Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư Đắk Lắk 2019

10/03/2019 21:54

(TN&MT) - Ngày 10/3, tại tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk 2019.

Tham dự còn có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị. 

XTTM8
Phó Thủ tướng thường trực chính phủ Trương Hòa Bình dự và chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk 2019

Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, các vị khách quốc tế; lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh bạn; các doanh nghiệp…

Nằm ở khu vực trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên hơn 13.000 km2, trong đó gần 40% là đất bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa phù hợp với các loại cây công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo…  Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 Khu công nghiệp Phú Xuân (huyện Cư M’gar) với quy mô gần 340 ha, ưu tiên thu hút các dự án chế biến nông lâm, thực phẩm áp dụng công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường gắn với việc thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao ở địa phương.

Với mục tiêu tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư, mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức đầu tư, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế lớn, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường có các chính sách ưu đãi trong  thu hút đầu tư phát triển kinh tế của địa phương.

TTTHB
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị

Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển, đó là điều được nhận diện ngày càng rõ qua thực tiễn đổi mới và phát triển của tỉnh. Các kết quả kinh tế xã hội  đạt được minh chứng cho điều đó. Tuy nhiên cũng có một thực tế khác GDP của Đắk Lắk bình quân đầu người năm 2018 ở vùng thủ phủ cà phê chỉ đạt hơn 40 triệu đồng, thấp xa so với bình quân 58,5 triệu đồng của cả nước. Đây không thể là kết quả mong đợi và coi là đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển.

Tại hội nghị, qua những phát biểu đầy tâm huyết của một số “tư lệnh ngành” đã nêu bật tiềm năng, cơ hội và thách thức của tỉnh Đắk Lắk trong công tác xúc tiến đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo, tái cơ cấu nông nghiệp và chế biến nông lâm sản. Đặc biệt là các tham luận của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước một lần nữa khẳng định tiềm năng, thế mạnh và dự báo khả quan về sự phát triển của tỉnh Đắk Lắk trong bối cảnh hội nhập.

XTTM3
Lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương tham dự Hội nghị

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, thu hút đầu tư vào Đắk Lắk cần phải được xúc tiến trên các thế mạnh cơ bản như tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo công nghiệp chế biến, du lịch đẳng cấp cao.

PGS, TS Trần Đình Thiên đặc biệt ấn tượng với thế mạnh “đại ngàn” của vùng Tây Nguyên và cho rằng Đắk Lắk không thể tự khai thác được thế mạnh này để phát triển nông nghiệp, du lịch, mà cần thêm sự tháo gỡ về cơ chế, chính sách.

"Quan điểm phát triển của Buôn Ma Thuột không phải là vấn đề riêng của Đắk Lắk mà là vấn đề của quốc gia, của vùng cho nên phải có cơ chế chính sách nếu một mình Đắk Lắk là không thể xử lý được. Tôi cho rằng để phát triển các địa phương thì phần lớn là sự tháo gỡ ở Hà Nội chứ không phải ở các địa phương. Cho nên mong Trung ương quan tâm tháo gỡ thể chế để các địa phương có không gian chủ động phát triển hơn nữa”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hoan nghênh và đánh giá cao việc Đắk Lắk đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tổ chức Hội nghị quan trọng, rất có ý nghĩa và cho rằng, đây là cơ hội để cùng đánh giá thực trạng tình hình, nhận diện cơ hội và thách thức, chia sẻ tầm nhìn về chiến lược phát triển, các cơ chế chính sách, giải pháp cần thiết để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn tới.

TTXTTM12
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các Bộ, Ngành chứng kiến lễ ký kết chương trình hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk và các đối tác 

Theo Phó Thủ tướng, Đắk Lắk là tỉnh có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, diện tích đứng thứ 4 cả nước, với hơn 370 nghìn ha đất đỏ bazan phì nhiêu thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, cây dược liệu; là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nước với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng trong và ngoài nước.

Cùng với đó, tỉnh có một lực lượng lao động dồi dào, khoảng 1,1 triệu lao động; có cộng đồng các dân tộc giàu bản sắc văn hóa, với 47 dân tộc anh em và nguồn tài nguyên du lịch đa dạng (23 di tích lịch sử cách mạng, 2 di tích lịch sử văn hoá, 13 di tích kiến trúc nghệ thuật, 8 di tích khảo cổ, 71 di tích thắng cảnh, 25 danh lam thắng cảnh). Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khá đồng bộ, kết nối với các tỉnh vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung.

Trong phát triển kinh tế, Đắk Lắk cũng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Theo đó, vượt qua những khó khăn, hạn chế, từ năm 2014 đến nay, tỉnh thu hút được 294 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 25 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, những dự án đầu tư tập trung đúng định hướng vào phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo, hạ tầng đô thị và phát triển các cơ sở giáo dục, y tế. Tăng trưởng bình quân các năm gần đây của Đắk Lắk đạt khoảng 8,5-9%.

Tuy nhiên, câu hỏi được Phó Thủ tướng nêu ra với các đại biểu tại Hội nghị là: Đắk Lắk cần phải làm gì để thu hút đầu tư, hướng tới trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu vùng Tây Nguyên? Làm sao để có những giải pháp hấp dẫn thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực cho Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững.

TTXTTM10
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk 2019 chứng kiến tỉnh Đắk Lắk đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 14.330 tỷ đồng

“Mọi quý vị đại biểu đều biết, Đắk Lắk là thủ phủ của cà phê vùng Tây Nguyên, là trọng điểm cho phát triển cây công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn rất nhiều tiềm năng cho phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ,… Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế, hiện nay Đắk Lắk vẫn là một tỉnh khó khăn trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư,... Đặc biệt, Đắk Lắk cũng đang đứng trước thách thức rất lớn về biến đổi khí hậu, trong khi, nguồn lực cho phát triển lại rất hạn chế”, Phó Thủ tướng nêu thách thức.

Chỉ ra khó khăn, nhưng đồng thời, Phó Thủ tướng cũng gợi ý giải pháp cho Đắk Lắk. Theo đó, tỉnh cần tiếp tục đổi mới tư duy, cùng với một tầm nhìn mới và trên hết là khát vọng vươn lên phải được lan tỏa trong toàn thể Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, tạo luồng sinh khí mới, bứt phá, tạo xung lực thúc đẩy phát triển, dứt khoát không để tụt hậu so với cả nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đắk Lắk phải khẳng định lại mình, với tâm thế là một tỉnh lớn của cả nước, thủ phủ của cây cà phê nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, mà ở trên thế giới. Do đó, phải nỗ lực, vươn lên, với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn mức tăng trưởng của cả nước; nhưng phải đảm bảo bền vững, không quên vấn đề quan trọng đó là an sinh xã hội. Và để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, Đắk Lắk cần phải có một quy hoạch tổng thể có tầm nhìn xa, về các mặt kinh tế - xã hội, không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng, đất đai..., gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm quốc gia.

Với một số lĩnh vực thế mạnh, như cây cà phê, Phó Thủ tướng yêu cầu cần phát triển sản xuất cà phê - một báu vật thiên nhiên dành cho Đắk Lắk theo chuỗi giá trị, để cà phê Buôn Ma Thuột trở thành ngành hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, một sản phẩm mang tầm thế giới; cùng với đó, tập trung khai thác nguồn tài nguyên vô giá là năng lượng mặt trời để phát triển công nghiệp điện, nhưng kiên quyết không phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo trên đất rừng.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình như du lịch sinh thái, tâm linh, văn hóa, lịch sử, lễ hội, du lịch mạo hiểm để khai thác lợi thế; cải thiện môi trường đầu tư, tiết giảm các thủ tục, chi phí để thu hút đầu tư; tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường...; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng; tính toán căn cơ và bước đi thích hợp để ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, giữ biên giới hòa bình, hữu nghị…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không có một kế hoạch chiến lược nào thành công nếu thiếu đi khát vọng và nỗ lực hành động của lãnh đạo các cấp và doanh nghiệp. Chính vì vậy, Đắk Lắk cần rà soát lại định hướng, tầm nhìn, những chỉ đạo, công việc cụ thể, chính sách và hành động phát triển cần đồng bộ, tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2021, Đắk Lắk trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu của Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, tỉnh Đắk Lắk đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 14.330 tỷ đồng. Trao bản ghi nhớ cho 19 nhà đầu tư đăng ký 27 dự án, tổng vốn đầu tư dự kiến 57.289 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam đã kí kết dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch với tổng vốn dự kiến hơn 1.700 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư Đắk Lắk 2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO