Phát triển kinh tế biển xanh ở các tỉnh miền Trung: Kinh tế biển miền Trung - Tiềm năng và thách thức

Đà Hải (thực hiện)| 16/11/2021 09:41

(TN&MT) - Để có cái nhìn rõ nét về kinh tế biển miền Trung, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

PV: Xin ông cho biết thực trạng khai thác thủy sản tại khu vực duyên hải miền Trung hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Hùng:

Biển miền Trung có điều kiện tự nhiên đặc trưng tạo nên khu hệ cá biển đa dạng, có nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như cá ngừ đại dương, mực và nhiều loài cá nổi khác phân bố hoặc di cư qua. Vì vậy, nghề khai thác hải sản ở các tỉnh ven biển miền Trung phát triển mạnh, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho cộng đồng cư dân ven biển và góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng khai thác thủy sản tại các tỉnh ven biển, nhiều cảng phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực, sáng tạo của ngư dân và sự hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của Tổng cục Thủy sản và chính quyền các tỉnh, thành phố, chuỗi cung ứng khai thác thủy sản các tỉnh miền Trung đã nhanh chóng phục hồi, ổn định sản xuất.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tổng cục Thủy sản đã có các biện pháp cụ thể để các địa phương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 nhằm phục hồi và phát triển lĩnh vực khai thác thủy sản. Trong đó, các tỉnh miền Trung đã tổ chức lại chuỗi cung ứng để khai thác có hiệu quả, tăng cường liên kết chuỗi từ bảo quản trên tàu, thu mua, lưu giữ, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 linh hoạt theo hướng dẫn của ngành y tế. Nhờ vậy, tình hình khai thác thủy sản ở các tỉnh, thành ven biển miền Trung đã được phục hồi, năng lực của chuỗi cung ứng khai thác thủy sản đã được tăng cường và củng cố để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu phát triển năm 2021 của ngành.

PV: Để bảo tồn nguồn lợi thủy sản, phát triển nghề cá bền vững, thời gian qua Tổng cục đã có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Hùng:

Trong xu thế chung của nguồn lợi thủy sản toàn cầu và khu vực Đông Nam Á, nguồn lợi thủy sản khu vực miền Trung nước ta đang có dấu hiệu suy giảm. Để ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ở các khu vực, Tổng cục Thủy sản đã thường xuyên tham mưu cho các cấp lãnh đạo và hướng dẫn các địa phương ban hành các quy định pháp luật; xây dựng các chính sách, chương trình, đề án; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật trong thực tế.

Tổng cục Thủy sản đã đánh giá việc thực hiện các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và đang đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế nhằm tăng cường tính thực tế, tính khả thi, tăng mức độ xử lý vi phạm và hội nhập quốc tế.

Tạo điều kiện và nguồn lực phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và nghề cá cả nước.

Ngày 1/11/2021, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển Việt Nam. Mặt khác, Tổng cục Thủy sản cũng đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để định hướng, tạo điều kiện và nguồn lực phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản và nghề cá cả nước, trong đó có khu vực duyên hải miền Trung.

PV: Qua 4 năm triển khai gỡ “thẻ vàng” của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam, các địa phương tại miền Trung đã có những chuyển biến như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Hùng:

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện các khuyến nghị kèm theo cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với nghề cá nước ta, việc quản lý nghề cá nước ta đã có nhiều cải thiện rõ rệt. Phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng; ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên về kết quả triển khai chống khai thác IUU.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa:

Chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản

Phát huy hiệu quả tiềm năng, phát triển thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổ chức lại hoạt động khai khác hải sản vùng lộng, vùng biển ven bờ gắn với sinh kế của cộng đồng ngư dân. Phát triển khai thác vùng khơi hiệu quả, bền vững với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa.

Tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức sản xuất trên biển, sắp xếp cơ cấu nghề khai thác phù hợp. Phát triển khai thác vùng khơi hiệu quả, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo quản sản phẩm nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Chuyển đổi nghề xâm hại đến nguồn lợi sang các nghề thân thiện với môi trường và nguồn lợi thủy sản.

Bên cạnh đó thực hiện Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản với nhiều hình thức.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế: Phấn đấu trở thành tỉnh “mạnh về biển, giàu từ biển”

Những năm qua, Thừa Thiên - Huế đã định hướng, đầu tư lớn cho hoạt động khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển và đầm phá.

Để trở thành tỉnh “mạnh về biển, giàu từ biển” và là một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước theo Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, với việc TP. Huế vừa sáp nhập địa giới, mở rộng về phía biển, tỉnh càng quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trong vùng ngày càng hoàn thiện, nhất là các dự án lớn có tính đột phá, lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt vừa qua đã có quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh kéo dài hơn 120km.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế

Thời gian tới, Thừa Thiên - Huế sẽ nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh. Đẩy mạnh khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế biển, đầm phá giữ vai trò trọng yếu. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quy định của Chính phủ, gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Phát triển mạnh về khai thác, chế biến sản phẩm từ biển; các ngành du lịch, dịch vụ. Kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển, đầm phá...

Nhóm Phóng viên (thực hiện)

Kết quả triển khai các quy định về chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến hơn so với trước như: Kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá qua VMS các tỉnh miền Trung đạt gần 92% cao hơn mức trung bình của cả nước; Công tác thực thi pháp luật trong xử phạt đối với hành vi khai thác IUU đã được chú trọng, đặc biệt là xử lý vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về thiết bị VMS. Đã ngăn chặn hoàn toàn tàu cá trong vùng vi phạm vùng biển các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. (Tuy nhiên, năm 2021 vẫn còn các trường hợp tàu cá của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận vi phạm vùng biển của các nước trong khu vực). Công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng đã được tăng cường; trong đó đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong việc quy định kiểm soát 100% tàu cá từ 24m trở lên ra, vào cảng. Đặc biệt, đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá, kết nối từ Trung ương đến địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế biển xanh ở các tỉnh miền Trung: Kinh tế biển miền Trung - Tiềm năng và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO