Phát triển rau sạch theo tiêu chuẩn GAP cơ bản
(TN&MT) - Bên cạnh một số hộ được triển khai mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân xã Noong Luống, huyện Điện Biên còn tập trung phát triển rau sạch theo tiêu chuẩn GAP cơ bản.
Xã Noong Luống, huyện Điện Biên có khoảng 30ha đất chuyên canh sản xuất rau, trong đó, phần lớn là bãi phù sa ở khu vực ven sông Nậm Rốm, mỗi năm có thể trồng từ 3 - 4 vụ rau. Trong thời gian từ tháng 9 năm nay đến tháng 3 năm sau, nước lũ trên sông Nậm Rốm bắt đầu rút, để lại bãi đất bồi cùng lớp phù sa màu mỡ rộng vài chục ha. Chỉ chờ có vậy là nông dân xã Noong Luống bắt tay vào làm đất, trồng các loại rau như: Cải ngồng, cải bẹ, bắp cái, súp lơ, cà chua, dưa chuột...
Năm 2017, trên địa bàn xã đã triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại 2 đội 18, 19, thu hút trên 70 hộ gia đình tham gia với diện tích đất 7.5ha. Anh Nguyễn Đức Trường, đội 18, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, cho biết: Gia đình tôi có 1.000m2 đất được góp để trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Để trồng và chăm sóc rau an toàn, gia đình tôi chuẩn bị đất thật kỹ, làm cỏ bằng tay, ủ phân chuồng hoai mục và dùng phân hữu cơ sinh học bón lót. Chỉ khi rau có sâu bệnh mới phun thuốc bảo vệ thực vật sinh học có độ an toàn cao với sức khỏe con người và môi trường. Cùng với đó, đảm bảo thời gian phun an toàn trước khi rau cho thu hoạch và xuất bán ra thị trường. Ngoài ra, diện tích gia đình còn trên 5.000m2 anh cũng áp dụng trồng theo mô hình.
Đã hơn 10 năm nhận giao khoán đất canh tác trên bãi đất bồi, gia đình anh Phạm Xuân Quý thôn A1, xã Noong Luống nắm rất rõ tình hình thời tiết, thủy văn trên dòng Nậm Rốm, anh Quý nắm chắc trong lòng bàn tay thời gian nước rút để cải tạo đất, canh tác những loại rau phù hợp. Theo anh Quý, trồng rau so với trồng lúa, lãi hơn nhiều, tranh thủ mấy tháng nước rút trồng rau. Tính ra một năm, làm rau chỉ 7 - 8 tháng, trừ chi phí cũng lãi trên 100 triệu đồng.
Theo anh Quý chia sẻ: “Trồng rau bận, mất nhiều công chăm sóc hơn trồng lúa, ngày nào tôi cũng có mặt ngoài ruộng rau từ 8 - 10 tiếng. Làm việc luôn chân luôn tay, hết t tưới nước, nhổ cỏ, bón lân đạm lại hái rau d cân cho thương lái, thậm chí lứa nào nhiều, thương lái chưa thu mua kịp thì mình còn t phải đem bán ngoài chợ. Chu kỳ một lứa chỉ kéo dài từ 15 - 20 ngày nếu không thu nhanh rau sẽ già, mắc bệnh chỉ bỏ đi. Gia đình có 5.000m2 nhưng tôi chia làm nhiều khoảnh, trồng nhiều loại vừa rau, củ, quả để tiện chăm sóc và cũng dễ bán”.
Từ năm 2016, thông qua cầu nối giữa Hội Nông dân xã Noong Luống, cán bộ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh xuống tập huấn, hướng dẫn bà con trồng rau theo tiêu chuẩn GAP cơ bản. Tuân thủ quy trình làm đất, kỹ thuật gieo giống, đặc biệt là thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật phải từ 7 ngày trở lên mới được thu hoạch. Do tiếp thu, thực hiện nghiêm qui trình kỹ thuật, rau của bà con dần khẳng định được với người tiêu dùng vì thế đầu ra ổn định, lượng tiêu thu mạnh hơn.
Chị Phạm Thị Hòa, thôn A1 chia sẻ: “Vụ rau đầu năm tôi vừa bán xong, bỏ túi hơn 20 triệu. Năm nay, lũ chậm hơn năm ngoái, do đầu tháng 9 có trận lũ lớn trên sông Nậm Rốm, lứa rau đầu vừa gieo xong bị mất trắng. Đây là lứa thứ 2, giá hơi thấp, nhưng thu nhập vẫn ổn định và cao hơn cấy lúa, trồng ngô. Mấy trăm hộ dân vùng này trông chờ vào rau thôi, chứ lúa ngô, chỉ đủ đảm bảo lương thực, chứ không làm giàu được”.
Theo anh Phạm Xuân Quý thôn A1 nhận định, năm nay thời tiết thuận lợi, một số loại rau như: Cải ngồng, cải canh cho thu hoạch, tuy giá hơi thấp chỉ giao động từ 4 - 5.000đồng/kg nhưng lại rất dễ bán. Hiện nay, ngoài đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong tỉnh, rau Noong Luống còn được đưa vào phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.
Hướng đến việc ổn định đầu ra và giá thành hợp lý cho cây rau, đầu năm 2018 các hộ đã liên kết thành lập HTX trồng rau an toàn thôn A1, xã Noong Luống với 20 thành viên tham gia, canh tác rau sạch trên diện tích 2,5ha.