Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, đến ngày 26/6 thiệt hại do mưa lũ gây ra tại địa phương rất nghiêm trọng. Hiện toàn tỉnh có 31 người bị chết, bị thương và mất tích, 244 ngôi nhà bị hư hỏng, trên 600 héc ta hoa mầu bị ngập úng, vùi lấp hoặc cuốn trôi, hơn 5.000 gia cầm, gia súc bị lũ cuốn, 68 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt và 45 trạm biến áp bị ảnh hưởng, gây mất điện tại 10 xã. Hệ thống giao thông bị hư hỏng nặng, gây ách tắc nghiêm trọng, tổng khối lượng đất, đá sạt lở trên các tuyến giao thông trên 800.000 m3. Uớc tổng giá trị thiệt hại về tài sản, cây trồng, vật nuôi, cơ sở hạ tầng trên toàn tỉnh lên đến 270 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu và huyện Tam Đường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và nhân dân các dân tộc địa phương. Đồng thời, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị chết và mất tích.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay mới là đầu mùa mưa lũ, thời gian tới, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các cấp của Lai Châu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Các ngành chức năng cùng với địa phương tập trung triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải khẩn trương hoàn thành việc điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét các vùng miền núi, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc, lập bản đồ cảnh báo thiên tai làm cơ sở cho việc rà soát quy hoạch bố trí, sắp xếp lại dân cư, hạn chế thiệt hại do thiên tai.
Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu địa phương tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích. Di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng.