Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Đảm bảo đủ vật liệu xây dựng, không lùi tiến độ cao tốc Bắc - Nam

Theo Chinhphu.vn | 14/09/2021 20:43

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, không chấp nhận lùi tiến độ đã cam kết; yêu cầu các địa phương hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 10/2021; các nhà thầu phải có giải pháp bù tiến độ đã chậm trên công trường, đồng thời, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh, thiết lập “công trường xanh” để đảm bảo thi công liên tục.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không chấp nhận lùi tiến độ đã cam kết - Ảnh VGP/Đức Tuân

Chiều nay (14/9), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Tham dự tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có đại diện các Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và 13 địa phương có dự án đi qua, các nhà thầu, đơn vị thi công.

Cuộc làm việc nhằm rà soát lại công việc đã triển khai kể từ cuộc kiểm tra thực địa, hội nghị trực tuyến đầu tiên của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về tình hình thực hiện dự án này vào tháng 6/2021.

Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, các nhà thầu, đơn vị thi công đã có nhiều nỗ lực và có những kết quả, chuyển biến tích cực trên công trường. Tuy nhiên các dự án vẫn còn vướng mắc, trong đó 2 vướng mắc chủ yếu là thiếu vật liệu đất đắp nền và tiến độ giải phóng mặt bằng. Đây cũng là 2 nội dung được bàn kỹ để tìm giải pháp tại hội nghị trực tuyến này.

Thiếu hụt khoảng 23 triệu m3 đất đắp

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư công  và 3 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP).

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, công tác GPMB các dự án thành phần được bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2019, đến nay đã cơ bản hoàn thành, bàn giao 642,4 km (đạt 98,4%). Hiện đã khởi công xây dựng 10/11 dự án thành phần, giá trị sản lượng hoàn thành trên 8.900 tỷ đồng (tương đương 25% tổng giá trị các hợp đồng); 1/11 dự án còn lại đang chuẩn bị khởi công (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dự kiến khởi công tháng 10/2021). Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện vẫn còn khoảng 10,5 km chưa bàn giao mặt bằng.

Hiện nay vướng mắc về thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vẫn chưa được tháo gỡ, dự án vẫn thiếu hụt khoảng 23 triệu m3 đất đắp.

Hội nghị tập trung thảo luận biện pháp tháo gỡ 2 vướng mắc chủ yếu hiện nay là thiếu vật liệu đất đắp nền và tiến độ giải phóng mặt bằng - Ảnh VGP/Đức Tuân

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 [GPM1]  để tháo gỡ, giảm bớt được thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc về thủ tục khi cấp phép khai thác đối với các mỏ cấp phép mới như: Cấp phép thăm dò; phê duyệt trữ lượng; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; thiết kế mỏ; cấp quyền khai thác; thuê đất… theo quy định của Luật Khoáng sản.

Đã nhiều lần trực tiếp đi kiểm tra về công tác cấp phép mỏ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, sau khi Nghị quyết 60 được Chính phủ ban hành, đến nay đã có 24 giấy phép được cấp mới, 8 giấy phép nâng công suất. Có 36 giấy phép thăm dò được cấp. Hiện nay, các địa phương đã quy hoạch 189 mỏ để cung cấp nguyên vật liệu.

13 địa phương mà dự án đi qua có các đặc điểm khác nhau, như Vĩnh Long và Tiền Giang không có mỏ đất sét đủ điều kiện để đắp nền đường, phải lấy từ địa phương khác. Đồng Nai, Bình Thuận có mỏ nhưng vị trí xa điểm thi công, làm tăng chi phí vận chuyển. Thanh Hóa, Nghệ An thì khẳng định không cần cấp mới mỏ, chỉ cần nâng công suất mỏ hiện thời là đủ đáp ứng nhu cầu. Với Ninh Bình, chỉ cần cấp mới thêm 1 mỏ là đáp ứng được cho xây dựng 3 đoạn cao tốc trên địa bàn.

Để đảm bảo nhu cầu vật liệu đất đắp nền đường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, cần tiếp tục nâng công suất khai thác các mỏ đất đắp theo nhu cầu của dự án thành phần trên địa bàn địa phương đảm bảo về môi trường, an toàn, vệ sinh lao động; không giới hạn về công suất nâng so với công suất ghi trong giấy phép khai thác.

Về giá vật liệu xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, hiện có xu hướng giảm so với tháng 6. Ông góp ý, đối với cao tốc là công trình trọng điểm quốc gia nên cho phép xây dựng trong bối cảnh dịch bệnh vì thi công theo tuyến, công trường xa khu dân cư.

Theo ông Dương Văn Mậu, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Vinaconex (đơn vị thi công một số gói thầu tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông), hiện nhà thầu đã huy động hàng trăm đầu thiết bị, hàng trăm cán bộ kỹ sư để phục vụ thi công các dự án. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vật liệu đất đắp nên hiện đang phải nằm chờ, dẫn điến thiệt hại rất lớn cho nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Vì vậy, nhà thầu kiến nghị các địa phương xem xét rút ngắn các thủ tục cấp phép cho các mỏ đất để sớm có vật liệu.

"Đề nghị các địa phương quan tâm đến việc nâng công suất khai thác cho các mỏ phục vụ riêng cho các dự án cao tốc, đặc biệt là các mỏ mới. Bởi đây mới là con số quyết định cho việc lấy được bao nhiêu đất đưa vào phục vụ thi công dự án chứ không phải là trữ lượng của mỏ", ông Dương Văn Mậu nhấn mạnh.

Tại hội nghị, ý kiến một số địa phương khẳng định quyết tâm hoàn thành sớm công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng; phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý dự án, nhà thầu để giải quyết ngay các vướng mắc.

Bảm đảm đủ vật liệu, không để lùi tiến độ

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhìn nhận, các địa phương đã nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc giao ban với các địa phương, nhà thầu cách đây hơn 2 tháng (vào ngày 30/6) và tới nay, đạt một số kết quả. Trước hết, công tác giải phóng mặt bằng có chuyển biến, mặc dù chưa hoàn thành do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Việc cấp mới, tăng thêm công suất các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ dự án đạt kết quả tốt. Các bộ, ngành, nhất là Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo sát sao, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tiến độ trên công trường.

Về tiến độ xây dựng, Phó Thủ tướng cho rằng, các nhà đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu đã duy trì tiến độ bình thường, không để ảnh hưởng về tiến độ thi công. Một số dự án tại các địa phương có giãn cách xã hội vẫn duy trì thi công trên cơ sở áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Có dự án xuất hiện ca F0 đã được xử lý kịp thời.

“Tôi đánh giá cao các nhà thầu, ban quản lý dự án, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích cực với tinh thần đây là công trình trọng điểm quốc gia, cho nên chúng ta không thể chậm tiến độ, phải có các giải pháp bù tiến độ đã chậm để đảm bảo tiến độ tổng thể theo cam kết”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, qua báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng chỉ ra một số nguy cơ gây chậm tiến độ dự án, đòi hỏi phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Thứ nhất là nguy cơ thiếu vật liệu xây dựng cho công trình. Thứ hai là diễn biến dịch bệnh phức tạp tại một số địa phương.

Phó Thủ tướng đề nghị xác định rõ trách nhiệm trong giải quyết thủ tục liên quan đến vật liệu xây dựng cho nhà thầu. Bản thân ban quản lý dự án, các nhà thầu cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này, “chứ không chỉ phản ánh là thiếu”. Bởi trong quá trình lập hồ sơ tham gia dự thầu thì nhà thầu đã cam kết với chủ đầu tư về các điều kiện bảo đảm tiến độ, chất lượng, trong đó có vấn đề vật liệu xây dựng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nhà thầu; có các quy định đảm bảo nhà thầu thực hiện đúng cam kết về tiến độ, đảm bảo vật liệu xây dựng, không để tái diễn tình trạng thiếu vật liệu xây dựng trong tương lai.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của địa phương trong vấn đề này bởi căn cứ hồ sơ mời thầu, các nhà thầu đã làm việc cụ thể với địa phương, khảo sát, đánh giá nguồn cung vật liệu trước khi lập hồ sơ dự thầu. Phó Thủ tướng lưu ý, phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề vật liệu xây dựng đối với các gói thầu sau này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường kiểm tra, phối hợp với địa phương trong công tác cấp phép khoáng sản vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án. Lãnh đạo các địa phương trên cơ sở tham mưu của các sở liên quan đến vật liệu xây dựng, từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tới Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải tạo điều kiện tối đa, rút ngắn được thời gian cấp phép.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi tăng công suất cho các mỏ, trên nguyên tắc phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về an toàn lao động, về môi trường, không được vượt trữ lượng đã phê duyệt.

Ghi nhận cam kết của các địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phấn đấu trong tháng 10, hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng.

Về tổ chức thi công trong bối cảnh dịch bệnh, Phó Thủ tướng yêu cầu ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng thi công trên công trường. Cần chú ý thiết lập “công trường xanh” để công trường vẫn tổ chức thi công bình thường tại địa bàn có dịch, bảo đảm giãn cách xã hội, thực hiện xét nghiệm hàng tuần.

Khẳng định tạo điều kiện tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến cao tốc, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, ban quản lý dự án, các nhà thầu lập đường găng tiến độ, bảo đảm không được lùi tiến độ, có giải pháp tăng ca, tăng thiết bị, nhân lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Đảm bảo đủ vật liệu xây dựng, không lùi tiến độ cao tốc Bắc - Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO