Phú Yên: Chưa có chứng cứ việc doanh nghiệp khai thác cát vào ban đêm trên Sông Cái

Mỹ Bình | 23/04/2020 21:01

(TN&MT) - Sau loạt bài phản ánh về nạn hút cát của hai doanh nghiệp là DNTN Hoàng Dương và Công ty TNHH Bảo Hiệp trên sông Cái qua địa phận xã An Định, xã An Dân, và thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An. Mới đây, Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nhận được đơn phản ánh của người dân về tình trạng khai thác hút cát không đúng vị trí gây sạt lở, mất đất sản xuất làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Dân "kêu trời" vì doanh nghiệp hút cát trên sông Cái

Ngày 14/03/2019, Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường phản ánh về tình trạng khai thác cát dưới sông Cái trong bài “Phú Yên: Doanh nghiệp cùng dân thi nhau hút cát dưới sông Cái”. Sau đó, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Sở TN&MT tiến hành kiểm tra thông tin báo nêu.

Trên cơ sở báo cáo của Sở TN&MT, UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với Chủ tịch UBND thị trấn Chí Thạnh và Chủ tịch UBND xã An Dân. Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã đề cập trong bài “Phú Yên: Hút cát dưới sông Cái – Kiểm điểm Chủ tịch thị trấn Chí Thạnh và Chủ tịch xã An Dân” đăng ngày 29/04/2019.

Khu vực hút cát của DNTN Hoàng Dương 

Đến nay, Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nhận được đơn phản ánh của người dân thôn Mỹ Long, xã An Dân, huyện Tuy An với gần 20 hộ dân đồng ký tên. Nội dung đơn phản ánh người dân than phiền về việc DNTN Hoàng Dương và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Bảo Hiệp khai thác hút cát sông Cái làm sạt lở đất và mất đất sản xuất trồng trọt hoa màu nằm dọc theo sông Cái.

Khu vực hút cát của Công ty TNHH Bảo Hiệp

Theo phản ánh của người dân: Đến mùa mưa lũ, mực nước sông Cái ăn sâu vào đất bờ sông làm mất đất và làm sập hai ngôi mộ của người dân trong thôn. Ngoài ra, hai doanh nghiệp còn hút cát vào ban đêm, gà gáy, hút cát ngay cạnh bờ sông vì nơi này nằm ngoài phạm vi cấp phép nên phải hút cát lén lút. Sự việc trên, người dân phản ánh nhiều lần đến các cấp chính quyền, nhưng không được chính quyền và cơ quan chức năng giải quyết và trả lời cho người dân biết về việc cấp phép khai thác cát cho hai doanh nghiệp.

Người dân thôn Mỹ Long, xã An Dân phản ánh về tình trạng hút cát của hai doanh nghiệp

Ngày 23/04, PV Báo TN&MT có mặt nơi hiện trường khúc sông Cái tại thôn Mỹ Long, xã An Dân thì được nghe người dân bức xúc cho biết: Hút cát toàn hút vào nửa đêm gà gáy khoảng 04 giờ sáng, hút tại vị trí trong bờ kè bảo vệ bờ sông Cái. Chúng tôi nhắc nhở thì họ lại kéo ghe ra tại vị trí cho phép. Sáng sớm nào cũng có 04, 05 cái ghe nổ máy hút cát ầm ầm không ai chịu nổi. Cứ hút cát vậy là nó sập bờ sông gây sạt lở mất đất sản xuất của dân. Từ hôm có đơn thư gửi UBND tỉnh và báo chí đến giờ là làm đúng giờ, còn trước nay cứ hút cát từ tờ mờ sáng.

Những cồn cỏ dô cát lên cao là nơi thường hoạt động hút cát

Ông Lê Văn Thanh – Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Mỹ Long cho biết: Chúng tôi bảo vệ cồn cát, vì cấp phép một nơi hút cát một ngả. Cấp phép bao nhiêu lấy bấy nhiêu, cứ hút cát lung tung nhiều chỗ khác nhau gây bức xúc trong nhân dân. Năm trước không nghĩ bị cơn lũ lụt làm sập hai ngôi mộ vì bờ sông sạt lở. Người dân mong muốn chính quyền tỉnh và huyện đầu tư xây dựng bờ kè bảo vệ che chắn khu dân cư thôn Mỹ Long và bờ sông Cái. Mặc dù vị trí khai thác cát của doanh nghiệp không nằm trên đất thôn Mỹ Long, nhưng nếu không bảo vệ, xây kè thì nguy cơ sạt lở lớn vào mùa mưa tới là không tránh khỏi.

Vị trí bờ sông Cái bị sạt lở làm trôi hai ngôi mộ của người dân

Cơ quan chức năng yêu cầu tăng cường kiểm tra hoạt động hút cát

Cũng trong ngày 23/04/2020, Đoàn công tác liên ngành do Sở TN&MT Phú Yên, Phòng Cảnh sát Môi trường – Công an tỉnh Phú Yên, Cục Thuế tỉnh Phú Yên, Sở NN-PTNT Phú Yên, Phòng TN&MT huyện Tuy An, UBND xã An Dân, UBND xã An Định và đại diện hai doanh nghiệp đã tiến hành kiểm tra, xác minh đơn phản ánh của người dân thôn Mỹ Long, xã An Dân theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên.

Xe máy hút cát trên sông Cái hoạt động liên tục trong ngày

Tại biên bản làm việc ngày 23/04/2020, Các thành viên trong Đoàn công tác đều khẳng định, việc khai thác cát làm sạt lở bờ sông là không có cơ sở. Vị trí sạt lở phía thượng lưu thôn Mỹ Long từ năm 2016, quá trình sạt lở này do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu vào mùa mưa lũ hàng năm và chia nhánh đầu nguồn, việc doanh nghiệp khai thác hút cát gây ảnh hưởng đến sạt lở là chưa có cơ sở để xác định.

Phòng TN&MT huyện Tuy An kết luận, theo phản ánh DNTN Hoàng Dương khai thác ngoài vị trí vào ban đêm không có chứng cứ để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND xã An Định lại cho rằng, việc hút cát vào ban đêm của các doanh nghiệp là có cơ sở, thời gian tới xã sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định. Ngoài ra, Lãnh đạo UBND xã An Dân xác nhận, việc sạt lở gây trôi hai ngôi mộ năm 2019 là đúng như người dân phản ánh.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở TN&MT Phú Yên đề nghị UBND xã An Dân và An Định tăng cường kiểm tra việc chấp hành giấy phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh cấp cho hai doanh nghiệp, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định nếu có vi phạm (nhất là việc khai thác sai vị trí và thời gian khai thác). Đồng thời yêu cầu hai doanh nghiệp thực hiện nghiêm Nghị định số 23/2020 của Chính Phủ.

Người dân mong muốn xây kè để bảo vệ khu dân cư Mỹ Long vì bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng 

PV được biết, UBND tỉnh Phú Yên cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 45, ngày 02/10/2015 cho phép DNTN Hoàng Dương khai thác mỏ cát vật liệu xây dựng thông thường sông Cái, thôn Long Hòa, xã An Định với diện tích 03ha, trữ lượng mỏ 106.891,1m3, công suất khai thác 10.000m3/năm, khai thác theo lớp bằng, vận chuyển bằng ghe máy đến bãi chứa. Thời gian khai thác là 10 năm 08 tháng.

Cũng trên sông Cái, UBND tỉnh Phú Yên cấp phép cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Bảo Hiệp khai thác cát tại thôn Mỹ Long, xã An Dân, với diện tích 01ha, trữ lượng khai thác 17.645m3 nguyên khai, công suất khai thác 10.000m3/năm, thời gian khai thác 01 năm 09 tháng kể từ ngày cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 16 ngày 10/07/2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên: Chưa có chứng cứ việc doanh nghiệp khai thác cát vào ban đêm trên Sông Cái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO