Sau gần hơn 8 năm triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 đến nay, việc sử dụng VLXKN thay thế gạch đất nung trong xây dựng đã đạt được những bước tiến quan trọng. Tỷ trọng sử dụng gạch không nung trong cả nước đã đạt trên 21% so với tổng vật liệu xây, tương đương 6.8 tỷ viên. Chất lượng VLXKN ngày càng được nâng cao và đảm bảo, chủng loại các loại VLXKN ngày càng phong phú, các loại vật liệu phụ, máy và dụng cụ chuyên dùng cũng phổ biến hơn...
Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, việc sử dụng gạch không nung là xu thế tất yếu trong quá trình xây dựng, nhất là lĩnh vực dân dụng và nhà ở trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, để đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu thụ năng lượng, bảo vệ tài nguyên đất là loại tài nguyên không tái tạo, công nghiệp hóa và tự động hóa xây dựng trong thời đại công nghiệp 4.0.
“Xu thế xây dựng nhà cao tầng tại đô thị là công nghiệp tiền chế và lắp ghép, như thế việc quản lý chất lượng xây dựng đảm bảo hơn, tiến độ thi công rất nhanh, vì vậy cần đẩy mạnh không chỉ sản xuất sử dụng viên xây, mà còn phải đẩy mạnh sản xuất và sử dụng tấm tường tiền chế lắp ghép cho xây dựng”- ông Phạm Văn Bắc nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Văn Bắc, mặc dù năng lực sản xuất gạch xây không nung ở nước ta hiện đã đạt được mục tiêu nhưng sản lượng sản xuất và tiêu thụ thực tế còn thấp hơn mức kỳ vọng, các cơ sở sản xuất không phát huy được hết công suất thiết kế do khó khăn trong tiêu thụ do nguồn đất sét để sản xuất gạch nung ở nước ta được khai thác quá dễ dàng nên giá thành của sản phẩm gạch nung rẻ, khiến VLXKN khó cạnh tranh; Các chính sách ưu đãi trong đầu tư sản xuất VLXKN đã được ban hành nhưng tại nhiều địa phương vẫn chưa được thực hiện, nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXKN chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định; Hệ thống văn bản về tiêu chuẩn, định mức, các giải pháp thi công, hướng dẫn thi công, nghiệm thu chưa đầy đủ cho các chủng loại sản phẩm; Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến Chương trình...
Bên cạnh đó, do các nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn còn hạn chế, nên một số doanh nghiệp chỉ nhập các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ; Công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt; Nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về VLXKN còn chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm VLXKN…
Vì vậy, để hạn chế gạch nung, đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, về kỹ thuật như: Nghiên cứu, soát xét và bổ sung các văn bản về hành lang pháp lý cho việc sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng; Tăng cường chỉ đạo khuyến khích sản xuất và sử dụng VLXKN bằng các chính sách thuế môi trường về sản xuất gạch nung, thuế khai thác và sử dụng đất sét làm gạch nung; Tiếp tục nghiên cứu để xử lý, đưa ra các phương án khắc phục những tồn tại đối với các chủng loại VLXKN hiện tại và nghiên cứu, phát triển các sản phẩm VLXKN mới chất lượng cao…Đồng thời, xây dựng ban hành Chỉ dẫn kỹ thuật “Thi công và nghiệm thu khối xây bằng gạch bê tông” và các chỉ dẫn kỹ thuật liên quan; Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thiết kế công trình sử dụng VLXKN đối với gạch bê tông và gạch nhẹ, sổ tay thiết kế chi tiết điển hình dùng cho gạch nhẹ; Soát sét, xây dựng lại định mức sử dụng VLXKN phù hợp với điều kiện thực tế…
Tại hội thảo, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ Trưởng Vụ KHCN &MT( Bộ Xây dựng) cho biết, các tiêu chuẩn liên quan đến vật liệu xây không nung đã được Bộ Xây dựng cho xây dựng khá đầy đủ bao phủ được hầu hết các loại vật liệu xây không nung từ chất lượng sản phẩm, thi công, nghiệm thu. Về tiêu chuẩn, nhiều tiêu chuẩn được Bộ Xây dựng tiến hành soát xét và ban hành mới, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế, hạn chế bất cập trong sản xuất, sử dụng. Trong năm 2019, Bộ sẽ nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn tấm tường từ bê tông khí chưng áp ACC, tiêu chuẩn thiết kế, thi công nghiệm thu kết cấu khối xây bằng gạch betong tổ ong, tiếp tục soát xét 2 tiêu chuẩn TCVN 5563:2011, TCVN 4085:2011.
Về quy chuẩn kỹ thuật, QCVN16 được ban hành năm 2014 quy định 64 hàng hoá VLXD, năm 2019 Bộ sẽ tiếp tục soát xét quy định một số loại VLXKN như gạch betong bọt, gạch bêtong khí chưng áp ACC, gạch bêtông; Về định mức, Bộ đã ban hành đinh mức dự toán xây dựng công trình - phần xây dựng - công tác sử dụng VLXKN, ban hành kèm QUyết định 1264/QĐ-BXD ngày 18/12/2017.
Đánh giá về thực trạng sản xuất và sử dụng VLXKN thời gian qua, TS. Lê Trung Thành - Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho biết: Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng vật liệu xây vào các năm 2010; 2015; 2020 tương ứng khoảng 25; 32; 42 tỉ viên quy tiêu chuẩn (QTC). Hiện nay, nhu cầu vật liệu xây tăng khoảng 10%-12%/năm. Nếu chỉ sử dụng Gạch đất sét nung (GĐSN) sẽ tiêu tốn hàng nghìn hecta đất nông nghiệp, hàng triệu tấn than mỗi năm. Ngoài ra, sử dụng GĐSN còn khó có điều kiện công nghiệp hóa ngành xây dựng. Vì vậy, việc thay thế GĐSN bằng VLXKN sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, ngoài ra còn tiêu thụ một phần đáng kể phế thải từ các ngành khác như: nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng,... góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý phế thải...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp về cơ chế chính sách, quản lý - thiết kế - thẩm tra - thẩm định để chỉ ra các nguyên nhân, tồn tại, khó khăn nhằm đảm bảo lộ trình sử dụng VLXKN và đảm bảo chất lượng, độ bền lâu các công trình xây dựng...