Hiện tại, khu vực lòng hồ thủy điện Sông Hinh thuộc thôn Kinh tế 2 và Buôn Đức, xã Ea Trol xảy ra hiện tượng người dân đến từ các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Bia, thị trấn Hai Riêng của huyện Sông Hinh và một số người dân các xã của huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên đến khai thác thủ công đá đen (loại đá giống hệt như than đá). Họ sử dụng cuốc, xẻng, xà beng đào bới đất lòng hồ thủy điện moi tìm đá đen ước chừng khoảng 06ha tạo nên nhiều hố sâu từ 01-02m theo ven các con lạch trong vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Sông Hinh.
Theo một số bà con đi khai thác đá cho biết, họ không biết giá trị thật là bao nhiêu, tác dụng để làm gì mà chỉ biết khả năng dùng làm mỹ nghệ và đồ trang sức. Tại khu vực này có rất nhiều người đến mua đá với nhiều giá khác nhau theo 3 loại: loại đá vụn có giá từ 80.000 đến 220.000 đồng/kg; loại đá lớn có giá từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng/kg, loại đá lớn trên 01kg/viên mua theo thỏa thuận, tùy theo mức độ đá lớn, đá càng lớn thì giá mua càng cao.
Người dân còn thông tin thêm, việc khai thác đá đen không chỉ diễn ra khu vực lòng hồ thủy điện Sông Hinh mà còn bị khai thác, đào bới tại nhiều nơi khác như suối Lồ ô, suối Dứa xã Sông Hinh, Buôn Thung xã Đức Bình Đông, các suối của Hòn Cồ, xã Ea Trol. Loại đá đen có ở khắp nơi nhưng lòng hồ thủy điện Sông Hinh do hạn hán nước rút cạn, nước cạn đến đâu thì người dân đào tìm đá đen tới đó khiến cho lòng hồ thủy điện bị cày xới, nham nhỏ, tan hoang gây nguy cơ sập đê, sạt lở núi có thể xảy ra nhất là vào mùa mưa năm nay.
Làm việc với PV Báo TN&MT, ông La Ô Y Thanh - Chủ tịch UBND xã Ea Trol chia sẻ: “UBND xã đã thành lập đoàn tổ chức truy quét nhiều lần nhưng lượng người đến khai thác đá đen quá đông trong khi lực lượng cán bộ, công an xã không đủ ngăn chặn tình trạng khai thác đá đen. Công an xã làm báo cáo gửi Công an huyện Sông Hinh đề nghị phối hợp để chủ động ngăn chặn tình trạng này. Người dân tham gia khai thác đá đen phần lớn là người đồng bào dân tộc Eđê đang sinh sống trên địa bàn xã, ngoài làm rẫy, trồng cây họ cũng không có nguồn thu nhập nào khác. Thậm chí có nhiều hộ không có đất sản xuất vì đất xung quanh đều nằm trong rừng phòng hộ và hồ thủy điện nên họ mới chọn cách đào đá đen bán kiếm sống qua ngày”.
Ông Mai Kim Lộc - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên cho biết, Sở đã nhận được thông tin phản ánh về tình trạng khai thác đá đen tại thủy điện Sông Hinh và sẽ nhanh chóng tiến hành kiểm tra, xử lý vụ việc.