoạch. Quá trình lập quy hoạch sử dụng đất đều có sự rà soát cập nhật quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chung và các quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp dưới phù hợp với cấp trên, phù hợp với chỉ tiêu phân bổ của tỉnh.
Quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho thấy việc sử dụng đất trên địa bàn huyện cơ bản đã khắc phục được các mâu thuẫn, chồng chéo, lãng phí trong sử dụng của các ngành, lĩnh vực; đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực phát triển, thực hiện có kết quả những mục tiêu nhiệm vụ trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh nói chung, của huyện Phù Yên nói riêng; khai thác được tiềm năng đất đai, tăng nguồn thu cho ngân sách để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển NTM, phát triển đô thị. Quá trình sử dụng đất cơ bản dựa trên quan điểm khai thác sử dụng triệt để quỹ đất, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc đảm bảo giữ diện tích đất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm; khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng... Diện tích đất chưa sử dụng của huyện từng bước được khai thác đưa vào sử dụng hợp lý, vừa đảm bảo yêu cầu cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng BĐKH; vừa đáp ứng khả năng mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, phương án Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện được xây dựng trên cơ sở kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025), định hướng triển KT-XH đến năm 2030, tổng hợp nhu cầu sử dụng đất của các ngành, địa phương và kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, biến động đất đai, kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ 2010-2020.
Mặt khác, các thông tin về nhu cầu sử dụng đất được điều tra, khảo sát đến từng công trình, dự án và được sự đóng góp ý kiến các ngành, địa phương qua nhiều lần hội thảo. Do đó, đã đáp ứng đúng, đủ nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với mục tiêu chung về phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030, đảm bảo khai thác hợp lý, có hiệu quả tài nguyên đất đai gắn liền với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường; bảo vệ và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện.
Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện đã tổ chức công bố, công khai trên Website huyện và niêm yết tại trụ sở UBND huyện, các xã, thị trấn.
Cùng với đó, để việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đạt hiệu quả cao, huyện Phù Yên xác định: Công tác quản lý sử dụng đất đai phải quán triệt phương châm “tiết kiệm hiệu quả”; gắn quản lý sử dụng đất với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và phát triển đô thị xanh, sạch đẹp.
Tăng cường tuyên truyền phổ biến các chính sách đầu tư sản xuất, thu hút đầu tư hiện hành, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính về đất đai. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của huyện với các dự án đầu tư sản xuất sạch, thân thiện môi trường, dự án đầu tư ở địa bàn nông thôn.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về pháp luật đất đai, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, tạo sự đồng thuận cao trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Phát huy vai trò của các cấp đảng ủy, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các ngành, lĩnh vực cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt; việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ từ cấp huyện đến cấp xã, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Xây dựng, cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai; kiên quyết không giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất với các trường hợp không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…