Phát huy sức mạnh toàn bộ hệ thống chính trị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Đảng bộ Tập đoàn) đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025 nhằm phát huy sức mạnh toàn bộ hệ thống chính trị trong Tập đoàn để chỉ đạo, lãnh đạo, xây dựng các giải pháp triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực.
Ngày 25/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1243/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn xác định mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ yêu cầu hoàn thành Đề án rất lớn, thời gian thực hiện còn lại rất hạn chế.
Chính vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết 667-NQ/ĐU về tăng cường lãnh đạo triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025. Đây sẽ là cơ sở để tập thể lãnh đạo Tập đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng thuận cao từ Công ty mẹ - Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, từ cán bộ lãnh đạo các đơn vị đến người lao động trong quá trình triển khai thực hiện để phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng và tiến độ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo đó, quan điểm của Đảng ủy Tập đoàn quán triệt tới toàn hệ thống chính trị trong Tập đoàn là phải thực hiện tái cơ cấu, tổ chức, kiện toàn theo mô hình Tập đoàn kinh tế bao gồm Công ty mẹ - Petrovietnam và các công ty thành viên, hoạt động phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển, quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam được Bộ Chính trị/Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại, tập trung giữ vững những lĩnh vực cốt lõi, lĩnh vực kinh doanh chính, thoái toàn bộ vốn tại các lĩnh vực, doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính. Cùng với đó, thực hiện cơ cấu lại nguồn lực tài chính từ nguồn lực tự có, nguồn lực cần bổ sung; Đẩy mạnh phát triển hóa dầu, chế biến sâu các sản phẩm khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
Phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới như điện gió ngoài khơi, năng lượng biển, H2, NH3, nhiên liệu phát thải carbon thấp, thu và lưu trữ CO2... theo sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền và phù hợp với định hướng chuyển dịch năng lượng, bảo vệ môi trường; Tích cực xử lý các dự án, công trình, doanh nghiệp vướng mắc, tồn tại (nếu có) theo nguyên tắc thị trường, tuân thủ quy định của pháp luật và phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, áp dụng phương thức quản trị hiện đại; rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế nội bộ, công khai, minh bạch thông tin, bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, sắp xếp lại nguồn nhân lực phù hợp với năng lực, trình độ, từng cấp cán bộ, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nội bộ và kiểm soát rủi ro; phát hiện sớm và kịp thời xử lý các tồn tại, yếu kém; tuân thủ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật.
Theo đó, mục tiêu tổng quan của việc thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn là phát huy sức mạnh toàn bộ hệ thống chính trị trong Tập đoàn để chỉ đạo, lãnh đạo, xây dựng các giải pháp triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu tổng quan “Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực, phù hợp với xu thế phát triển mới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng mới...” và các mục tiêu, nhiệm vụ, các nội dung liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1243, bảo đảm chất lượng, tiến độ, đồng thời tuân thủ các chủ trương của Đảng, quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước liên quan đến từng nhiệm vụ cụ thể trong đề án.
Đồng thời, một số mục tiêu cụ thể được Đảng ủy Tập đoàn đưa ra đó là tập trung tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh để đến hết năm 2025 giải quyết tối đa các vướng mắc, tồn tại (nếu có) của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; đẩy mạnh công tác thoái vốn.
Theo Đề án, mục tiêu đến hết năm 2025 là hầu hết các doanh nghiệp thành viên là công ty cổ phần của Petrovietnam có mô hình tổ chức tinh gọn, có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động hiệu quả, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực, đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp; hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.
Petrovietnam tiếp tục củng cố, phát triển một số doanh nghiệp thành viên có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn; có thể xem xét việc thành lập mới công ty, chi nhánh (nếu có), sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng, chuyển giao một số đơn vị có ngành nghề, lĩnh vực hoạt động phù hợp để tập trung nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động sau khi thực hiện cơ cấu lại, xử lý tồn tại, nâng cao hiệu quả; Cơ cấu lại để Petrovietnam mạnh mẽ hơn, đặc biệt là tham gia xây dựng các nhà máy điện tái tạo, góp phần phát triển công nghiệp điện tái tạo.
Bên cạnh đó, Tập đoàn phải giữ vững vị trí là nhà cung cấp các nguồn khí (LPG, LNG, CNG...) hàng đầu của Việt Nam và phấn đấu doanh thu toàn Tập đoàn tăng trưởng bình quân từ 3% đến 6,5%/năm, tăng thu ngân sách hàng năm khoảng 10%.
Trong thời gian tới, Petrovietnam sẽ triển khai đề án tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn gồm: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện, công nghiệp điện tái tạo và công nghiệp năng lượng mới; Chế biến dầu khí, tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Bên cạnh đó sẽ triển khai một số ngành nghề kinh doanh khác được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Đảng ủy Tập đoàn yêu cầu Petrovietnam, Người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các đơn vị thành viên, Viện trưởng, Hiệu trưởng, Giám đốc chi nhánh tổ chức thực hiện 6 nhóm giải pháp.
Nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế quản lý, trong đó tập trung chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban/bộ/ngành Trung ương, các cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện thể chế quản lý, cơ chế, chính sách theo hướng tăng tính chủ động cho Petrovietnam trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; Phối hợp với các bộ ngành hoàn thiện và trình cấp thẩm quyền ban hành các văn bản dưới luật để hiện thực hóa các quy định mới của Luật Dầu khí 2022, về sửa đổi/ban hành Điều lệ tổ chức hoạt động của Tập đoàn phù hợp theo quy định, các văn bản pháp luật có liên quan... Chủ động phối hợp với các bộ/ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp triển khai thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại mục III Quyết định số 1243.
Nhóm giải pháp về quản trị doanh nghiệp, Petrovietnam tập trung thực hiện phương án cơ cấu lại nhân sự; Thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý; Áp dụng thông lệ quốc tế trong việc đổi mới quản trị doanh nghiệp; Từng bước nghiên cứu, áp dụng quản trị công ty trong doanh nghiệp nhà nước theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và tuân thủ chuẩn mực cao về thực hiện hoạt động kinh doanh có trách nhiệm.
Nhóm giải pháp về tài chính, tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, kế toán; Kiểm soát vốn và tài sản, quản trị tốt công nợ phải thu, nâng cao hiệu quả dòng tiền; giám sát rủi ro tài chính ngay tại Công ty mẹ - Petrovietnam và tại các đơn vị thành viên Petrovietnam; Thực hiện thoái vốn/chuyển nhượng vốn, tập trung nguồn lực cho các hoạt động cốt lõi, thu hút nguồn lực bên ngoài để chia sẻ rủi ro trong công tác đầu tư tài chính; Hạn chế tối đa các tác động của biến động chính trị, kinh tế vĩ mô.
Nhóm giải pháp đầu tư, tập trung công tác quản lý dự án đầu tư, quản trị tốt danh mục các dự án đầu tư tại cả 5 lĩnh vực hoạt động, bảo đảm tiến độ và hiệu quả đầu tư; Tập trung triển khai các dự án lớn, trọng điểm; giải quyết dứt điểm các dự án tồn tại, khó khăn.
Nhóm giải pháp về thị trường, Tập đoàn và các đơn vị thành viên tiếp tục tìm kiếm, phối hợp, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tận dụng tối đa các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết, mở rộng hợp tác, liên doanh liên kết với các đối tác nước ngoài; Tiếp tục củng cố, mở rộng chuỗi liên kết giá trị từ cung cấp nguyên nhiên liệu - sản xuất - tiêu thụ trong 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn; Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường.
Đối với nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, Petrovietnam tiếp tục chú trọng vào đào tạo, an toàn, môi trường và phát triển bền vững; tập trung công tác đổi mới, ứng dụng công nghệ, công tác chuyển đổi số; Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường; Phát triển và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về lĩnh vực chuyên môn, về năng lực quản trị; Xây dựng và thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách khác đặc thù áp dụng cho các hoạt động dầu khí, đặc biệt là công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở trong nước và nước ngoài, năng lượng biển, hydrogen, amoniac xanh.
Việc triển khai thành công Đề án tái cơ cấu Tập đoàn cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận được sư đồng thuận, nhất trí cao từ Công ty mẹ - Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, từ cán bộ lãnh đạo các đơn vị thành viên đến người lao động, tất cả vì mục tiêu chung đưa Petrovietnam phát triển xanh và bền vững hơn trong tương lai, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.