Phụ nữ Thái Bình giúp nhau phát triển kinh tế
(TN&MT) - Trong nhiều năm qua, tỉnh Thái Bình đã ưu tiên dành nguồn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ để quan tâm đến các gia đình phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có thể đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Quỹ Hỗ trợ phụ nữ tỉnh Thái Bình được thành lập trên cơ sở hoạt động của Quỹ quay vòng vốn cho cấp nước và vệ sinh hộ gia đình, thuộc dự án "Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng" vay vốn Ngân hàng thế giới. Trong 5 năm qua (2018 - 2023), Ban Quản lý Quỹ Hỗ trợ phụ nữ tỉnh Thái Bình đã tập trung chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ của 7 huyện và các xã thực hiện Quỹ triển khai các hoạt động đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Ngay thời gian đầu, Ban quản lý Quỹ chọn 4 xã: Minh Tân, Vũ Tây (huyện Kiến Xương) và Đông Phong, Bắc Hải (huyện Tiền Hải) làm điểm chỉ đạo thực hiện Quỹ, sau đó rút kinh nghiệm chỉ đạo, nhân rộng Quỹ ra các xã.
Vận động nữ doanh nhân ủng hộ giúp phụ nữ nghèo
Được biết, năm 2021, Ban Quản lý Quỹ Hỗ trợ phụ nữ tỉnh Thái Bình đã vận động được 5 nữ doanh nhân trong tỉnh ủng hộ 850 triệu đồng tạo nguồn vốn cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Với số tiền vốn nhận được, Ban Quản lý Quỹ đã xây dựng Hướng dẫn hoạt động vay vốn lãi suất 0%. Đồng thời, phân công cán bộ tiến hành khảo sát, làm hồ sơ giải ngân vốn đúng đối tượng. Mỗi thành viên được vay 5.000.000 đồng/năm với lãi suất 0% để chăn nuôi, buôn bán nhỏ, phát triển kinh tế tăng thu nhập cho gia đình và thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Từ tháng 7/2018 đến ngày 31/10/2023, Quỹ được triển khai tại 59 xã thuộc 7 huyện. Tổng doanh số cho vay của nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ và vốn Quỹ nhóm là 70 tỷ 360 triệu cho 5.741 lượt thành viên vay vốn đầu tư xây dựng/cải tạo công trình vệ sinh hộ gia đình, công trình nước sạch và phát triển kinh tế gia đình góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ nông thôn.
Mỗi tháng, sau khi các xã thu tiền gốc vốn vay của các thành viên nộp vào tài khoản ngân hàng Quỹ hỗ trợ phụ nữ tỉnh, Ban Quản lý Quỹ phân bổ vốn, lựa chọn xã cho vay vốn Quỹ theo đúng Quy chế quản lý, cho vay và sử dụng Quỹ.
Tính đến tháng 1 năm ngoái, Quỹ tỉnh đã thu hồi vốn vay của 170 thành viên được vay vốn từ tháng 1/2022, tiến hành khảo sát, triển khai giải ngân tại 9 xã mới thuộc 2 huyện Kiến Xương và Tiền Hải, với tổng số tiền là 850 triệu đồng, cho 170 thành viên là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế.
Sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, hiệu quả kinh tế cao
Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Ban Thường vụ Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; trong đó có hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi thông qua tín chấp của Hội Liên hiệp Phụ nữ với các ngân hàng. Qua đó, đã có trên 54.000 hội viên được tiếp cận nguồn vốn trên 3.000 tỷ đồng để phát triển kinh tế, xây công trình nước sạch, vệ sinh hộ gia đình…
Để công tác quản lý vốn vay có hiệu quả, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã có nhiều giải pháp cụ thể, trong đó, chú trọng việc khảo sát, đánh giá, phân loại, chọn đối tượng cho vay theo đúng quy định; quan tâm đến các hộ gia đình phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ đơn thân, phụ nữ làm chủ hộ. Các tổ vay vốn thường xuyên tổ chức sinh hoạt để các thành viên được trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sử dụng vốn vay.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ vay vốn và hộ gia đình vay vốn; kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện và hỗ trợ, hướng dẫn chị em sử dụng vốn đúng mục đích.
Đồng thời, Hội đã phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn chị em áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp để dạy nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, thành lập các cơ sở sản xuất, gia công sản phẩm mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp; động viên chị em mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Nhờ những giải pháp trên, đã có nhiều chị em sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như chị Nguyễn Thị Hường, hội viên phụ nữ thôn An Liêm, xã Thăng Long, huyện Đông Hưng. Nhận thấy nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em tại địa phương hiện nay ngày càng lớn, trẻ em cần một nơi vui chơi với đầy đủ các trò chơi và phụ huynh cũng mong muốn con mình được vui chơi lành mạnh, an toàn, chị đã bàn bạc với gia đình và sau khi khảo sát, hai vợ chồng chị đã mạnh dạn mở khu vui chơi cho trẻ em tại nhà, trên diện tích đất gần 700m².
Không riêng gia đình chị Nguyễn Thị Hường, nhiều hộ gia đình hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng đã phát huy được hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi; có những hộ gia đình hội viên phụ nữ đã vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi trên quy mô lớn.
Trong đó phải kể đến gia đình chị Đỗ Thị Tuyết, thôn Hệ, xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy hiện đang sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ tỉnh Thái Bình để đầu tư trang trại chăn nuôi thỏ với số lượng 100 con thỏ mẹ, mỗi năm xuất chuồng 4 lứa, cho thu nhập ổn định từ 120 triệu/năm trở lên.
Ngoài ra còn có hộ gia đình bà Nguyễn Thị Chĩn, thôn Duyên Nông, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà cũng đang là thành viên vay vốn của Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ tỉnh Thái Bình. Gia đình bà hiện đang sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư trang trại chăn nuôi lợn, tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình, hàng năm trừ chi phí mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng/năm.
Những nỗ lực của các cấp Hội Phụ nữ trong việc hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần đáng kể cho các hộ gia đình hội viên phụ nữ ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Từ đó, đời sống người dân được nâng cao và đóng góp trở lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.