Phòng, chống Covid-19 tại TP.HCM: Vào trận mới

Trí Thư| 08/07/2021 10:06

(TN&MT) - Kể từ sau đợt dịch Covid-19 thứ 2 diễn ra dữ dội tại TP.HCM và thành phố đã vượt qua đại dịch thành công bằng việc điều trị dứt điểm cho hầu hết bệnh nhân Covid-19, trong đó có bệnh nhân 91 người Anh với hội chứng bão cytokines, những ngày này, địa danh TP.HCM lại được nhắc đến rất nhiều trong cuộc chiến tiếp theo, cuộc chiến chống Covid-19 giai đoạn mới.

Nằm trong tâm dịch lần này, hiện dịch bệnh tại TP.HCM đang có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, với tốc độ lây lan chóng mặt; nhiều trường hợp F0 đã mất dấu từ lâu trong cộng đồng; công tác điều hành ở một số địa phương có biểu hiện lúng túng, loay hoay; mục tiêu kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát dịch chưa lộ diện.

Trước đó, đánh giá, tiên lượng sâu sát tình hình, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cho thành phố, đồng thời lập tức điều động Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vừa đảm nhiệm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Trung ương, vừa phối hợp trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM. Trong một chỉ đạo mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “TP.HCM phải có những giải pháp dứt khoát hơn, mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, hiệu lực hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh, quyết không để dây dưa kéo dài. Các lực lượng chống dịch của TP.HCM phải siết chặt đội ngũ, động viên người dân chấp nhận vất vả hơn, thiệt thòi hơn trong thời gian ngắn để sớm quay lại cuộc sống bình thường”.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 914/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện mục tiêu kép trên toàn quốc, trong đó chú trọng đến các giải pháp mới cho công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM. Cùng với công tác chỉ đạo phòng, chống dịch trên cả nước, Công điện nêu rõ: “UBND TP.HCM phải tăng cường chỉ đạo các biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát, triệt để hơn nhằm sớm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế các ổ dịch”.

Vẫn biết, TP.HCM đã và đang trải qua những ngày tháng khó khăn nhưng rất đồng sức, đồng lòng, thu được nhiều thành quả trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở đây đang có những diễn biến khó lường, không chỉ là dấu hiệu nguy cơ mà đã thực sự hình thành nguy cơ trong lòng thành phố và lây lan mạnh ra các tỉnh.

Lấy mẫu xét nghiệm công nhân ở khu công nghệ cao. Ảnh: MH

Vậy nên, thành phố đã nỗ lực rồi càng phải nỗ lực hơn. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nỗ lực không có nghĩa là nhắm mắt làm bừa. Bài học từ việc tập trung đông người tiêm phòng vắc-xin tại Nhà Thi đấu Phú Thọ cuối tháng 6 vừa qua, từ việc phát phiếu xét nghiệm thiếu khoa học tại chợ Bình Điền, từ việc quản lý lỏng lẻo đối tượng cách ly, phong tỏa, thiếu vai trò kiểm soát trong các khu công nghiệp, nhà trọ công nhân… còn đó. Chống gì thì chống phải làm cho hiệu quả, phải đảm bảo an toàn tính mạng, đảm bảo đời sống cho người dân - hai nhiệm vụ tiên quyết lúc này cần đặt lên hàng đầu, song song với thực hiện duy trì mục tiêu kép. Trên tinh thần ấy, cả nước đang chia sẻ với TP.HCM, mong chờ những giải pháp sáng hơn; vẫn trên mặt trận cũ nhưng phải bước vào trận chiến mới.

 Ngày 7/7, 4 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 quy mô 12.000 giường đi vào hoạt động, nằm trong kế hoạch ứng phó dịch bệnh Covid-19 với kịch bản 10.000 - 15.000 ca mắc trên địa bàn thành phố vừa kích hoạt. Bên cạnh 5.000 giường của các bệnh viện được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19, việc bổ sung thêm các bệnh viện dã chiến vừa đáp ứng yêu cầu thực tế vừa giảm tải cho các bệnh viện đã chuyển đổi công năng.

Cùng với đó, hàng trăm chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh thành phố cùng với hàng nghìn nhân viên y tế được điều động luân phiên lưu trú công tác tại 4 bệnh viện dã chiến này; đưa công cụ Dashboard trực quan hóa dữ liệu giường bệnh vào ứng dụng để các trung tâm y tế chủ động chọn bệnh viện phù hợp và nhanh chóng liên hệ Trung tâm Cấp cứu 115 để chuyển người bệnh F0 đến các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị.

Rồi đây, nếu phải thực hiện phong tỏa cách ly trên diện rộng, thì việc đảm bảo cung cấp hàng hóa cho toàn thành phố nói chung và các khu cách ly, phong tỏa ra sao? Điều trị thế nào? Kịch bản nào để chặn đứng lây lan Covid-19 trong bệnh viện, bảo vệ các khu xung yếu cũng như lực lượng xung yếu, lực lượng tuyến đầu, nhất là trong nỗi lo về một giai đoạn “rất nguy hiểm” do biến chủng theo cảnh báo của WHO… Tất cả đều đã vạch ra trong bản đồ chiến lược mới và phải đồng loạt kích hoạt.

Cả hệ thống chính trị đang dồn lực cho TP.HCM; cả hệ thống chính trị của TP.HCM cũng đang dồn sức. Những “pháo đài” chống dịch quan trọng, có tính quyết định đã sẵn sàng. Một mặt trận không tiếng súng nhưng vô cùng dữ dội, dẫu khó khăn hơn, nguy hiểm hơn nhưng không cho phép lùi bước, không có độ trễ và sai số. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, các Bộ, ngành ở Trung ương luôn sát cánh cùng TP.HCM trong cuộc chiến quan trọng này. Vậy nên, TP.HCM phải sẵn sàng vào trận mới, quyết tâm sẵn sàng vào trận mới.

Cùng với TP.HCM, trên mặt trận phòng, chống dịch toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Thực hiện nghiêm các giải pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tích cực. Đặc biệt lưu ý thực hiện các quy định về giãn cách, khoanh vùng; tránh tình trạng khoanh rộng bên ngoài, lỏng lẻo bên trong; phải tổ chức tốt việc cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế, giãn cách xã hội.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống Covid-19 tại TP.HCM: Vào trận mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO