Phát huy hiệu quả hệ thống phát hiện sớm các vụ cháy rừng

Phạm Hoạch| 29/07/2020 08:39

(TN&MT) - Đến thời điểm này, Chi cục Kiểm lâm, Sở NN&PTNT Quảng Ninh đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để đưa vào vận hành hệ thống phát hiện sớm cháy rừng. Hệ thống đi vào hoạt động sẽ góp phần làm giảm thiểu thiệt hại về tài nguyên rừng, tiết kiệm công sức, kinh phí trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

Cụ thể, các thiết bị máy chủ và phần mềm thương mại của hệ thống đã được lắp đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh. Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các Hạt kiểm lâm tại các địa phương đã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức 5 lớp đào tạo hướng dẫn, sử dụng khai thác vận hành hệ thống phần mềm phát hiện sớm cháy rừng đến cán bộ, nhân viên các đơn vị trực thuộc.

Đơn vị tư vấn hướng dẫn cho lực lượng kiểm lâm vận hành hệ thống phát hiện sớm cháy rừng. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 430 nghìn ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, trong đó có trên 250 nghìn ha rừng dễ cháy, chủ yếu là rừng trồng thông, bạch đàn, keo và rừng hộ giao tre, nứa. Đây là những loại cây có đặc tính dễ bắt lửa, tốc độ cháy lan nhanh, khó chữa cháy nếu cháy xảy ra trên diện rộng, nhất là vào thời điểm thời tiết hanh khô.

Theo thống kê, giai đoạn 2000 - 2008, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra 424 vụ cháy rừng, gây thiệu hại gần 5.000ha. Trước thực trạng này, năm 2007, tỉnh đã đầu tư dự án “Nâng cao năng lực PCCCR cho lực lượng kiểm lâm”. Nhờ vậy, đến nay, số vụ cháy rừng đã giảm 85% và diện tích rừng bị thiệt hại giảm 94% so với giai đoạn 2000-2008, do các vụ cháy rừng được phát hiện sớm và tổ chức lực lượng chữa cháy tại chỗ kịp thời.

Cán bộ Hạt Kiểm Lâm huyện Hải Hà phối hợp với chủ rừng đi tuần tra, bảo vệ rừng

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua ghi nhận thực tế cho thấy, công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn diện tích rừng nằm xa khu dân cư, tập trung tại những khu vực đồi, núi, khiến cho người và phương tiện di chuyển khó khăn khi xảy ra những vụ cháy rừng. Bên cạnh đó, trách nhiệm của chủ rừng, người dân ở các huyện miền núi sống gần rừng vẫn còn chủ quan, lơ là, trong  khi cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác PCCCR còn thiếu thốn. Vì vậy, việc phát hiện các vụ cháy rừng còn chậm, đến khi phát hiện thì đám cháy đã lan ra phạm vi lớn, khiến cho việc dập tắt mất nhiều thời gian, nhân lực và công sức, dẫn tới thiệt hại lớn về rừng cũng như ảnh hưởng tới môi trường sinh thái tự nhiên.  

Cụ thể như vụ cháy rừng xảy ra vào đầu tháng 12/2019, tại các phường Nam Khê và Bắc Sơn, TP.Uông Bí. Diện tích rừng bị cháy khoảng 30 ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất, chủ yếu là rừng trồng thông và keo được trồng từ năm 2015 và một phần diện tích đồi cỏ. TP.Uông Bí đã huy động khoảng 200 người tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, phải mất gần 6 giờ, các lực lượng mới dập tắt hoàn toàn vụ cháy, do phát hiện muộn, thời tiết khô hanh, đám cháy xảy ra trên đồi cao, nên người và phương tiện tiếp cận khó khăn, phương tiện chữa cháy còn hạn chế, chủ yếu dùng máy thổi gió, dập thủ công bằng cành cây, nên việc chữa cháy kéo dài, gây thiệt hại về diện tích rừng lớn.

Một vụ cháy rừng xảy ra vào tháng 6/2020 tại phường Trưng Vương, TP.Uông Bí

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác PCCCR, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt dự án Xây dựng và vận hành hệ thống phát hiện sớm cháy rừng và giao cho Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Với mục tiêu của là phát triển phần mềm nội bộ và tạo lập cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa cấu trúc dữ liệu hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh; xây dựng ứng dụng trên di động để nhận thông tin điểm cháy và tương tác với trung tâm điều khiển khi xác định được vị trí điểm cháy trên thực địa; đào tạo sử dụng và vận hành hệ thống phần mềm cho Chi cục Kiểm lâm, Hạt kiểm lâm và chủ rừng và Ban chỉ đạo PCCCR các cấp.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, Mạc Văn Xuyên cho biết, việc đưa vào vận hành hệ thống phát hiện sớm cháy rừng là bước đột phá mới, bởi việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để phát hiện sớm cháy rừng. Khi đám cháy được phát hiện, vị trí đám cháy được tích hợp vào cơ sở dữ liệu GIS với đầy đủ thông tin từ các thành phố, thị xã, huyện, xã, tiểu khu rừng, khoảnh rừng, thôn, bản, điện thoại cơ quan kiểm lâm phụ trách khu vực xảy ra đám cháy, điện thoại của trưởng thôn, bản. Qua đó, sẽ giúp Ban chỉ đạo PCCCR các cấp thuận lợi trong việc chỉ đạo, điều hành công tác PCCCR, dập tắt đám cháy ngay khi đám cháy còn nhỏ, nên mức độ thiệt hại sẽ được giảm thiểu, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác PCCCR trên địa bàn.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy hiệu quả hệ thống phát hiện sớm các vụ cháy rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO