Phố biển Quy Nhơn- một lần đến để hẹn ngày trở lại

Mai Thắng| 15/04/2021 09:21

(TN&MT) - Thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định- dải đất của miền Trung nắng gió mặn mòi- nơi dừng chân của những du khách có tâm hồn lãng mạn yêu thơ. Dẫu Quy Nhơn chưa phải là một địa danh thắng cảnh du lịch nổi tiếng như nhiều địa phương khác, nhưng có những nét riêng níu chân du khách. Lãng mạn và nhẹ nhàng, mộc mạc và chân quê mang bản sắc của người dân Quy Nhơn giàu lòng mến khách.

Những thảm cà phê trên cát

Cà phê trên cát nghe sóng biển

Khác với ồn ào náo nhiệt ở bãi biển Vũng Tàu, hoặc sự xa hoa của bãi biển Nha Trang, bãi biển Quy Nhơn thanh bình yên ả đến lạ kỳ. Một ngày mới bắt đầu trên bãi biển này là người dân thành phố đắm mình dưới nước biển, nhiều thanh niên chạy dài rèn luyện sức khỏe trên triền cát, một số du khách lại chọn cho mình không gian yên tĩnh trong chòi lá giữa bãi biển bao la nhâm nhi ly cà phê trên cát. Đó là cảm nhận của chúng tôi lần đầu tiên đặt chân đến thành phố nhỏ bé nhưng đầy thơ mộng này.

Trước khi đến “Đất Quy Nhơn gầy”, tôi thầm nhủ phải thăm mộ Hàn Mạc Tử trước để tỏ lòng ngưỡng mộ thi sĩ danh Hàn họ Nguyễn tài hoa. Nhưng quả thật khi chúng tôi thả hồn cùng sóng biển Quy Nhơn, ngồi trên triền cát nhâm nhi li cà phê, bao ưu phiền tan biến hết. Trung tá Phan Đức Cường, Hải đội trưởng Biên Phòng 48 bảo, biển Quy Nhơn còn thưa người lắm. Khách du lịch đến đây phần nhiều là giới văn nghệ sĩ. Họ đến để xem “mặt mũi” Hàn Mạc Tử và nghe đọc, bình thơ. Tôi hỏi: “Đố ông biết còn gì đặc biệt nữa”? Trung tá Cường nhìn tôi suy nghĩ. Tôi bảo “cà phê trên cát”. Cường vỗ đét một cái vào đùi: “Hay. Ý tưởng hay. Vậy mà tớ không hiểu”.

Dưới ánh trăng đầu tuần mờ ảo, đoàn chúng tôi ngồi nhâm nhi ly cà phê trên bãi biển Quy Nhơn. Khác với Vũng Tàu, du khách uống cà phê đêm ngồi trên ghế bố, hoặc dưới ô dù trong không gian không ánh điện dọc bãi biển; thì ở đây khách ngồi trên ghế gỗ mộc đặt trên triền cát trắng. Bàn cà phê cũng làm bằng gỗ đơn sơ, không tấm trải, không hoa. Có một điều làm khách thích thú là “cà phê không nhạc”. Tức là chỉ uống cà phê và nghe sóng biển vỗ về, đó cũng là một nét riêng mà những nơi khác không có. Có một đặc điểm “hút” chúng tôi, đó là “âm thanh nhỏ nhẹ”. Dường như những người đến uống cà phê trên cát này đều có ý thức “nói nhỏ đủ nghe”, không gây ồn ào cho người bên cạnh. Giải thích về điều này, Trung tá Cường giải thích: “Người Quy Nhơn từ xưa đến giờ uống cà phê nghe sóng biển thay vì nghe nhạc. Chính phong cách này đã tạo nên nét riêng độc, lạ chỉ Quy Nhơn mới có”.

Có một điều làm chúng tôi khá bất ngờ là cả hơn hai ngày ở đây, tuyệt nhiên không gặp người ăn xin, mời chào, chèo kéo khách. Thỉnh thoảng có mấy em học sinh mời mua vé số một cách thân tình. Hai tuyến đường Nguyễn Huệ và Xuân Diệu uốn lượn, như cánh tay giang rộng ôm biển Quy Nhơn. Nhiều thi sĩ đã ví bờ biển này như vầng trăng khuyết.

Thả hồn cùng thi sĩ danh Hàn

Du khách đến Quy Nhơn nếu không thăm mộ Hàn Mạc Tử coi như chưa đến. Bởi địa danh này không chỉ là điểm du lịch của nhiều nghệ sĩ, mà còn là “tâm điểm” chuyến đi của mỗi du khách. Nhiều người đến Quy Nhơn cốt để xem thi sĩ danh Hàn “mặt mũi” ra sao mà làm đắm say bao lòng người bởi những vần thơ lãng mạn. Nhiều cặp tình nhân đến cũng chỉ để thả hồn theo gió và “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Còn những nghệ sĩ, nhà thơ đến để tận mắt nhìn thấy mộ Hàn, để được đọc những bài thơ của ông, được đứng bên nấm mồ chụp ảnh làm kỷ niệm. Và không ít người rơi nước mắt khi nghe câu chuyện kể về thân thế, cuộc đời của người nghệ sĩ tài hoa giã biệt cõi trần gian tuổi vừa 28

Đường bậc đá lên mộ Hàn Mạc Tử

Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí sinh ngày 22.9.1912 quê ở Lệ Mỹ Quảng Bình. Năm 1940 ông tạ thế tại Quy Hòa, Quy Nhơn, Bình Định sau thời gian bị bệnh phong. Cho đến bây giờ sau 76 năm kể từ ngày ông rời cõi dương gian, 175 bài thơ tình của ông xuyên qua hai thế kỷ và vẫn lấp lánh trong tim người yêu trên mọi miền Tổ quốc. Nghệ sĩ DZu-Kha- người được coi là “Hàn Mạc Tử nhân bản” hiện đang chủ quán thơ Hàn ở khu mộ Hà Mạc Tử trên đồi Gềnh Ráng cho biết. 35 năm qua, ông lưu giữ di sản và khắc thơ tình Hàn Mạc Tử trên những phiến gỗ với mục đích truyền lại cho thế hệ trẻ về thơ Hàn, để thơ Hàn trường tồn mãi mãi. Bản thân ông đã biên tập, nhân bản 40 ngàn cuốn thơ của thi sĩ Hàn phát hành trên khắp thế giới với nhiều thứ tiếng khác nhau. “Đọc thơ Hàn khiến lòng người nương theo không gian và thời gian; suy tư về một thời phiêu lãng. Cũng có người lấy thơ Hàn để soi cuộc đời mình. Có rất nhiều nghệ sĩ đến đây đã bật khóc khi nghe chuyện kể về Hàn, nhất là những ngày cuối đời ông mất”.

Trong 175 bài thơ tình để lại dương gian, bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” đã đạt đỉnh cao về thơ tình thế kỷ, nhìn cả ở góc độ ngôn từ, bút pháp; cả về lăng kính mỹ thuật; cả về tính nhân văn tình nhân loại. Bài thơ này đã được đưa vào chương trình giáo dục đào tạo như một điểm sáng trong dòng thơ cách lạng lãng mạn Việt Nam của thế kỷ XX. Những vần thơ mộc mạc chân thành: Sao anh không về chơi thôn Vỹ/ nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/ vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ lá trúc che ngang mặt chữ điền nghe thấm vào gan ruột. Có vần thơ nghe lòng người xốn xang muốn khóc: Áo em trắng quá nhìn không ra/ ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ ai biết tình ai có đậm đà.

Đường bậc đá lên mộ Hàn Mạc Tử

Thăm mộ Hàn Mạc Tử du khách bần thần trước anh linh ông. Dẫu chẳng có người thuyết minh, nhưng ai cũng cảm nhận được, nơi đây là nguồn cội khiến mỗi người gợi nhớ những bài thơ của ông mà họ đã học thời còn cắp sách. Nơi đây linh thiêng và huyễn hoặc; trần tục nhưng lãng mạn vô cùng

Du khách thăm mộ Hàn Mạc Tử như một sự chiêm nghiệm lại đời mình, nhưng không phải ai cũng biết kết cấu xây dựng ở đây đều liên quan đến thơ Hàn Mạc Tử. Đường vào mộ được xây dựng thành những bậc đá lấy từ ý tưởng bài hát “Hàn Mạc Tử” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, có ca từ “Đường lên dốc đá nữa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa”. Bên phải mộ Hàn trồng bảy cây cau, bên trái trồng 9 cây lấy từ ý tưởng trong bài thơ “Đây thôn Vỹ dạ”. Mộ Hàn đặt chính giữa nửa vầng trăng khuyết. Người thợ chụp ảnh ở đây cho biết, tất cả khung cảnh thiên nhiên từ cây phượng vĩ, hàng cau, bậc đá đều mang linh hồn Hàn Mạc Tử. 7 cây cau bên phải mộ tượng trưng cho khí phách liêu trai của Hàn, 9 cây cau bên trái mộ tượng trưng cho sự mặn mà của làng quê Thôn Vỹ- nơi mà thôn nữ Mộng Cầm sống ở đó thủa thiếu thời.

Có một điều nhiều khách đến đây thắc mắc hỏi, tại sao mộ Hàn Mạc Tử lại đặt tượng đức mẹ Maria lên đầu? đây là mộ ông hay mộ bà?. Giải thích điều này, người chụp ảnh ở mộ Hàn cho biết, vì Thi sĩ Hàn Mạc Tử người đạo thiên chúa giáo và rất sùng đạo. Trước khi mất, ông đã cầu nguyện để được thanh thản nhanh hơn. “Việc chôn cất mộ Hàn theo phong tục địa phương. Cũng có nhiều người đề nghị nên đặt tượng Hàn Mạc Tử thay cho tượng đức mẹ Maria. Vì khu mộ Hàn đã được xếp hạng di tích quốc gia, và đây cũng không giành riêng cho người công giáo theo đạo thiên chúa”, người này nói

Mộ Hàn Mạc Tử

Trước khi tạm biệt Qui Nhơn, người đồng nghiệp tôi đã khóc. Chị quì cạnh mộ Hàn Mạc Tử thì thầm điều gì đó. Tôi hiểu tâm hồn chị đang thổn thức bởi bài thơ “Đây thôn Vỹ dạ” của Hàn sống dậy như sự giao cảm trần-âm. Chị nói, “Mình sẽ trở lại Quy Nhơn. Một lần đến để cả đời nhớ mãi”

Biển Quy Nhơn không quá lớn nhưng đủ rộng để chứa nhiều người, nhưng cái rộng hơn là tình người tình đời của dân bản xứ, khiến ai một lần đặt chân đến mảnh đất này đều muốn quay trở lại để thênh thang cùng sóng biển và thả hồn với những vần thơ của thi sĩ họ Hàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phố biển Quy Nhơn- một lần đến để hẹn ngày trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO