Duy trì mục tiêu kép phòng, chống dịch COVID - 19 và phát triển KTXH
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020, tuy nhiên do đại dịch COVID - 19 bùng phát, gây ảnh hưởng nặng nề trên tất cả các lĩnh vực; trong đó tác động trực tiếp đến du lịch, thương mại vận tải, xuất nhập khẩu... Trước tình hình đó, tỉnh đã tập trung triển khai nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu kép là phòng, chống và kiểm soát dịch COVID - 19 vừa tập trung chỉ đạo phát triển KTXH.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế |
Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế đạt 0,38% so với cùng kỳ, chỉ đạt 43,56% kế hoạch; tổng thu ngân sách 3.826,2 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,93% so với cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 39,5% kế hoạch. Các dự án trọng điểm quốc gia tiếp tục được thi công và hoàn thiện. Công tác bồi thường và hỗ trợ cho các hộ dân thuộc đề án di dời dân cư, GPMB khu vực I Kinh thành Huế (giai đoạn 1) đã cơ bản hoàn thành.
“Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong các tháng cuối năm 2020 là sẽ tiếp tục phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 và tập trung các giải pháp hỗ trợ, ổn định sản xuất kinh doanh. Đôn đốc triển khai khởi công 1 dự án có trị giá từ 100 tỷ trở lên mỗi tháng; đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh tái đàn lợn; tiếp tục thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2020, tăng cường các biện pháp bảo vệ và chống cháy rừng”, ông Thọ cho hay.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành các Nghị quyết riêng cho Thừa Thiên Huế về: Mở rộng địa giới hành chính TP. Huế; Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; Thành lập thành phố Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2021, các chỉ tiêu, tiêu chuẩn khác Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành vào năm 2025; Có cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Cho phép tỉnh được sử dụng 100% phí tham quan nộp ngân sách nhà nước để trung tu, bảo tồn phát huy giá rị danh lam thắng cảnh, di tích và công trình trên địa bàn tỉnh...
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiểm tra một số dự án lớn tại Huế |
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thủy điện với tổng dung tích các hồ thủy lợi và thủy điện khoảng 2.000 triệu m3. Trong các năm qua, nhờ chủ động được nguồn nước từ các hồ chứa nước kết hợp các đập thuỷ lợi khu vực hạ du nên đã phát huy nhiệm vụ cắt lũ tiểu mãn, lũ sớm; giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương, sông Bồ; cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp; tạo nguồn nước tưới ổn định cho diện tích đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu các sông để đẩy mặn, cải thiện môi trường vùng đầm phá, phục vụ nuôi trồng thủy sản...
“Tỉnh đề nghị Quốc hội quan tâm hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương nâng cấp sửa chữa các đập ngăn mặn; đầu tư nâng cấp sửa chữa các đập, hồ chứa nước; đầu tư xây dựng dựng hồ chứa nước Thủy Cam; hệ thống trạm bơm và tuyến đường ống chuyển nước từ sông cấp cho các xã ven biển; Lắp đặt thiết bị quan trắc đập, hồ chứa nước; lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; lắp đặt, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước; xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập, hồ chứa...”, ông Thọ trình bày.
Đoàn công tác kiểm tra hiện trạng công trình đập ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long |
Hoàn thiện các tiêu chí để Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh trong phát triển kinh tế thời gian qua và những tháng đầu năm 2020. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho thấy sự quyết tâm của hệ thống chính trị trong phòng chống dịch và duy trì phát triển kinh tế. Đặc biệt là đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn.
“Tôi ấn tượng về công tác triển khai dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực Thường thành của tỉnh, qua chuyến khảo sát thực tế sáng nay, tôi cảm nhận được niềm vui của người dân, sự đồng thuận và ủng hộ của các cấp chính quyền, qua đây cho thấy sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh đối với dự án lịch sử này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Khảo sát thực tế khu vực triển khai di dân ra khỏi Kinh thành Huế |
Ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh trong việc tập trung xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình với hướng đi của tỉnh và cho rằng cần có cơ chế đặc thù để thực hiện mục tiêu này. Thừa Thiên Huế cần phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện bộ tiêu chí, kiến nghị các cơ chế, chính sách đặc thù để báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét.
Về dự án di dời dân cư, giải phòng mặt bằng khu vực I Di tích kinh thành Huế, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh quan tâm đến công tác duy tu, tôn tạo và bảo tồn di tích sau khi hoàn thành việc di dời, có phương án về tài chính dài hơi, căng cơ, đầy đủ trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV sắp tới.
Liên quan đến công tác an ninh nguồn nước và quản lý an toàn hồ, đập trên địa bàn, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Thừa Thiên Huế có lượng mưa rất lớn, tuy nhiên một số hạng mục phụ trợ các hồ chứa nước thủy lợi cũng như một số đập ngăn mặn đã xuống cấp, đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cần chỉ đạo kiểm tra toàn diện và đánh giá công tác vận hành, điều tiết, quản lý và tăng cường công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa nước thủy lợi trước mùa mưa, lũ năm 2020 để có các giải pháp xử lý kịp thời. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đưa nội dung đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập vào trong Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ sắp tới vì đây là một nội dung quan trọng, liên quan đến đời sống, sản xuất sinh hoạt của người dân trên địa bàn toàn tỉnh...