Phát triển du lịch địa chất góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương

Lan Chi| 30/10/2022 05:42

(TN&MT) - Việt Nam là một quốc gia có ¾ diện tích là đồi, núi, với nhiều dạng địa hình khác nhau, có sức hấp dẫn du lịch địa chất rất lớn. Tuy vậy, đa số các tỉnh miền núi có tiềm năng du lịch địa chất lại là những tỉnh nghèo, nhiều huyện vùng lõi du lịch nằm trong danh sách các huyện nghèo của cả nước. Do đó, cần có những giải pháp thúc đẩy hoạt động du lịch địa chất, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

anh-3-cong-vien-dia-chat-toan-cau-o-dak-nong(1).jpg

Núi lửa Nâm Kar trong quần thể Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông. Ảnh: Trần An

Tiềm năng lớn về du lịch địa chất

Việt Nam là một quốc gia có ¾ diện tích là đồi, núi với nhiều dạng địa hình khác nhau, đặc biệt khá phổ biến là dạng địa hình núi đá vôi chứa nhiều hang động lớn, trải dài từ miền Bắc đến hết Quảng Bình, có diện tích lên tới 50.000 - 60.000 km2, chiếm gần 15% diện tích đất liền tập trung chủ yếu ở 4 tiểu vùng Việt Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn), Đông Bắc bộ (Quảng Ninh), Tây Bắc Bộ (Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình) và Bắc Trung Bộ (Quảng Bình), có nhiều hang dài và rất sâu, như: Tà Chinh (dài 2.015m, sâu 402m), Dơi Nước (dài 1.035m, sâu 290m),...

anh-1-cao-nguyen-da-dong-van.jpg

Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn thu hút nhiều khách du lịch

Chỉ riêng ở Quảng Bình đã thống kê được 300 hang động thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có hang Sơn Đoòng là hang động có quy mô lớn nhất thế giới, tỉnh Ninh Bình có 400 hang động, trong đó hơn 100 hang động tập trung nhiều ở quần thể di sản thế giới Tràng An - Tam Cốc - Bích Động. Nhiều hang động ở Việt Nam có vẻ đẹp lộng lẫy, tráng lệ và rất kỳ ảo, còn chứa đựng những di tích khảo cổ học, những di tích lịch sử - văn hóa dân tộc đặc sắc, có giá trị để phát triển du lịch.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã được UNESCO công nhận 3 công viên địa chất toàn cầu là Cao nguyên đá Hà Giang, Công viên địa chất Cao Bằng và Công viên địa chất Đăk Nông. Sức hấp dẫn của các khu vực này đối với du khách rất lớn, nhưng đây lại là những địa phương có mức phát triển kinh tế thấp.

Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế từ du lịch địa chất

Có thể thấy, hầu hết các địa phương có tiềm năng du lịch địa chất tại Việt Nam như Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Bình, Ninh Bình, Lai Châu, Sơn La,... đều là những địa phương nằm trong nhóm các tỉnh có mức thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Số huyện là địa bàn có tiềm năng du lịch địa chất lớn thuộc danh sách các huyện nghèo trong toàn quốc cao.

Trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, một số địa phương có sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động du lịch, nhận dạng điểm đến có sự thay đổi đáng kể tại các địa phương như Hà Giang, Ninh Bình, Quảng Bình, nhưng thực sự tạo được dấu ấn đặc biệt trong việc tạo việc làm cho người dân bản địa (đặc biệt là lao động nữ, cao tuổi) mới chỉ có Ninh Bình làm được thông qua làm nghề lái đò, làm công tác phục vụ tại các khu du lịch. Đây cũng do đặc thù của hoạt động du lịch tại Ninh Bình là cần lao động chân tay. Tuy nhiên, lực lượng lao động du lịch có chất lượng, được đào tạo chuyên sâu vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo một số chuyên gia về địa chất, để góp phần giải quyết xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương có sản phẩm du lịch địa chất, người dân phải là người có tiếng nói trong hoạt động du lịch địa chất của địa phương, tốt nhất người dân địa phương là người xây dựng, quản lý các hoạt động du lịch.

Ngoài ra, cần xây dựng, phát triển các làng nghề truyền thống nhằm cung cấp nhiều sản phẩm cho khách du lịch. Qua khảo sát thực tế cũng như rà soát trong danh sách các làng nghề truyền thống của Việt Nam, số lượng làng nghề truyền thống có những sản phẩm có sức hấp dẫn du lịch nằm trên địa bàn các khu di sản, công viên địa chất hầu như không có… Làng nghề Linh Vân về truyền thống đá mỹ nghệ, Làng thêu ren Văn Lâm tại Hoa Lư, Ninh Bình là làng nghề sản xuất hiếm hoi nằm trên địa phương có khu di sản địa chất.

Về số lượng làng nghề tạo ra sản phẩm du lịch cũng rất ít, các sản phẩm của các làng nghề truyền thống tại các khu vực này hầu hết là các làng nghề truyền thống của người dân tộc gắn với dệt thổ cẩm, rèn, chạm khắc… chưa thấy có sản phẩm gắn với thực phẩm như rau sạch, thực phẩm sạch hay đồ lưu niệm có giá trị, thời thượng.

Bên cạnh đó, cần đào tạo người lao động để họ là người tham gia trực tiếp vào hoạt động quảng bá, bảo tồn, gìn giữ di sản. Mặc dù nhiều địa phương đã ý thức được việc giữ gìn uy tín sẽ góp phần tăng thêm du khách, tăng thêm thu nhập cho người dân bản địa, nhưng thực tế hoạt động đào tạo văn hóa du lịch tới người dân địa phương vẫn còn mờ nhạt. Nhiều người không biết sử dụng ngoại ngữ, không có kiến thức về du lịch, kinh tế du lịch, không có ý thức cộng đồng và đặc biệt là kiến thức về địa chất du lịch.

anh-2-quan-ba.jpg

Quản Bạ, Hà Giang được biết đến là một địa điểm du lịch đầy độc đáo

Đầu tư hạ tầng giao thông cũng là một giải pháp cần được quan tâm. Đối với du lịch địa chất, việc đầu tư hạ tầng trong phạm vi vùng lõi không phải là vấn đề quan trọng vì cần được bảo tồn nguyên trạng mới giữ được sức hấp dẫn của tự nhiên. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm du lịch địa chất lại nằm ở vùng núi, đi lại khó khăn nên cần có sự đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối tới tận chân di sản, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, bệnh viện phải phù hợp, tạo thuận lợi cho du khách khi đến du lịch.

Đồng thời, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đẩy mạnh hoạt động du lịch địa chất, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Hiện nay, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu kỹ hơn trước chuyến đi của du khách đã tăng lên đáng kể, không có du khách quốc tế nào trước khi xách ba lô đi du lịch mà không lướt qua YouTube, Facebook, Instagram,... để xem qua những nơi mình dự định tới.

Hơn nữa, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra một thị trường điện tử sôi động, khách du lịch thông qua các sản phẩm từ công nghệ tiên tiến thực hiện đặt dịch vụ cho kỳ nghỉ, cũng như thanh toán trực tuyến qua các phần mềm tài chính. Xu hướng này cũng đồng nghĩa là các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương làm du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch cần ứng dụng nhiều hơn về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào công tác quản trị, cũng như công tác liên kết tài chính qua phần mềm, công tác giới thiệu, quảng bá, marketing các sản phẩm, dịch vụ, hình ảnh nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu và thu hút sự chú ý, chăm sóc khách du lịch tốt hơn.

Giảm nghèo cho các địa phương vùng núi sẽ góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao sớm nhất. Trong đó, phát triển du lịch địa chất góp phần giảm nghèo là một xu hướng mới và phù hợp với các quốc gia nhiều tiềm năng địa chất hấp dẫn như Việt Nam. Việc triển khai đồng bộ, tạo sự kết nối giữa các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, môi trường… là giải pháp hiệu quả nhất nhằm phát triển kinh tế các khu vực miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch địa chất góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO