(TN&MT) - Ngày 3/11 tại TP.HCM, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (NN&PTNT VN) đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững kinh tế rừng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới”.
Khai mạc hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT VN cho biết, thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp, tính từ năm 2004 - 2014, Việt Nam có 642 nông, lâm trường được Nhà nước giao đất, thuê đất với tổng diện tích chiếm 90% diện tích đất sử dụng. Tuy nhiên trong 10 năm thực hiện, hiệu quả kinh tế từ ngành trồng, khai thác rừng, chế biến gỗ và các loại lâm sản đã bộc lộ sự bất tương xứng với nguồn lực tài nguyên được giao khi tổng nộp ngân sách Nhà nước của các nông, lâm trường chỉ đạt 1.809 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngành gỗ được xác định là một trong những ngành chủ lực của Việt Nam. Tiềm năng từ việc phát triển, khai thác của ngành là rất lớn. Tính đến quý II/2015, giá trị xuất khẩu ngành chế biến gỗ đạt 6,3 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt 7 tỷ USD vào cuối năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020. Vì vậy việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là một nhu cầu cấp thiết gắn với việc phát triển kinh tế, đời sống xã hội như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã đề ra.
Năm 2015 là năm bước ngoặt của nền kinh tế Việt Nam trước cánh cửa hội nhập quốc tế sâu rộng. Năm 2015, ngoài 8 hiệp định thương mại đã ký kết trước đó, Việt Nam đang thảo luận, tiến tới ký kết 6 hiệp định thương mại tự do, và gần đây nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vấn đề đặt ra là kinh tế Việt Nam nói chung, ngành lâm nghiệp nói riêng cần chuẩn bị những gì để tạo được vị thế trong sân chơi nhiều thách thức này. Một điểm cũng đáng lưu ý là tình trạng khai thác gỗ non xuất khẩu dăm gỗ vẫn đang ở mức báo động, khiến cho giá trị khai thác rừng bị giảm, hậu quả về lâu dài là vô cùng to lớn.
Theo ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2020 khoảng 16,2 - 16,5 triệu ha. Trong đó, rừng sản xuất 8,132 triệu ha, rừng phòng hộ 5,842 triệu ha và rừng đặc dụng 2,271 triệu ha. Theo đó, sẽ điều chỉnh cơ cấu các loại hình tổ chức quản lý rừng theo hướng các tổ chức của Nhà nước trực tiếp quản lý khoảng 50% tổng diện tích rừng toàn quốc, bao gồm toàn bộ diện tích rừng đặc dụng, 65% diện tích rừng phòng hộ và 30% diện tích rừng sản xuất.
“Về huy động và xử dụng các nguồn lực tài chính, cần tập trung huy động các nguồn vốn ODA, nguồn ngoài ngân sách Nhà nước. Đầu tư ngoài ngân sách là nguồn lực tài chính chủ yếu được huy động và sử dụng đầu tư phát triển lâm nghiệp trong thời kỳ tới. Để trồng gần 3 triệu ha rừng cần khoảng 40.000 tỷ đồng, chiếm 71% tổng nhu cầu vốn. Đặc biệt tăng nhanh trong thời kỳ tới là nguồn vốn từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, dự kiến đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm” - ông Nguyễn Bá Ngãi cho hay.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đánh giá cao vai trò của Tổng hội NN&PTNT VN đã tổ chức hội thảo phát triển bền vững kinh tế rừng gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhằm tạo cầu nối cho các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia và các doanh nghiệp tìm ra những điều kiện, giải pháp để phát triển rừng, ngành công nghiệp chế biến gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ một cách bền vững. Lâm nghiệp là ngành có giá trị xuất siêu rất cao, dự kiến năm 2015 xuất siêu khoảng 7 tỷ USD và thị trường trong nước khoảng 3 tỷ USD.
“Trong thời gian tới, các Bộ, ngành sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động theo “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đối với lĩnh vực lâm nghiệp”, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề trồng rừng; tiếp tục thực hiện giao đất lâm nghiệp, giao rừng cho người dân; nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Tường Tú