Xã hội

Phát huy lợi thế đất đai giảm nghèo bền vững ở huyện vùng cao Bình Liêu

Phạm Hoạch 26/06/2023 - 16:11

(TN&MT) - Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020- 2025 xác định, công tác quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho nhân dân. Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện vùng cao Bình Liêu đã đạt nhiều kết quả tích cực trong triển khai chủ trương này.

Từ chủ trương đúng đắn

Là một huyện miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, Bình Liêu có diện tích tự nhiên 475,1km2, dân số trên 30 nghìn người, trong đó 96% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ.

Địa hình của Bình Liêu chủ yếu là đồi núi, đồng bào các dân tộc trong huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp, với cây trồng chính là cây lấy gỗ, dược liệu, lúa, ngô, đời sống và thu nhập của bà con còn thấp.

anh-bl-01.jpg
Vườn ươm cây giống lâm nghiệp đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Tằng Dảu Phồng ở xã Đồng Văn

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, ông Hoàng Ngọc Ngò cho biết: Địa phương đã cụ thể hóa các chỉ đạo của tỉnh, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy ý thức vươn lên của bà con, cũng như triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy lợi thế về đất đai phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu cho giá trị kinh tế kết hợp chăn nuôi, tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trước những khó khăn như vậy, nhưng với quyết tâm cao, cùng sự đồng lòng, nhất trí của cả hệ thống chính trị, người dân huyện Bình Liêu đã từng bước vươn lên phát triển sản xuất từ nguồn lực đất đai, khí hậu, nguồn nước để hình thành nên những mô hình phát triển kinh tế cho giá trị cao, góp phần ổn định đời sống.

Gia đình anh Tằng Dảu Phồng, ở thôn Sông Móc A, xã Đồng Văn có gần 3ha đất đồi canh tác. Trước đây gia đình trồng được một phần ngô, lúa còn lại là cây sở lấy dầu. Nhưng do nguồn nước vào mùa khô khan hiếm, nên lúa và ngô hay bị sâu bệnh, diện tích đất vườn gần như bỏ hoang. Sau đó, được các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động, gia đình anh Phồng quyết tâm thay đổi, cải tạo vườn đồi. Với sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp, sau một thời gian, khu vườn của gia đình anh từ chỗ để cỏ mọc nay đã phủ xanh bởi vườn ươm cây giống lâm nghiệp xanh mướt và chuồng dê gần 20 con. Từ một hộ còn nhiều khó khăn, đến nay, gia đình anh Phồng đã có nguồn thu chính từ vườn ươm cây giống, rừng sở và đàn dê cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, đời sống được cải thiện, xây được nhà kiên cố, cuộc sống khấm khá hơn nhiều so với trước đây.

anh-bl-02.jpg
Mô hình nuôi ngựa ở xã Vô Ngại mở ra hướng đi phát triển chăn nuôi mới, giúp người dân vươn lên trong cuộc sống

Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu đánh giá, từ khi triển khai theo tinh thần của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã cải tạo vườn đồi, trồng cây bản địa, dược liệu kết hợp chăn thả gia súc, cho ra những sản phẩm có giá trị, phù hợp điều kiện kinh tế gia đình. Điều quan trọng là tư duy, nhận thức được nâng lên, nhiều hộ mạnh dạn hơn trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước đây.

Thay đổi tư duy để thoát nghèo

Ngay từ đầu năm 2023, huyện Bình Liêu đặt ra mục tiêu phấn đấu không còn hộ nghèo, không để tái nghèo và phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm 0,17% (13 hộ) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh những giải pháp hữu hiệu để giúp đỡ người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, Bình Liêu đang tập trung giải bài toán về thay đổi tư duy của đồng bào DTTS trên địa bàn.

Bởi chỉ có thay đổi tư duy, thay đổi căn cơ để tạo bước đột phá, giúp các hộ đồng bào vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, lâu dài. Việc triển khai nội dung của Nghị quyết vào cuộc sống đã góp phần làm thay đổi tư duy canh tác trồng trọt, chăn nuôi trước đây, giúp đồng bào có hướng đi mới, cách làm mới một cách bài bản, hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững- ông Hoàng Ngọc Ngò chia sẻ thêm.

anh-bl-03.jpg
Người dân xã Đồng Văn bỏ rác thải nhựa đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường

Chia sẻ với PV, Bí thư Đảng ủy xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, ông Triệu Đình Sinh cho biết: Việc thay đổi tư duy từ việc quản lý, sử dụng đất đai, chính là những thửa ruộng, cánh rừng của các hộ gia đình đang quản lý sao cho đem lại hiệu quả cao nhất mà xã cũng như huyện tiêu Bình Liêu đang hướng tới. Bằng sự tuyên truyền, vận động đã từng bước làm thay đổi nhận thức, phong tục, thói quen tập quán, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tạo động lực để hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí tự vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh vườn, đồi cây của mình.

Nhờ vậy, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình sản xuất  đem lại hiệu quả kinh tế tích cực. Tận dụng lợi thế đồi cỏ tự nhiên, cuối năm 2020, gia đình anh Chu Văn Trình ở thôn Nà Cắp, xã Vô Ngại đã mạnh dạn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền hơn 100 triệu đồng cùng với số tiền của gia đình, anh Trình đã mua 20 con ngựa giống về nuôi.

Sau một thời gian, đàn ngựa thích nghi và sinh trưởng tốt và bắt đầu sinh sản, cho nguồn thu nhập ổn định. Bởi ngoài bán ngựa giống, đàn ngựa bố mẹ được huấn luyện chở hàng hóa là sản phẩm lâm sản của địa phương như quế, hồi, nhựa thông và hướng đến xây dựng điểm du lịch phục vụ khách du lịch cưỡi ngựa trải nghiệm, khám phá thiên nhiên nơi đây- anh Trình chia sẻ.

Bên cạnh việc giúp người dân tăng thu nhập một cách hiệu quả, bền vững, việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống đã làm thay đổi đáng kể tư duy, giúp bà con đồng bào DTTS hiểu rõ phương thức, cách làm, canh tác diện tích đất của mỗi gia đình, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, góp phần xây dựng huyện vùng cao Bình Liêu ngày càng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy lợi thế đất đai giảm nghèo bền vững ở huyện vùng cao Bình Liêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO