Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến: Đưa quản lý khai thác đất san lấp vào nền nếp

Xuân Vũ (thực hiện)| 01/06/2021 11:04

(TN&MT) - UBND tỉnh đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quản lý, chỉ đạo để điều hành và tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản. Do đó, công tác quản lý khoáng sản được thực hiện bài bản, chặt chẽ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

PV: Ông đánh giá tình hình công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên đất san lấp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua?

Phó Chủ tịch Lê Quang Tiến:

Trên cơ sở các quy định của Luật Khoáng sản và các Văn bản hướng dẫn thi hành; thực trạng công tác quản lý Nhà nước và tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quản lý, chỉ đạo để điều hành và tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản. Do đó, công tác quản lý khoáng sản được thực hiện bài bản, chặt chẽ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phó Chủ tịch Lê Quang Tiến

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã quy hoạch 83 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp, trên địa bàn các huyện: Phú Bình, Đồng Hỷ, Đại Từ, thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên với tổng diện tích trên 700 ha. UBND tỉnh đã tổ chức đấu giá, cấp phép hoạt động khoáng sản: Tổ chức đấu giá thành công 13 điểm mỏ đất làm vật liệu san lấp ở khu vực chưa thăm dò đánh giá trữ lượng. Cấp phép thăm dò và phê duyệt trữ lượng 17 điểm mỏ, với tổng trữ lượng đã được phê duyệt là trên 28 triệu m3. Đã cấp phép khai thác 11 điểm mỏ với tổng trữ lượng đã cấp khai thác trên 13 triệu m3, diện tích cấp phép 173,25 ha. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thu được từ việc cấp phép là 22,83 tỷ đồng.

PV: Tình trạng khai thác, vận chuyển đất san lấp trái phép dẫn đến hệ lụy như thế nào tại địa phương?

Phó Chủ tịch Lê Quang Tiến:

Mặc dù công tác quản lý khoáng sản được triển khai rất quyết liệt, song vẫn còn tình trạng khai thác, vận chuyển đất san lấp trái phép dẫn đến hệ lụy ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Những năm gần đây, hoạt động khai thác trái phép đất san lấp đã xảy ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh: Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên, TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công...

Hệ lụy của việc khai thác, vận chuyển đất san lấp trái phép làm thất thoát tài nguyên, khoáng sản, gây thất thu ngân sách Nhà nước; ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng môi trường sinh thái, phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, phá vỡ cảnh quan...

PV: Để tăng cường công tác quản lý đất san lấp, UBND tỉnh đã có biện pháp gì để chấn chỉnh lại hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép đất san lấp?

Phó Chủ tịch Lê Quang Tiến:

UBND tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh lại hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép đất san lấp, từng bước đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả. UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 14/1/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên...

Khai thác, vận chuyển đất san lấp trái phép làm thất thoát tài nguyên, khoáng sản, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

UBND tỉnh đã yêu cầu kiện toàn ngay Ban Chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh và Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh. Thành lập lực lượng thường trực, lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phụ trách địa bàn xã, đảm bảo việc tiếp nhận thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ để kịp thời xử lý hoặc phối hợp xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện; Yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với Sở Xây dựng chủ trì hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã lập quy hoạch, thăm dò và cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường và đất san lấp theo đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo UBND cấp huyện ký cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản dưới sự chứng kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời,  yêu cầu cấp huyện tổ chức ký cam kết với Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn về trách nhiệm quản lý khai thác đất san lấp; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ký cam kết với Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng xóm về quản lý khai thác đất san lấp.

UBND cấp huyện thực hiện nghiêm việc báo cáo Ban Chỉ đạo quản lý khoáng sản tỉnh; đồng thời đề xuất biện pháp xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Giấy phép hoạt động khoáng sản, các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khoáng sản. Thực hiện kiểm tra, kiểm soát, giải tỏa, xử lý theo thẩm quyền đối với các hoạt động khoáng sản, chế biến, mua bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Bằng các biện pháp quản lý chặt chẽ, quyết liệt, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản từng bước đi vào nền nếp, đúng quy định pháp luật.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến: Đưa quản lý khai thác đất san lấp vào nền nếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO