Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đặt niềm tin vào đội ngũ nữ trí thức Việt Nam khi phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nữ trí thức Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra sáng 26/11.
Đại hội diễn ra kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của hơn 300 đại biểu tại Hà Nội và các đại biểu trực tuyến tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Thái Nguyên...
Tham dự đại hội có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch danh dự của Hội Nữ trí thức Việt Nam...Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng đại hội.
* Tri thức là khởi nguồn của văn hóa
Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gắn Đại hội này với Đại hội Văn hóa toàn quốc vừa diễn ra ngày 24/11. Bởi nói đến văn hóa là nói đến trí thức và khoa học. Văn hóa là những sáng tạo của con người, văn hóa sẽ không thể bền vững nếu không có tri thức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội |
Đánh giá cao vai trò của nữ trí thức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn số liệu, phụ nữ chiếm 64% nhân lực ngành giáo dục, 58% lực lượng khoa học xã hội và nhân văn, 55% lực lượng y bác sĩ, khoa học sức khỏe. “Thử hỏi, ở một đất nước, còn lĩnh vực nào quan trọng hơn 3 lĩnh vực này? Thứ nhất là lo cho sức khỏe - cái quý nhất của con người, tiếp đến là sự hiểu biết trí tuệ, tương lai và nền tảng của mọi thứ trong xã hội là khoa học xã hội và nhân văn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Hội Nữ trí thức Việt Nam đã đóng góp tích cực vào khoa học, có nhiều chị là tấm gương, nhà khoa học có tên tuổi, có nhiều giải thưởng danh giá, có chị được tôn vinh là anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, các chị đã nói nhiều về tư vấn, phản biện chính sách của nữ trí thức.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng hoa chúc mừng Đại hội |
Phó Thủ tướng chia sẻ kỷ niệm trò chuyện GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam khóa I, II về khái niệm "người trí thức". Thuật ngữ này ngoài nghĩa là người được đào tạo còn mang hàm nghĩa người luôn quan tâm đến xã hội, đòi công bằng cho xã hội. Ở Việt Nam, khái niệm này được bổ sung thêm nhiều nhưng ý nghĩa ban đầu vẫn còn nguyên vẹn.
“Tôi tin, các chị không chỉ là tấm gương về sự phấn đấu vươn lên, làm chủ tri thức, mà còn thật sự là những người đi đầu lan tỏa giá trị tốt đẹp trong xã hội để xã hội công bằng hơn, đất nước phát triển nhanh, bền vững", Phó Thủ tướng nói.
* Xây dựng hình mẫu nữ trí thức thời đại mới
Phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nữ trí thức Việt Nam lần thứ III (nhiệm kỳ 2021-2026), Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga ghi nhận những đóng góp tích cực của Hội Nữ trí thức Việt Nam đã phát huy vai trò tập hợp, kết nối, thấu hiểu, chia sẻ, động viên nữ trí thức trong và ngoài nước phát huy tiềm năng, trí tuệ, cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Trong giai đoạn 2021-2026, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, Hội Nữ trí thức Việt Nam cần cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, có các hoạt động thiết thực để mở rộng, quan tâm thu hút ngày càng đông đảo nữ trí thức tham gia vào hoạt động Hội.Hội Nữ trí thức phải thực sự là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với lực lượng nữ trí thức, thể hiện vai trò nòng cốt phát huy trí tuệ, tâm huyết và khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng vươn lên của đội ngũ trí thức cống hiến cho sự nghiệp bình đẳng giới và phát triển đất nước.
Hội Nữ trí thức Việt Nam cần coi trọng công tác vận động, tuyên truyền, xây dựng hình mẫu "Nữ trí thức thời đại mới" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.Đặc biệt, nữ trí thức cần đi đầu, tiên phong trở thành những "công dân số", hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các lực lượng phụ nữ.
Ngoài ra, Hội Nữ trí thức cần tiếp tục vận động thực hiện bình đẳng giới, nghiên cứu khoa học, đề xuất chính sách, bảo vệ phụ nữ và trẻ em và các chính sách, pháp luật khác phục vụ sự phát triển của đất nước.
* Ngôi nhà của nữ trí thức Việt Nam
Theo báo cáo của Hội Nữ trí thức Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2020, 10 năm qua, đặc biệt là từ năm 2016 trở lại đây, nhờ kiện toàn bộ máy theo hướng tích cực và hiệu quả, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội - GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu và Chủ tịch danh dự, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Hội Nữ trí thức Việt Nam (NTTVN) đã phát triển nhanh và bền vững, đạt nhiều thành tựu rất đáng tự hào.
Tính đến hết tháng 1/2021, Hội đã có hơn 4.000 hội viên (tăng hơn 2.000 hội viên so với đầu nhiệm kỳ), có một số hội viên mạng lưới đang định cư, làm việc ở nước ngoài.
Với lực lượng hội viên mạnh, có nhiều nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và các nền kinh tế nên công tác tư vấn, phản biện xã hội của Hội trong nhiệm kỳ II đã đóng góp hiệu quả trong quá trình xây dựng các chính sách về giáo dục, khoa học công nghệ và bình đẳng giới.
Hội cũng đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao vai trò của Nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: Tổ chức thành công 2 Hội nghị Nữ Khoa học toàn quốc lần thứ I (2019), lần thứ II (2020) và chủ trì nhiều hội thảo khoa học chuyên đề. 2 Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc đã giới thiệu, quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) của nữ trí thức Việt Nam (93 công trình khoa học và 56 báo cáo khoa học) thu hút sự quan tâm của xã hội đồng thời tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, truyền cảm hứng sáng tạo tới đông đảo các hội viên và cộng đồng khoa học. Các Hội thảo chuyên đề đã hỗ trợ, chia sẻ kết quả nghiên cứu, cập nhật các thông tin khoa học công nghệ (KHCN) mới cho hội viên.
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng Đại hội bức tranh gạo – biểu trưng chính thức của Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII mang chủ đề “Phụ nữ Việt Nam khát vọng vươn xa” |
Hội đã chủ quản và chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu, dự án chuyển giao công nghệ. Từ các dự án và đề tài, Hội đã xây dựng được Sàn giao dịch trực tiếp, trực tuyến về công nghệ/sản phẩm KHCN, giới thiệu hơn 200 sản phẩm, hỗ trợ chuyển giao 6 công nghệ/sản phẩm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các hoạt động hợp tác quốc tế được quan tâm, mở rộng và đẩy mạnh bao gồm cả hợp tác đa phương và song phương với nhiều đối tác là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có yếu tố nước ngoài. Hội tiếp tục tham gia tích cực với tư cách là thành viên chính thức của Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (INWES-APNN).
Là tổ chức thành viên của Hội LHPN Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam luôn tích cực, chủ động hưởng ứng và cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN Việt Nam trong hoạt động thường xuyên của Hội, được Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.
GS.TS Lê Thị Hợp được bầu làm Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam
Đại hội đại biểu Hội Nữ trí thức Việt Nam lần thứ III, đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ 2021 – 2026 gồm 60 người. GS.TS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia được bầu làm Chủ tịch. Đại hội cũng bầu ra 7 Phó Chủ tịch Hội. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan tiếp tục được mời làm Chủ tịch danh dự của Hội.
Trong nhiệm kỳ tới (2021-2026), Hội Nữ trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục tập hợp đoàn kết nữ trí thức, phát huy sức mạnh trí tuệ của phụ nữ Việt Nam trong và ngoài nước, khơi dậy khát vọng cống hiến của nữ trí thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng, trong đó nhấn mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, Hội Nữ trí thức Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác với các hội, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước… và mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia tích cực các hoạt động của Mạng lưới các nhà khoa học nữ trên thế giới để hội nhập, nâng cao vị thế nữ trí thức Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga chụp hình cùng Ban chấp hành Hội Nữ trí thức Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
Tiếp tục tinh thần "Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Hội Nữ trí thức Việt Nam sẽ luôn tập hợp đội ngũ nữ trí thức, là địa chỉ tin cậy để chị em phát huy vị thế, vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.