Môi trường

Phú Thọ: Đa dạng các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học

Hoàng Hiền 19/12/2023 - 12:40

(TN&MT) - Những năm qua, các ngành chức năng tỉnh Phú Thọ đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn các nguồn gen động, thực vật đặc hữu, quý hiếm, đồng thời, lồng ghép công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, coi đây là nhiệm vụ chiến lược nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững cho tương lai.

Vườn Quốc gia Xuân Sơn là nơi có giá trị ĐDSH cao, nơi lưu giữ, bảo tồn các loài động, thực vật đặc hữu, các nguồn gen quý, mẫu chuẩn hệ sinh thái có giá trị trong nước cũng như trên thế giới. Những năm qua, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước triển khai thực hiện công tác khảo sát, điều tra đánh giá tính đa dạng đối với hệ thực vật nơi đây. Trong quá trình thực hiện đã điều tra, phát hiện nhiều loài thực vật quý hiếm, có giá trị về kinh tế cũng như bảo tồn. Mặt khác, trên cơ sở kết quả điều tra đã đưa ra những biện pháp để khoanh vùng, bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị của các loài thực vật quý hiếm. Với kết quả điều tra khảo sát theo từng giai đoạn, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã phát hiện, bổ sung nhiều loài thực vật mới cho danh mục thực vật của Vườn, bổ sung danh mục thực vật của Việt Nam và thế giới.

111d1080957t8714l5-134d0141121t2741l8-9.jpg
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ chú trọng quản lý, bảo vệ rừng, góp phần bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn.

Ông Trần Ngọc Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn cho biết: “Vườn Quốc gia Xuân Sơn là nơi có giá trị sinh học cao, có nhiều lợi ích không chỉ cho cộng đồng dân cư trong khu vực mà còn đem lại giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cung cấp lâm sản, nguồn dược liệu quý..."

Không chỉ tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, công tác bảo tồn, phát triển, phát huy các giá trị của tài nguyên thiên nhiên cũng được các địa phương quan tâm thực hiện. Ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, để bảo vệ cánh rừng lim 10ha với trên 300 gốc lim cổ quý hiếm, Hạt Kiểm lâm huyện cùng chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát để phòng cháy, chữa cháy rừng, xử lý kịp thời nếu có vụ việc mua bán, khai thác, vận chuyển trái phép từ rừng, đặc biệt là rừng lim cổ.

Cùng với đó, đẩy mạnh trồng cây, trồng rừng để bảo tồn ĐDSH. Hàng năm, Chương trình “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Các ngành chuyên môn, địa phương cùng thông tin, tuyên truyền, vận động người dân trồng các loại cây, nuôi vật nuôi bản địa đặc hữu, động vật hoang dã, góp phần bảo tồn các nguồn gen quý hiếm.

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa to lớn của ĐDSH, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm duy trì, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH. Thực hiện Luật Đa dạng sinh học và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan triển khai phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ĐDSH nói riêng, nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH nói chung cho các đối tượng quản lý cấp huyện, xã, cộng đồng dân cư trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý ĐDSH trên địa bàn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đầu tư nguồn lực thực hiện nhiều chương trình, dự án nghiên cứu về bảo tồn ĐDSH…

Bên cạnh đó, Phú Thọ đã xây dựng phương án bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tích hợp trong quy hoạch tỉnh với mục tiêu bảo vệ giá trị của các hệ sinh thái, các loài, các nguồn gen quý hiếm trên địa bàn, góp phần định hướng, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Song song đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo Quyết định số 1623/QĐ-TTg, ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Trên cơ sở đó đã đưa ra các nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về ĐDSH; chủ động nắm chắc tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến ĐDSH trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; huy động súc mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân ở cơ sở để thực hiện công tác bảo tồn, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan trong bảo vệ ĐDSH, đồng thời nâng cao năng lực phục vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan trong bảo vệ ĐDSH.

Nhờ đó, đến nay trên địa bàn đã xác định được nguồn gen các giống vật nuôi, cây trồng quý hiếm để có giải pháp quy hoạch, bảo tồn, phát triển phù hợp, giảm thiểu các mối đe dọa đến ĐDSH, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Thọ: Đa dạng các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO