Phối hợp liên tỉnh xử lý khai thác cát trái phép

Nguyễn Quỳnh| 09/06/2020 11:07

(TN&MT) - Trước tình trạng khai thác khoáng sản (chủ yếu là cát xây dựng) trái phép ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực giáp ranh, TP.HCM đã chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện nhiều biện pháp mạnh để xử lý các đối tượng vi phạm.

Điểm “nóng” Cần Giờ

Những năm gần đây, do tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là cát san lấp, trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng gia tăng dẫn tới tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp.

Trong năm 2019, tại khu vực Cần Giờ, chỉ tính riêng Bộ đội biên phòng TP.HCM đã trực tiếp phát hiện và bắt giữ 28 vụ, 35 phương tiện khai thác, vận chuyển  cái trái phép, xử lý vi phạm hành chính 580  triệu động, tịch thu 5.900 m3 cát. Mới nhất, ngày 8/2/2020 và ngày 11/3/2020, lực lượng biên phòng đã bắt giữ 2 vụ khai thác cát trái phép, tịch thu 4 phương tiện và 600 m3 cát…

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: Các đối tượng khai thác cát trái phép thường hoạt động tại những khu vực giáp ranh với vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu (Cồn Tây Sương) và Tiền Giang (Cồn Ngựa). Những đối tượng này thường lợi dụng  đêm tối, thời tiết xấu để qua biển Cần Giờ khai thác cát, có bố trí lực lượng cảnh giới, khi gặp lực lượng tuần tra hầu như không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát mà nhanh chóng chạy qua địa bàn giáp ranh và thông báo cho các phương tiện xung quanh bỏ chạy.

Cũng theo ông Dũng, các đối tượng liều lĩnh tổ chức khai thác có quy mô, thường diễn ra vào ban đêm, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Tình trạng khai thác cát trái phép tại vùng biển Cần Giờ không chỉ gây mất trật tự an ninh tại địa phương, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn gây ô nhiễm môi trường, gây sạt lở…

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Công tác xử phát hiện, xử lý khai thác cát trái phép gặp khó khăn vì theo quy định pháp lý, tịch thu tang vật đối với hành vi khai thác cát trái phép phải từ 50 m3 trở lên nên khi bị phát hiện các đối tượng thường điều khiển phương tiện bỏ chạy, xả cát xuống biển nhằm tẩu tám để tránh bị tịch thu tang vật.

Bộ đội Biên phòng TP.HCM bắt giữ một xà lan khai thác cát trái phép tại vùng biển Cần Giờ. Ảnh: Nguyễn Đức Thắng

Tăng cường phối hợp liên tỉnh

Tại cuộc họp bàn về công tác phòng chống khai thác cát trái phép mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: TP.HCM luôn nghiêm túc trong thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Tuy vậy, công tác đấu tranh với hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn thành phố nói chung, trên vùng biển Cần Giờ nói riêng vẫn còn rất nhiều khó khăn, cần có sự chung tay phối hợp chỉ đạo của các địa phương giáp ranh.

Vì vậy, từ tháng 6/2019, UBND TP.HCM đã cùng UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Long An đã thống nhất phối hợp thực hiện “Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh”.

Điểm nổi bật của Đề án này là khi phát hiện phương tiện khai thác trái phép chạy sang địa phương khác, cơ quan chức năng vừa truy đuổi, vừa tiếp tục thông tin với tỉnh bạn để cùng phối hợp truy đuổi đối tượng đến cùng. Nếu trong quá trình bắt được đối tượng, lập biên bản và chờ cơ quan quản lý của địa phương cùng phối hợp lập biên bản, sau đó, chuyển hồ sơ vi phạm trên địa bàn nào thì sẽ giao cho địa bàn đó xử lý.

Ngoài ra, với chức năng, nhiệm vụ được giao, là lực lượng chủ trì ở khu vực biên giới, trên biển, trong tháng 11/2019, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.HCM, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu ký kết Quy chế phối hợp đấu tranh phòng chống khai thác, vận chuyển cát trái phép vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh TP.HCM.

Ngày 16/3/2020, để tiếp tục nâng cao hiệu lực xử lý các vi phạm liên quan đến khai thác cát trái phép, UBND TP.HCM đã có Văn bản chỉ đạo Sở Tư pháp sẽ tiếp tục góp ý trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc sửa đổi, bổ sung này theo hướng mở rộng các lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính, trong đó có lĩnh vực khai thác khoáng sản.

Sở TN&MT được giao nhiệm vụ góp ý kiến trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Ngoài ra, UBND TP.HCM giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Công an Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, các quận, huyện tổng hợp, đề xuất việc mua sắm trang thiết bị, kịp thời phục vụ cho việc thực hiện đề án, gửi Sở Tài chính thẩm định, đề xuất. UBND thành phố cũng giao Sở Giao thông Vận tải tích cực thực hiện việc xây dựng khu neo đậu, tạm giữ phương tiện, hoàn thành trước tháng 6/2020.

Theo UBND TP.HCM, tổng số vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép giai đoạn 2017 - 2018 tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2015 - 2016. Cụ thể, năm 2015, các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý 12 trường hợp vận chuyển và khai thác cát trái phép, tổng số tiền xử phạt hành chính 285 triệu đồng; năm 2016 phát hiện 26 vụ, xử phạt 1,35 tỷ đồng; năm 2017 phát hiện 48 vụ, xử phạt 1,48 tỷ đồng; năm 2018 phát hiện 65 vụ, xử phạt 2,47 tỷ đồng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phối hợp liên tỉnh xử lý khai thác cát trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO