Ông Trương Quang Quý - Giám đốc Bảo tàng Địa chất cho biết: Theo bảng phân loại tạm thời các di sản địa chất của UNESCO (GILGES), có 10 kiểu di sản địa chất. Theo các nghiên cứu bước đầu ở CVĐC Phú Yên, có tới 9 kiểu di sản địa chất, bao gồm: Di sản kiểu A (Cổ sinh); Di sản kiểu B (Địa mạo); Di sản kiểu C (Cổ môi trường); Di sản kiểu D (Đá); Di sản kiểu E (Địa tầng); Di sản kiểu F (Khoáng vật, khoáng sản); Di sản kiểu H (Kinh tế địa chất); Di sản kiểu I (Kiến tạo); Di sản kiểu L (Đệ tứ - Địa chất biển và các di sản tương tác lục địa đại dương).
Về giá trị văn hóa, theo ông Trương Quang Quý, Phú Yên hiện có gần 600 di tích gồm nhiều loại hình như: Di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, đình, chùa, nhà thờ, lăng, miếu, dinh, lẫm. Trong đó, nghệ thuật Bài chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (bao gồm 9 tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó có tỉnh Phú Yên); di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn, danh thắng Gành đá đĩa là di tích quốc gia đặc biệt; 22 di tích, danh thắng quốc gia; 48 di tích, danh thắng cấp tỉnh.
Cùng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, Phú Yên còn bảo tồn và phát huy được nhiều di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình đa dạng, phong phú như: Lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca dân vũ; đặc biệt Lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển.
Khu vực dự kiến thành lập Công viên địa chất ở Phú Yên bao gồm diện tích của 6 huyện, trong đó có 4 huyện ven biển là TP. Tuy Hòa, TX. Sông Cầu, TX. Đông Hòa, huyện Tuy An. 2 huyện còn lại là Phú Hòa (gồm 4 xã, thị trấn: Phú Hòa, Hòa An, Hòa Thắng, Hòa Quang Bắc), Sơn Hòa (gồm 3 xã: Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định). Tổng diện tích tự nhiên của toàn vùng là 152.700ha.
Ngoài ra, Phú Yên còn có các làng nghề truyền thống như: làm thuyền thúng chai, nghề chổi đót, nghề dệt chiếu, nghề làm gốm, làm nước mắm,...
Phú Yên cũng là nơi có giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học. Tỉnh Phú Yên có 3 kiểu rừng chính là rừng kín lá rộng thường xanh, đây là kiểu rừng phổ biến ở Phú Yên chiếm 96,5% diện tích rừng tự nhiên; rừng rụng lá (khộp), kiểu rừng này chiếm tỷ lệ 3,5% diện tích rừng tự nhiên toàn tỉnh; rừng trồng, hiện có 20.963ha rừng trồng và khoảng 8,4 triệu cây phân tán (tương đương 4.200ha), gồm các loại cây chủ yếu như keo tai tượng, xà cừ, phi lao, điều, dầu rái, sao đen, gõ đỏ, muồng đen, giáng hương và một số loại khác. Hệ động, thực vật rừng Phú Yên khá phong phú, có 43 họ chim với 114 loài (trong đó có 7 loài quý hiếm). Thú có 20 họ với 51 loài (trong đó có 21 loài quý hiếm), bò sát có 3 họ với 22 loài (trong đó có 2 loài quý hiếm).
Phú Yên có sinh thái rừng đặc sắc, như Khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng Krông Trai. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển đa dạng dịch vụ du lịch sinh thái rừng.
Bên cạnh đó, vùng biển ven bờ của Phú Yên được chia thành 4 hệ sinh thái chính gồm hệ sinh thái đầm Cù Mông, hệ sinh thái đầm Ô Loan, hệ sinh thái cửa sông, ven biển và hệ sinh thái rạn san hô. Các hệ sinh thái này đều có giá trị đa dạng sinh học lớn, có giá trị cảnh quan và tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao…
Tổng diện tích rạn san hô ở vùng biển ven bờ Phú Yên vào khoảng trên 300ha, gần bằng 1/2 ở Vịnh Nha Trang và bằng khoảng 2/3 ở Phú Quốc. Diện tích rạn lớn nhất thuộc về khu vực An Hải - An Chấn (167,2ha), chiếm hơn 1/2 diện tích. Trong đó, rạn lớn nhất ở Bãi Gõ thuộc Xã An Chấn (39,4ha), Hòn Chùa - An Chấn (32,73ha).
Giám đốc Bảo tàng Địa chất Trương Quang Quý nhận định: “Với các giá trị tiêu biểu trên, việc xây dựng CVĐC Phú Yên tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu là tài sản vô cùng quý giá, không chỉ của người dân các dân tộc tỉnh Phú Yên mà còn của Việt Nam và nhân loại. Việc xây dựng thành công danh hiệu này là hướng đi đúng đắn của địa phương để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản, đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững”.