Phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, chủ đầu tư Dự án Lạc Việt “cố đấm ăn xôi”?

13/04/2019 12:25

(TN&MT) - Phát hiện chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt (Dự án Lạc Việt) do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt làm chủ đầu...

(TN&MT) - Phát hiện chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt (Dự án Lạc Việt) do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt làm chủ đầu tư (nay chuyển sang DRH Holdings) có nhiều sai phạm trong việc san lấp mặt bằng dự án, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Văn bản yêu cầu dừng mọi hoạt động. Tuy nhiên, cho đến nay, hoạt động san lấp mặt bằng vẫn diễn ra nhộn nhịp, phải chăng DRH Holdings đã nhờn luật, phớt lờ chỉ đạo của chính quyền?
1
Tại công trường Dự án Lạc Việt , ống bơm, máy bơm vẫn còn được lắp đặt chằng chịt

Kê khai gian dối

Như Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin phản ánh, Dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt tọa lạc tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt làm chủ đầu tư, hiện Dự án Lạc Việt đã đổi chủ qua Công ty Cổ phần DRH Holdings (DRH Holdings) do quá trình sáp nhập mua bán công ty.

Dự án có diện tích đất quy hoạch để thực hiện khu du lịch là 720.184,3 m2. Theo thiết kế đầu tư xây dựng, dự án sẽ triển khai san lấp mặt bằng gồm 02 giai đoạn với tổng khối lượng cần san lấp ước tính khoảng 1.200.000m3 cát bồi nền. Để có nguồn cát san lấp mặt bằng, chủ đầu tư Dự án Lạc Việt kê khai đã mua cát của các doanh nghiệp theo các hợp đồng tại thị xã La Gi và tỉnh Đồng Tháp vận chuyển đến khu vực san lấp dự án thông qua 04 hợp đồng mua bán cát của 05 doanh nghiệp.

Trong đó, chủ đầu tư báo cáo nguồn cát chủ yếu lấy từ Công ty TNHH TM Tuấn Tâm (Công ty Tuấn Tâm) từ việc nạo vét và tận dụng cát nhiễm mặn tại cửa biển La Gi. Thế nhưng, qua làm việc với cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, Công ty Tuấn Tâm cho biết, tổng khối lượng cát đã nạo vét khoảng 6.500m3 và đã bán cho một doanh nghiệp khác hết 3.000m3, trong khi đó chủ đầu tư Dự án Lạc Việt báo cáo đã mua 10.000m3 cát từ Công  ty Tuấn Tâm để san lấp mặt bằng tại dự án Lạc Việt. Qua xác định ban đầu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận thì việc khai báo này là không đúng.

Thực tế, trong quá trình Dự án Lạc Việt được san lấp mặt bằng, cư dân sống xung quanh dự án này đã không ít lần phản ánh nghi vấn chủ đầu tư đã hút cát trực tiếp từ biển để thực hiện việc san lấp, khiến họ lo lắng về nguy cơ sạt lở bờ biển. Tuy nhiên, DRH Holdings đã phủ nhận việc này và cho rằng đã hợp đồng mua cát từ 05 doanh nghiệp khác.

Thế nhưng, qua việc khai báo gian dối về số lượng cát đã mua, dư luận đang đặt câu hỏi, ngoài số cát thực tế đã mua của Công ty Tuấn Tâm là 3.500m3, số cát còn lại 6.500m3 (như đã khai báo đã mua 10.000m3 từ Công ty Tuấn Tâm) DRH Holdings đã lấy từ đâu? Đây chỉ là con số nhỏ trong tổng số cát ước lượng để san lấp mặt bằng mà chủ đầu tư đã khai báo không trung thực, liệu để có đủ 1.200.000m3 cát bồi nền, ai dám chắc DRH Hodings lại không tiếp tục mập mờ về nguồn gốc?

2
Nguồn cát dùng để san lấp mặt bằng Dự án Lạc Việt còn mập mờ về nguồn gốc

Phương tiện hoạt động không phép

Vào ngày 25/10/2018, SởTN&MT tỉnh Bình Thuận phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra tại khu vực dự án đã ghi nhận dự án đã triển khai việc san lấp. Tại vùng biển tiếp giáp với dự án có 02 sà lan, 2 boong tàu đang neo đậu, có một số công nhân đang lắp đặt các đường ống và các máy bơm nối từ các sà lan vào khu vực dự án. Theo ý kiến của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, thì thời gian qua, đã tổ chức 02 đợt kiểm tra và đình chỉ hoạt động bơm hút cát từ sà lan lên dự án đối với các chủ phương tiện do chưa có Giấy phép thiết lập Bến thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền.

Cụ thể, trong đợt kiểm tra thứ nhất vào ngày 30/8/2018 Đồn Biên phòng Tân Thắng tái kiểm tra dự án và phát hiện đơn vị thầu phụ thi công là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Gia Cát đang hoạt động bơm cát từ sà lan lên công trường, nhưng đơn vị này không xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định, không có giấy phép rời cảng của phương tiện NĐ 3436, quy định tại điểm c khoản 1 điều 24 Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015, không có giấy phép mở bến thủy nội địa. Đồn Biên phòng Tân Thắng lập biên bản yêu cầu đơn vị thi công tạm ngưng hoạt động bơm cát từ sà lan lên công trường, bổ sung các hồ sơ còn thiếu.

Tiếp sau đó, ngày 10/10/2018, Đồn Biên phòng Tân Thắng đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc bơm cát tại dự án Lạc Việt và phát hiện Công ty Cổ phần Sửa chữa tàu biển và Công nghiệp hàng hải Vũng Tàu (đơn vị thi công) chưa có giấy phép mở bến thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại khoản 2, điều 8 Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2015. Qua đó, Đồn Biên phòng Tân Thắng tiến hành lập biên bản yêu cầu phía đơn vị thi công tạm ngưng hoạt động bơm cát lên công trường, đồng thời hướng dẫn đơn vị này bổ sung đầy đủ giấy tờ theo quy định để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, yêu cầu công ty này không được neo đậu sà lan trong khu vực nói trên.

Đáng nói, Báo cáo đánh giá tác động của dự án đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt tại Quyết định số 2377/QĐ-UBND ngày 12/9/2018 chưa có nội dung đối với việc thành lập Bến thủy nội địa tạm thời cho các phương tiện cập bến phục vụ việc bơm cát thi công san lấp mặt bằng dự án.

3
Tàu thuyền vẫn neo động để bơm cát vào san lấp mặt bằng bất chấp chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận

Phớt lờ lệnh cấm

Theo SởTN&MT tỉnh Bình Thuận, việc chủ đầu tư Dự án Lạc Việt ký hợp đồng với các doanh nghiệp khác để cung cấp nguồn cát phục vụ san lấp dự án, theo đó các đơn vị đã tự ý tập kết tàu, sà lan, lắp đặt các đường ống, máy bơm nối từ các sà lan neo đậu ngoài biển dẫn vào khu vực dự án để phục vụ cho việc chuyển tải cát từ sà lan vào san lấp mặt bằng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động Bến nội địa tạm thời là sai quy định.

Do đó, SởTN&MT đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận có Văn bản chỉ đạo chủ đầu tư Dự án Lạc Việt không được sử dụng nguồn cát do các doanh nghiệp khác cung cấp chuyển tải theo đường biển để san lấp mặt bằng dự án, vì chưa có giấy phép và hồ sơ môi trường cho phép hoạt động Bến nội địa tạm thời do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Và việc sử dụng nguồn cát này chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư đã có giấy phép và hồ sơ môi trường, đồng thời nguồn gốc cát để san lấp mặt bằng dự án phải hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Ngày 21/12/2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 4529/UBND-KGVXNV yêu cầu chủ đầu tư Dự án Lạc Việt dừng ngay việc chuyển tải cát theo đường biển để san lấp mặt bằng dự án; khẩn trương tháo dở toàn bộ thiết bị máy bơm, ống bơm và các thiết bị khác có liên quan phục vụ cho việc bơm hút cát từ các phương tiện neo đậu ngoài biển vào khu vực dự án trước ngày 21/12/2018; chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong hoạt động mua bán cát san lấp mặt bằng…

Thế nhưng cho tới thời điểm này, tại công trường Dự án Lạc Việt, ống bơm, máy bơm vẫn hoạt động nhộn nhịp, tàu thuyền vẫn neo động để bơm hút cát vào san lấp mặt bằng. Phải chăng DRH Holdings đã “nhờn” luật, phớt lờ chỉ đạo của chính quyền địa phương?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phớt lờ chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, chủ đầu tư Dự án Lạc Việt “cố đấm ăn xôi”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO