Xã hội

Phóng viên nơi biên giới - Cầu nối thông tin tới đồng bào

Thanh Tâm 02/07/2023 - 10:51

Những người phóng viên ở Đài Truyền thanh Mường Lát (nay là Trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) đã vượt qua những cung đường gian nan cả trong quá trình tác nghiệp, cũng như thiếu thốn cơ sở vật chất để sống với nghề. Họ là những người đã dùng ngòi bút thấm đẫm cả mồ hôi và nước mắt để truyền tải thông tin tới những bản làng xa xôi biên giới của Tổ quốc.

Gian nan người phóng viên nơi biên giới

Trong những chuyến công tác miền núi, chúng tôi có dịp được gặp những người đồng nghiệp để nghe họ chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp, những khó khăn đã trải qua sau nhiều năm gắn bó với nghề. Như Phóng viên Bùi Văn Tố, Phóng viên Tuấn Bình thuộc Trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch huyện Mường Lát.

Mường Lát là huyện miền núi còn nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giao thông đi lại cách trở, trình độ dân trí không đồng đều. Đặc biệt, ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt...

Bản thân là những người làm công tác tuyên truyền ở một huyện miền núi, giao thông đi lại khó khăn, thường hay tác nghiệp ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, thậm chí là khu vực nguy hiểm đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

Tuy nhiên, bằng lòng yêu nghề những người phóng viên như anh Tố, anh Bình không quản ngại gian nan, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, để đưa những hình ảnh chân thực, thông tin thật gần gũi đến với bà con nhân dân trong huyện.

a1.jpg
Phóng viên Tuấn Bình trong một lần cùng với nhóm phóng viên tác nghiệp trước thềm bầu cử.

Muốn có thông tin từ cơ sở, các phóng viên đài huyện phải băng rừng, leo núi, lội suối mới vào được các bản. Khi đi tác nghiệp tại cơ sở chỉ một mình, vừa hì hục vác máy quay, cầm micro theo sát đoàn công tác để quay phim, phỏng vấn, vừa phải tập trung cao độ nắm bắt, thu thập thông tin tư liệụ cần thiết cho hoạt động nghiệp vụ. Đó là chưa kể đến những chuyến đi về các bản của đồng bào Mông cách trung tâm huyện gần trăm cây số, phải vác máy đi bộ, trèo đèo lội suối hàng chục cây số.

Những chuyến công tác dài ngày tại vùng sâu, vùng xa, biên giới cùng đủ thứ đồ nghề tác nghiệp mang theo và chỉ có thể rong ruổi trên những chiếc xe máy cơ động đã trở thành một phần trong công việc của các phóng viên miền núi. Họ phải tự trang bị cho bản thân nhiều kỹ năng, nghiệp vụ để thích ứng với điều kiện tác nghiệp khắc nghiệt ở vùng cao, cũng như đáp ứng yêu cầu của báo chí hiện đại.

Có những đợt rét đậm, rét hại, để phản ánh những thiệt hại do băng tuyết và giá rét gây ra, các phóng viên đã không quản ngại đến tận các thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa đưa tin. Hay những ngày mưa lũ phóng viên phải gồng mình đối diện hiểm nguy, dầm mình trong mưa, vượt qua những đoạn đường trơn dốc, suối lũ dữ dằn để tác nghiệp được những hình ảnh chân thực nhất, song vẫn đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho bản thân.

a2.jpg
Anh Bùi Văn Tố đã có 21 năm gắn bó với Đài Truyền thanh Mường Lát.

Ngoài nhiệm vụ bảo đảm thời lượng tiếp phát sóng các chương trình của Đài Quốc gia, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh huyện đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình tự sản xuất với những chủ đề cụ thể và thiết thực. Trong đó, tập trung phản ánh những vấn đề gần gũi, thiết thực với đời sống của người dân.

Không như phóng viên thuộc các cơ quan báo chí cấp Trung ương và địa phương với nhiều điều kiện thuận lợi hơn về mặt tác nghiệp, cơ sở vật chất đầy đủ. Các phóng viên đài truyền hình, truyền thanh cấp huyện hoạt động trong điều kiện khó khăn, vất vả do địa bàn rộng, nguồn nhân lực mỏng, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, song họ vẫn tâm huyết với nghề. Phần lớn các anh, chị đều có thâm niên với nghề, nên việc đam mê và gắn bó đến thời điểm này là cả một câu chuyện dài.

Mặc dù công việc của Phóng viên Đài truyền thanh huyện chẳng khác gì những cơ quan báo chí khác thế nhưng đài huyện vẫn chưa được công nhận là cơ quan báo chí mà chỉ là cơ quan tuyên truyền do UBND huyện quản lý. Tuy công sức của những phóng viên đài huyện bỏ ra khá nhiều, song chế độ nhuận bút không có, thẻ Nhà báo cũng không,…khiến những người đồng nghiệp cũng còn nhiều tâm tư.

Trong câu chuyện những người đồng nghiệp chia sẻ, tôi càng thấm những khó khăn, gian khổ của nghề báo, của những người viết báo. Có lẽ, thứ để họ sống và giữ được đam mê với nghề là tâm huyết của cả một đời tuổi trẻ, là hoài bão ấp ủ dùng ngòi bút để đến gần với đồng bào.

Vượt qua thử thách, đưa thông tin tới đồng bào

Anh Bùi Văn Tố, Phóng viên Trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch huyện Mường Lát là người đã công tác ở đây 21 năm. Thời điểm năm 2002 ra trường về công tác ở Đài phát thanh - truyền hình Mường Lát (nay là Trung tâm văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch) với cương vị là phóng viên. Anh thường xuyên đi vào các bản vùng sâu, vùng xa để lấy tin viết bài đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Mỗi lần đi vào các bản Anh Tố thường ngủ trọ lại nhà trưởng bản, vì chưa có đường bê tông, chỉ có đường mòn men theo sườn núi nên rất nguy hiểm cộng thêm với việc phải mang theo máy móc cồng kềnh phục vụ quá trình tác nghiệp. Anh lo nhất là hỏng máy hơn người bị thương.

Anh kể: Tuyến đường gian nan nhất phải kể đến vào đỉnh Sài Khao, thuộc xã Mường Lý. Thời điểm ấy không có đường, chỉ là một lối mòn của đoàn quân Tây Tiến năm xưa, một bên là vực sâu thăm thẳm nhìn đã xuống đã choáng. Tôi cứ một mình một xe phía sau đeo thêm máy quay phim, lần dò từng đoạn một, nhiều đoạn xe máy bốc khói rồi ngã sõng xoài. Rồi một lần cũng đi vào xã Mường Lý bị đá rơi trúng đầu, cũng may mắn không bị thương nặng.

Bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (nay là khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát) trước đây chưa có cầu treo bắc qua. Mỗi lần cần lấy thông tin, tôi nhờ người dân chèo bè luồng, chở người và máy qua sông. Thuyền thì nhỏ, những hôm mưa lũ nguy hiểm lắm, qua sông rồi thót tim mới biết mình còn sống. Vì cả trung tâm chỉ có ba phóng viên, địa bàn lại rộng nên chúng tôi thường chia nhau tác nghiệp độc lập để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Vất vả nhất là trước mỗi kỳ đại hội Đảng bộ huyện Mường Lát cũng như của tỉnh hoặc trước các kỳ tuyển quân. Các phóng viên phải căng mình, làm việc hết công suất để tuyên truyền được các chủ trương, chính sách tới được với nhân dân trên địa bàn toàn huyện - Anh Tố chia sẻ.

Những năm trước, các bản người đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là 26 bản Mông người dân không biết viết hay nói tiếng Kinh, nên việc tiếp cận nguồn tin rất khó khăn, nếu trưởng bản biết tiếng Kinh còn đỡ. Nhiều nơi cả bản không ai biết nói tiếng Kinh, sóng điện thoại không có, Anh Tố gửi lại máy quay phim, quay xe trở về trung tâm xã chở cán bộ xã vào phiên dịch giúp.

a3.jpg
Mường Lát là huyện biên giới với nhiều bản làng xa xôi, địa hình hiểm trở.

Động lực để Anh Tố bám trụ được với nghề có lẽ chính là đam mê, nhiệt huyết với nghề. Cũng như các thầy cô là người gieo con chữ ở những bản làng xa xôi, những người phóng viên như Anh Tố và những người đồng nghiệp là cầu nối truyền tải những chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước đến với bà con dân tộc thiểu số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phóng viên nơi biên giới - Cầu nối thông tin tới đồng bào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO