Phụ nữ vùng cao "biến rác thành tiền"
(TN&MT) - Rác thải là thứ bỏ đi, không ai muốn gần...có chăng nó chỉ giành cho những con người lang thang, kiếm ăn qua ngày ở các thành phố lớn, đó là suy nghĩ của không ít người mỗi khi nghĩ đến rác...Ấy vậy mà, ở một tỉnh vùng cao “biến rác thành tiền” đã trờ thành một mô hình khá hiệu quả, là "điểm sáng" trong hoạt động của chị em phụ nữ huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cũng từ rác, mà họ đã có thêm nguồn vào quỹ để hoạt động, thăm hỏi động viên và cả thêm vốn cho chị em vay không lãi xuất để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Hiệu quả từ mô hình “biến rác thành tiền”
Mường Nhé xa sôi và diệu vợi, nhắc đến tên địa danh nhiều người miền xuôi không thể hình dung đó là miền biên ải "thâm sơn, cùng cốc". Nơi được mệnh danh “một con gà gáy cả 3 nước cùng nghe”. Đó là vì huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) giáp danh với 2 nước Lào và Trung Quốc. Cũng chính vì đặc thù địa lý mà khiến nhiều người mỗi khi nhắc đến Mường Nhé là hình dung ra cả một vùng gian khó, giao thông hiểm trở, dân trí kém phát triển.
Cũng chính điểm xuất phát dân trí thấp, nên không khó để nhìn ra những hình ảnh gây mất mỹ quan, mất vệ sinh môi trường; rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt đổ tràn ra lòng đường, bờ suối… Chị Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé kể: Chúng tôi xuống tận bản, các chi hội tuyên truyền việc đổ rác đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn những loại rác khó tiêu hủy nhưng không hiệu quả. Trong hội nghị vừa tuyên truyền xong ra khỏi họ lại vứt thản nhiên…Một phần nhận thức họ chưa cao, một phần do ngôn ngữ bất đồng. Lắm khi mình nói một hồi thật chậm rãi tỷ mỷ, hỏi lại các chị có hiểu không. Đồng loạt lắc đầu rồi nhìn nhau cười… Thật sự, vừa buồn vừa giận mà vừa thương…”
“…Rồi cũng chính vì những khó khăn về ngôn ngữ mà không ít lần các mô hình kinh tế của chị em làm kém hiệu quả. Ngoài những yếu tố về ngôn ngữ thì còn tập quán canh tác, điều kiện sản xuất, sức tiêu thụ hàng hóa… lẽ đó mà “cái khó bó lấy cái khôn” quỹ Hội cũng rất nghèo nàn… thậm chí là không có để thăm hỏi, động viên chị em khi đau ốm và tổ chức các hoạt động vào dịp lễ, tết... Chính vì vậy mà hoạt động của Hội cũng bị ảnh hưởng, không cuốn hút được chị em tham gia.
Sau rất nhiều lần chị em Hội đi về các bản để tuyên truyền vận động chị em tham gia hoạt động Hội, triển khai các mô hình kinh tế… Tôi chợt nhận ra nếu chỉ dựa vào mỗi tuyên truyền, vận động thì không thể nào thu hút được chị em tham gia mà phải bằng những hành động, việc làm thiết thực. Và điều đầu tiên tôi nhận thấy trong vườn nhà, đường nội bản có rất nhiều rác thải nhựa khó tiêu hủy ngoài môi trường. Vỏ chai, túi nil on, rác thải sinh hoạt xả tràn lan. Từ thực tế đó, tôi đã kêu gọi hội viên tham gia dọn vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn để gây quỹ Hội.
Sau khi triển khai mô hình “biến rác thành tiền” có rất nhiều chi em tham gia rất nhiều tình. Các loại rác tái chế như: vỏ lon, chai nhựa, giấy, bìa ... chị em tự thu gom và mang ra nhà văn hóa bản mỗi tháng 1 lần. Ban quản lý nhóm sẽ nhận và bán lấy tiền gây quỹ. Việc làm ấy, vừa giảm thiểu lượng rác phát sinh ra môi trường, rác được tái sử dụng bán lấy tiền gây quỹ để giúp đỡ hội viên phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.” – Chị Hà kể.
Hiện nay, mô hình “biến rác thải thành tiền” được Hội LHPN huyện Mường Nhé nhân rộng ra 22 chi hội, tại 9/11 xã trong toàn huyện. Số tiền các mô hình thu được khoảng từ 50 đến gần 80 triệu đồng/mô hình. Số tiền ấy tuy không lớn nhưng lại có thể giúp các chi hội có thêm nguồn kinh phí hoạt động. Đặc biệt, các chi hội đã chủ động cho chị em vay hoặc mua con giống hỗ trợ chị em chăn nuôi nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Là một trong số các chi hội phụ nữ thực hiện mô hình “biến rác thành tiền” hoạt động tích cực, chị Khoàng Thị Chăng, Chi hội trưởng, Chi hội Phụ nữ bản Mường Nhé, cho biết: Mô hình “biến rác thải thành tiền” tuy là việc nhỏ, nhưng đã có không ít số phận được chúng tôi tiếp sức từ mô hình này. Có tháng, chị em thu gom phế liệu bán được 700 nghìn đồng. Nhiều tháng gom lại, năm này qua năm khác môi trường sẽ giảm rác thải nhựa, chi hội có thêm quỹ để thăm hỏi các chị em có hoàn cảnh khó khăn, các cháu học sinh nghèo vượt khó. Trong năm qua, chi hội đã trao gần 10 xuất quà cho học sinh vượt khó và chị em hội viên nghèo mỗi xuất trị giá 300 nghìn đồng từ tiền bán rác thải nhựa. Có thể nói, mô hình “biến rác thành tiền” đã khơi dậy được tính tự nguyện, tính thiết thực nên nhiều chị em tham gia.”
Lan tỏa ý nghĩa của mô hình
Chia tay chị em phụ nữ Mường Nhé, chúng tôi ra về mặt trời đứng bóng, kịp về đến thành phố Điện Biên Phủ để ngày mai lại tiếp tục hành trình.
Hôm sau, trên cánh đồng Mường Thanh, chúng tôi bắt gặp những người phụ nữ đang nhặt vỏ chai và bao bì thuốc bảo vệ thực vật để tập chung đổ vào bể chứa để tiêu hủy. Trong số ấy có chị Vũ Thị Hà, hội viên Chi hội phụ nữ thôn Thanh Bình, xã Thanh Luông, chậm lại phía sau kể: “Chỗ chúng tôi chủ yếu làm ruộng, nên vỏ chai nhựa thuốc trừ sâu ngoài đồng nhiều lắm.
Cũng chính từ việc thu gom bảo vệ môi trường mà chúng tôi hình thành nguồn quỹ của Chi hội từ đây. Và CLB thu gom phế liệu được hình thành. Ban đầu chỉ có 10 – 15 hội viên tham gia thì nay đã lên đến 60 hội viên tham gia. Việc của chúng tôi là thu gom vỏ các loại bao bì, chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Sau khi thu gom, rác thải được chị em tập kết tại bể chứa để xử lý tại chỗ. Nhờ đó, tình hình ô nhiễm trên cánh đồng ở địa bàn đã giảm hẳn. Trước nhìn xuống dòng kênh trắng xóa vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Rất mất vệ sinh và khó tiêu hủy ngoài môi trường.”
Không riêng chỉ có mô hình của CLB thu gom phế liệu thôn Thanh Bình của xã Thanh Luông huyện Điện Biên thu hút được đông đảo hội viên là chị em phụ nữ tham gia. Mà ngay tại phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ đã có 10 chi hội trực thuộc tham gia phân loại rác tại nguồn để gây quỹ.
Chị Bùi Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Thanh, chia sẻ: Đây là mô hình tự nguyện nhằm gây quỹ và giúp đỡ hội viên, nên các chị em rất tự giác. Sau nhiều năm hoạt động, các hội viên đã nhận thấy ý nghĩa của mô hình nên rất nhiệt tình tham gia. Vì vậy, rác thải trên các tuyến đường, khu dân cư được thu gom sạch sẽ, hạn chế tình trạng xả rác thải bừa bãi giúp xây dựng môi trường sống xanh, không rác thải nhựa. Đặc biệt, thông qua nguồn quỹ thu được từ việc bán phế liệu đã hỗ trợ, động viên các hội viên nghèo vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Trong năm 2022, chúng tôi thu gom được 120 lượt phế liệu, số tiền thu được trên 31 triệu đồng, hỗ trợ cho 3 hội viên vay lãi suất 0 đồng để phát triển kinh tế gia đình. Và năm nay kế hoạch chúng tôi tiếp tục bằng các nguồn khác nhau, trong đó có nguồn từ việc bán phế liệu chúng tôi sẽ tiếp tục cho các chị em hội viên vay vốn để phát triển các mô hình nhỏ của gia đình..” – Chị Dung kể.
Qua những câu chuyện bảo vệ môi trường của chị em phụ nữ các huyện, các xã của tỉnh Điện Biên chúng tôi cảm nhận, họ yêu môi trường, bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể. Chị em phụ nữ đồng bào các DTTS có thể chưa biết hết tác hại của rác thải xả ra môi trường ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe tường tận… Nhưng, nhờ các làm của các Hội, chi hội phụ nữ các xã, các huyện mà họ đà hình thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, biết phân rác tại nguồn. Ấy là thành công của việc tuyên truyền mà các Hội, chi hội chọn để làm. Bên cạnh việc làm ý nghĩa ấy, còn có thêm nguồn quỹ để chị em thăm hỏi động viên, tổ chức các hoạt động. Đặc biệt, có nguồn để giúp đỡ nhau xây dựng các mô hình kinh tế gia đình từ tiền bán rác thải nhựa. Một việc làm hết sức ý nghĩa và nhân văn.