Xã hội

Phát huy tinh thần tự lực, khát vọng vươn lên thoát nghèo

Thanh Tùng 29/07/2024 - 22:11

Một trong những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo bền vững của huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, đặc biệt là giải phóng tư tưởng để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Kết quả giảm nghèo vượt kế hoạch

Theo UBND huyện Quảng Ninh, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành và người dân trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo chuyển biến tích cực. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả. Các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai đến các đối tượng thụ hưởng đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương.

anh-2.jpg
Thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh ngày càng phát triển

Nhiều mô hình giảm nghèo, giải quyết việc làm hiệu quả đã được địa phương khuyến khích phát triển nhân rộng, đặc biệt các mô hình HTX kinh doanh và chế biến, mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi phát huy lợi thế của vùng miền... Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh được quan tâm đầu tư nên từng bước được cải thiện và nâng cao. Các chương trình y tế, giáo dục, mạng lưới thông tin tuyên truyền được các cấp, ban ngành quan tâm, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

nhờ sự quan tâm đầu tư thích đáng, công tác giảm nghèo của huyện Quảng Ninh trong những năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, huyện có tỷ lệ nghèo đa chiều là 10,75%. So với cuối năm 2021 đã giảm 442 hộ nghèo (tỷ lệ giảm 1,59%), 479 hộ cận nghèo (tỷ lệ giảm 1,72%). Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 1.172 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 4,2% so với số hộ toàn huyện, tỷ lệ giảm nghèo là 1,16% (tương đương giảm 317 hộ); tổng số cận hộ nghèo: 1.177 hộ, chiếm tỷ lệ 4,22% so với số hộ toàn huyện. Kết quả thực hiện vượt kế hoạch UBND tỉnh đề ra.

Phấn đấu đến năm 2025, giảm 1/2 số hộ nghèo và cận nghèo

Kết quả thực hiện khả quan trên đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình. UBND huyện Quảng Ninh cho rằng, trước hết các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; gắn việc hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo với trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Phải đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, đặc biệt là giải phóng tư tưởng để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, phải xác định rõ nguyên nhân của tình trạng đói nghèo của hộ gia đình đăng ký tham gia dự án, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người dân, phát huy được vai trò tích cực, sáng tạo của chính bản thân người tham gia dự án, khơi dậy được mối quan hệ, tình đoàn kết, thương yêu nhau trong cộng đồng dân cư trong việc giúp nhau sản xuất... cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

anh-1(1).jpg
Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả giúp người dân vươn lên thoát nghèo

Từ kết quả đạt được, huyện Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, giảm ½ số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều. Xã đặc biệt khó khăn (Trường Sơn) được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, cầu, trường học, cơ sở y tế, hạ tầng điện, công trình thủy lợi…; Đồng thời, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 1-2 mô hình/năm, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn…

Để đạt được kế hoạch đề ra, huyện xác định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là xã đặc biệt khó khăn; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân.

Phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện Kế hoạch.

Về giải pháp huy động vốn, lồng ghép nguồn lực, huyện Quảng Ninh xác định, ngân sách nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường các nguồn huy động, nguồn từ Quỹ vì người nghèo, nguồn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Để Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, UBND huyện Quảng Ninh kiến nghị cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách giảm nghèo. Theo đó, giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính trợ cấp, tăng các chính sách hỗ trợ gián tiếp như vay vốn qua ngân hàng chính sách để khuyến khích tính chủ động vươn lên của người nghèo, có chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục để đảm bảo tính giảm nghèo bền vững. Tăng mức vay vốn tín dụng ưu đãi, ban hành chính sách khuyến khích, khen thưởng đối với hộ thoát nghèo, không tái nghèo, chính sách khen thưởng đối với những xã, phường giảm nghèo nhanh và bền vững…

Năm 2023, ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh đã cho vay nguồn vốn ưu đãi với số tiền hơn 539 tỷ đồng/8.543 khách hàng, trong đó, cho vay vốn vay ưu đãi hộ nghèo với dư nợ hơn 51 tỷ đồng/768 khách hàng, hộ cận nghèo là 63 tỷ đồng/896 khách hàng, hộ mới thoát nghèo là hơn 40 tỷ đồng/621 khách hàng. Chính sách vay vốn tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy tinh thần tự lực, khát vọng vươn lên thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO