Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm rõ những vấn đề Đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm

06/06/2019 16:57

(TN&MT) - Sáng 6/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã báo cáo giải trình thêm một số vấn đề nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, chất vấn

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời trước Quốc hội sáng 6/6. Ảnh: Quốc Khánh

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: từ ngày mùng 4 đến sáng 6/6, các Bộ trưởng Công an; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng, Giao thông vận tải đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Đồng thời, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và một số thành viên Chính phủ khác cũng tham gia giải trình trả lời. Các vị đại biểu Quốc hội đã gửi nhiều câu hỏi, phiếu chất vấn đến các thành viên Chính phủ và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước trong các phiên thảo luận tại Tổ và Hội trường.

Chính phủ và các thành viên của Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước. Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, ra sức phát huy những hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành nỗ lực cao nhất, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng và giải trình một số vấn đề mà nhiều vị đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước quan tâm chất vấn.

Về cập nhật tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2019. Trong bối cảnh tình hình thế giới khu vực đang diễn biến rất nhanh, phức tạp, xung đột thương mại tiếp diễn khó lường. Ở trong nước, dịch tả lợn Châu Phi lây lan diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực của 4 tháng đầu năm mà Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng tăng 2,74% thấp nhất trong 3 năm qua. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định. Đàn gia cầm tăng 7,1%. Sản lượng thủy sản tăng 6,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tháng 5 tăng 11,6 % cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua. Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6% thu  hút gần 7,3 triệu lượt khách quốc tế tăng 8,8%, tổng vốn FDI đăng ký mới và bổ sung đạt trên 9 tỷ đô la tăng 27,1% , vốn thực hiện đạt 7,3 tỷ đô la tăng 7,8%, xuất khẩu đạt trên 100 tỷ đôla, tăng 6,7%, có gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký mới tăng 3,2% về số doanh nghiệp 29,6% về vốn đăng ký và gần 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm, đời sống người dân được cải thiện, số hộ thiếu đói giảm 30,5%, đã triệt phá nhiều vụ án lớn về ma túy, đánh bạc trên mạng, công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, tình hình kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, còn nhiều vấn đề dư luận bức xúc, người dân quan tâm, như đạo đức ứng xử, xâm hại trẻ em, gian lận thi cử, tội phạm ma túy, giết người, đánh bạc...

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết: Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát, chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực, nỗ lực phấn đấu cao nhất cùng toàn Đảng toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 2019 theo kết luận của Trung ương và nghị quyết của Quốc hội.

Về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là các dự án lớn giải ngân chậm, yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, chấn chỉnh công tác đấu thầu, thực hiện nghiêm quy định về đấu thầu, mua sắm công qua mạng, đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng và thi công, nhanh thanh, quyết toán công trình, điều chỉnh kế hoạch vốn từ các bộ, ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm sang nơi thực sự có nhu cầu bổ sung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chính phủ đã trình dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bỏ bớt các khâu trung gian, loại bỏ cơ chế xin cho, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm. Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét và thông qua dự án Luật này. Sau khi dự án luật được thông qua, Chính phủ sẽ nghiêm túc tổ chức triển khai đưa các quy định của luật để sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, phát huy hiện quả các nguồn vốn quan trọng này đối với nền kinh tế, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện đột phá chiến lược, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo nghị quyết của Đảng.

cac dbqh ben hanh lang phien chat van 6 6
Các đại biểu Quốc hội bên hành lang Nhà Quốc hội sáng 6/6. Ảnh: Quốc Khánh

Về phát triển doanh nghiệp, hiện nay, cả nước có trên 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm, trong đó hơn 96% doanh nghiệp nhỏ và vừa, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể. Chúng ta có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế tham gia mạng xã hội và chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, năng lực hiệu quả của doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ quản trị, năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, khả năng liên kết và tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế, quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh còn bất cập, thủ tục hành chính tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng... còn khó khăn, chi phí vốn logistic, thủ tục hành chính còn cao, tỷ lệ doanh nghiệp bình quân còn thấp.

So sánh với một số nước, Việt Nam hiện nay đạt khoảng 140 người dân/doanh nghiệp trong khi đất nước Asean trung bình là 80 - 100 người dân/doanh nghiệp, các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU là 10 - 12 người dân/doanh nghiệp. Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp theo hướng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng như kinh tế thị trường, đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo. Tăng khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, vốn, đất đai, tài nguyên và nguồn nhân lực. Triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiên quyết loại trừ tiêu cực tham nhũng vặt gây cản trở khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Về khắc phục bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Chính phủ đã chỉ đạo tập trung thực hiện nhiều giải pháp triển khai nghị quyết Trung ương về đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó cần đổi mới phương pháp thi và đánh giá kết quả giáo dục đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2016 đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực, giảm nhiều áp lực cho học sinh và giảm chi phí xã hội.

Tuy nhiên, thực tế triển khai đã phát sinh tiêu cực và gian lận trong thi cử tại một số địa phương đúng như các vị đại biểu quốc hội đã nêu. Trong đó, kỳ thi năm 2018 vừa qua tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có trên 500 bài thi được nâng điểm. Ngay sau khi có thông tin về hiện tượng gian lận trong kỳ thi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm, nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm. Yêu cầu chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm theo quy định. Hiện nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ liên quan đến sai phạm thi cử và tiếp tục điều tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2019 vào thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan để chấn chỉnh các bất cập, tồn tại. Giám sát chặt chẽ các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm kỳ thi khách quan, nghiêm túc, công bằng.

Về vấn đề đạo đức xã hội, triển khai nghị quyết trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, Chính phủ và Thủ tướng chính phủ đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế chính sách, giải pháp chú trọng thông tin tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xây dựng nếp sống văn hóa tốt đẹp, văn minh trong gia đình, cộng đồng dân cư và toàn xã hội; tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên, thời gian gần đây ở một số địa phương còn xảy ra không ít vấn đề về đạo đức xã hội gây bất an, bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân, một bộ phận giới trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thiếu lành mạnh, độc hại; xuất hiện lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm... Không ít giá trị đạo đức truyền thống, lối sống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang có biểu hiện bị mai một.

Thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung xử lý, sớm khắc phục tình trạng bức xúc nêu trên, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng về đạo đức, lối sống, con người Việt Nam; khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng hình, có chế tài xử lý đủ sức răn đe, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, xử lý vi phạm; ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức, lối sống là nhiệm vụ rất quan trọng mang tính thường xuyên, lâu dài của các cấp, các ngành.

Về công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp. Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), ban hành chỉ thị của Thủ tướng để xử lý tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng đã điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng như các vụ AVG, Vũ Nhôm, thép Thái Nguyên... Tập trung thanh tra kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao. Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn hoặc dư luận xã hội quan tâm như Pvtex, Ethanol Phú Thọ, cảng Quy Nhơn, các dự án BOT, BT giao thông, khu dô thị mới Thủ Thiêm...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng là công việc thường xuyên, lâu dài của các cấp, các ngành và vẫn còn những tồn tại, hạn chế, các quy định pháp luật vẫn còn sơ hở, bất cập, tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt của một số cán bộ công chức chưa được ngăn chặn hiệu quả, công tác tự kiểm tra phát hiện vi phạm trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng còn thấp. Xác định rõ phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đề ra. Tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế, khẩn trương hoàn thiện thể chế pháp luật, tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục, phát huy vai trò của báo chí, chủ động cung cấp định hướng thông tin về phòng, chống tham nhũng.

Thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống tham nhũng vặt, tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm như là đầu tư công, đất đai, dự án BOT, BT, cổ phần hóa. Khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thua lỗ, thất thoát kéo dài dư luận xã hội quan tâm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ án thua lỗ, thu hồi triệt để tài sản thất thoát…

Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tiếp tục trả lời trực tiếp một số câu hỏi của các vị Đại biểu Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm rõ những vấn đề Đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO