Từ nay đến ngày khai mạc không còn nhiều thời gian, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tiếp tục đổi mới quyết liệt, hiệu quả, chất lượng, tính lan tỏa được đặt lên hàng đầu; cẩn trọng, kỹ lưỡng, tuyệt đối tránh để xảy ra sai sót cũng như chủ động các tình huống, phương án hợp lý để sẵn sàng cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Cùng dự cuộc họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Về phía Chính phủ có: đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện Thanh Tra Chính phủ; đại diện các Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an…
Phát biểu chỉ đạo công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Tổng Thư ký Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các Phó Tổng Thư ký Quốc hội; các lãnh đạo cấp Vụ, cán bộ, chuyên viên các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội đã rất trách nhiệm, quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của UBTVQH để tham mưu chuẩn bị phục vụ nội dung; cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Chiều 14/10 vừa qua, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã họp thống nhất về cơ bản, toàn diện nội dung, công tác chuẩn bị đối với Kỳ họp thứ 4, và trách nhiệm của mỗi cơ quan. Từ nay đến ngày 20/10 khai mạc không còn nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị: tiếp tục đổi mới quyết liệt, hiệu quả, chất lượng, tính lan tỏa được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, cẩn trọng, kỹ lưỡng, tuyệt đối tránh để xảy ra sai sót. Ngoài ra, chủ động các tình huống, phương án hợp lý. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Kỳ họp này, khả năng điều chỉnh chương trình kỳ họp có thể linh hoạt trong quá trình điều hành từng phiên họp cụ thể, vậy nên tính chủ động cần đặc biệt chú trọng.
Đối với một số vấn đề cụ thể, về phối hợp chuẩn bị nội dung kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cần chủ động phối hợp tốt và ở mức cao nhất trong công tác lập pháp, Quốc hội xem xét thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết; 7 dự án Luật cho ý kiến.
Bên cạnh các nội dung như thông lệ (nghe báo cáo và thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách, chất vấn...), Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Phối hợp với các cơ quan khẩn trương xây dựng sớm dự thảo các Nghị quyết sẽ thông qua tới đây; trong đó, dự thảo trước khung Nghị quyết chung kỳ họp. Đồng thời, phối hợp rà soát, hoàn tất các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và tại hội trường, bảo đảm thuyết phục.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị cần hoàn thiện và sớm trình các văn bản phục vụ điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội (phát biểu khai mạc, chương trình phiên chất vấn, chương trình điều hành, báo cáo thông tin tổng hợp, phát biểu kết luận đối với từng nhóm vấn đề chất vấn). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng yêu cầu, kết thúc mỗi phiên chất vấn cần phải hoàn thiện luôn nội dung tương ứng của dự thảo Nghị quyết về chất vấn, sau đó, gửi xin ý kiến ĐBQH để tiếp thu, chỉnh lý.
Bên cạnh đó, Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm, bầu và phê chuẩn các chức danh: Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị công tác nhân sự được ưu tiên ngay từ đầu kỳ họp và cần cẩn trọng, chặt chẽ quy trình.
Về việc phối hợp các điều kiện bảo đảm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội chủ động 4 nhóm việc:
Thứ nhất, đề nghị rà soát, kiểm tra lại tất cả các công tác phục vụ ăn nghỉ của đại biểu, lễ tân, phương án đi lại, các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn kỳ họp, bảo đảm sẵn sàng, chu đáo. Trong đó, cần phối hợp Công an Hà Nội có kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn kỳ họp.
Thứ hai, các điều kiện kỹ thuật điện tử đã được trang bị đầy đủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần rà soát bảo đảm liên thông, kịp thời, chính xác việc đăng ký phát biểu + biểu quyết; tài liệu đăng app sớm, đầy đủ để ĐBQH có điều kiện nghiên cứu, nghiên cứu giảm thiểu, hạn chế in ấn tài liệu giấy, tránh mắc lỗi kỹ thuật, đường truyền, sự cố âm thanh, ánh sáng, trang trí ...
Thứ ba, phối hợp thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, chuyển đơn thư kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền, hạn chế các vụ khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp tập trung ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; các địa phương có điểm nóng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn kỳ họp.
Thứ tư, phối hợp Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý vẫn cần phải đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống dịch, tăng cường kiểm tra, rà soát, rút kinh nghiệm về cách xử lý sự cố (nếu có).
Về công tác thông tin, truyền thông, đưa tin về hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, VTV, VOV, TTXVN, các cơ quan báo chí, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Báo Đại biểu Nhân dân cần truyền thông chủ động trước, trong và sau Kỳ họp thứ 4, với tinh thần đổi mới, đa dạng, chiều sâu, điểm nhấn, tạo sức lan tỏa, cộng hưởng... Thông điệp mỗi kỳ họp cần rõ, nhất là hiệu ứng, phản ứng chính sách từ việc thực hiện những quyết đáp linh hoạt trước vướng mắc của thực tiễn cuộc sống để giải quyết các nhiệm vụ cấp bách.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần tiếp tục tăng cường phỏng vấn về những vấn đề đang được Quốc hội xem xét, bàn thảo; những điểm mới, tác động của các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết sẽ được thông qua, những vấn đề, nội dung đang thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri, Nhân dân cả nước… để thấy được hình ảnh của Quốc hội công khai, minh bạch, đổi mới, vì cử tri, vì Nhân dân.
Đặc biệt, những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cần được chuyển tải đầy đủ, đậm nét đến cử tri và Nhân dân cả nước như: thảo luận về kinh tế - xã hội, chất vấn; ý nghĩa của các luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua; sự nỗ lực, đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, Kỳ họp thứ 4 tiếp tục được rút ngắn thời gian họp, mặc dù khối lượng lớn nhưng vẫn cần bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Các hoạt động truyền thông bên lề nghị trường là đa dạng, sinh động, toàn diện, song cần có sự chọn lọc nhân tố mới, đề cao tính tiêu biểu, tự nhiên, nói lên tiếng lòng cử tri, Nhân dân.
Trước đó, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần báo cáo về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Cũng tại cuộc họp, đại diện Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng báo cáo về công tác chuẩn bị, đảm bảo các vấn đề phát sinh, đảm bảo an ninh, an toàn, cũng như công tác phòng, chống dịch, công tác thông tin và tuyên truyền để phục vụ cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Cho đến thời điểm hiện nay cơ bản đã hoàn tất và sẵn sàng cho Kỳ họp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp thứ 4 này sẽ áp dụng luôn các Luật, dự thảo Nghị quyết cần phải có biểu quyết một số điều trước khi biểu quyết toàn văn, Văn phòng Quốc hội sẽ gửi cho các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước 1 ngày, sau đó, đại biểu tham gia biểu quyết. Đồng thời công tác gỡ băng đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ hoặc tại hội trường làm sao cố gắng ngày càng chuyên nghiệp hơn, nhanh hơn.
Báo cáo thêm về công tác chuẩn bị kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà lưu ý một số vấn đề về nội dung và chuẩn bị tài liệu; về công tác hậu cần; về công tác thông tin, tuyên truyền.